|
Một góc xã Quang Vinh. Ảnh: báo Hưng Yên |
Mùa thu lịch sử 1945 đã lùi xa nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức của những người cao tuổi ở xã Quang Vinh (Ân Thi, Hưng Yên).
Hồi tưởng lại quá khứ, ông Đào Thê (thôn Phú Cốc) lặng chìm trong những năm tháng không thể nào quên: “Quên sao được không khí sục sôi của những ngày Cách mạng tháng Tám. Khi đó, tôi mới chỉ 13 tuổi chưa tham gia phong trào đấu tranh nhưng khí thế như “nước vỡ bờ” tất thảy mọi người vùng lên trong phong trào phá kho thóc của Nhật, sự hăng say tập luyện để chuẩn bị tổng khởi của thanh niên trai tráng trong làng… là miền ký ức không thể phai trong tâm trí tôi”. Theo lời kể lúc trầm lúc bổng của ông Thê, chúng tôi như được ngược dòng lịch sử để tìm về thời kỳ đấu tranh anh hùng mà gian khổ của người dân xã Quang Vinh.
Xã Quang Vinh nằm ở phía đông bắc huyện Ân Thi, là miền quê thuần nông, nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, ruộng đất chủ yếu nằm trong tay địa chủ, người dân phải chịu cảnh sưu cao thuế nặng, cuộc sống vô cùng cực khổ. Nhiều người con của quê hương Quang Vinh đã sớm giác ngộ cách mạng như đồng chí Tuấn Phong, đồng chí Chuân… Được sự giúp đỡ của xứ ủy Bắc kỳ, ban cán sự tỉnh được bổ sung thêm một số đồng chí ở Trung ương về, trong đó đồng chí Thận, đồng chí Bang được giao tổ chức lãnh đạo, xây dựng cơ sở cách mạng, gây dựng phong trào trên địa bàn huyện. Từ khi có cán bộ cấp trên về trực tiếp lãnh đạo, mọi hoạt động và phong trào cách mạng trên địa bàn xã từng bước lớn mạnh, phát triển mạnh mẽ nhất là phía Bắc huyện Ân Thi. Cuối năm 1944, nhân dân trong xã dưới sự lãnh đạo của cán bộ cốt cán cách mạng đã tổ chức mít tinh tuần hành lớn ở đình làng thôn Đỗ Thượng. Từ đây, đoàn người tiến ra các địa phương: Ngọc Nhuế, Đào Xá, Kênh Bối, Thổ Hoàng rồi trở về xã để thị uy, cảnh cáo tên Phủ Giao ở huyện Ân Thi về âm mưu thu thuế cho Nhật. Cuộc mít tinh đã gây tiếng vang lớn về sự phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn xã.
Đầu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Việt minh, nhân dân trong xã đã dũng cảm đấu tranh ngăn cản không cho lý trưởng thu thóc, thu thuế; tham gia phá kho thóc của bọn địa chủ, chủ ấp phản động ở Sa Lung (thuộc tổng Huệ Lai), ấp Đồng Mái (La Mát), ấp Cả Thái, ấp Mới, ấp Phú… để lấy thóc chia cho dân nghèo khắp nơi trong vùng. Thắng lợi ban đầu đã tạo dựng niềm tin tuyệt đối của nhân dân về Mặt trận Việt minh, phong trào cách mạng trên địa bàn xã phát triển đồng đều ở khắp các cơ sở. Tính đến tháng 5 – 1945, toàn xã có 53 hội viên cứu quốc thuộc đủ các thành phần nông dân, tiểu tư sản, học sinh trí thức, địa chủ nhỏ… Cũng vào thời điểm này, chi bộ Đảng đầu tiên của xã được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Kim Sơn làm Bí thư. Đầu tháng 8 – 1945, không khí cách mạng sôi sục, nhân dân Quang Vinh bước vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 17 – 8, dưới sự lãnh đạo của chi bộ và Mặt trận Việt minh, lực lượng tự vệ và dân quân xã phối hợp với lực lượng tự vệ các xã bạn đã tiến đánh huyện lỵ. Ngày 18 – 8, nhân dân làm chủ huyện lỵ. Sau khi giành chính quyền và tham gia mít tinh mừng chiến thắng ở huyện, chi bộ Đảng và Mặt trận Việt minh của xã đã tiến hành thu triện, thu sổ sách của lý trưởng và tuyên bố thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời.
Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ những ngày tháng Tám hào hùng đó, đến nay vùng quê thuần nông Quang Vinh đã có sự chuyển mình trên mọi mặt kinh tế, xã hội. Ông Đỗ Công Định, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã cho biết: Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân xã luôn năng động khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã Quang Vinh đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ bà con nông dân phát triển sản xuất như mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng, cải tạo hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu; hỗ trợ vay vốn… Các giống lúa cho năng suất và chất lượng cao được người dân đưa vào canh tác. Hiện trên đồng ruộng Quang Vinh có tới 80% diện tích gieo cấy giống lúa hàng hóa chất lượng cao. Năm 2011, năng suất lúa bình quân đạt 12,2 tấn/1ha, giá trị thu nhập bình quân trên một ha đất canh tác đạt 107 triệu đồng. Trên địa bàn toàn xã có khoảng 20 trạng trại với tổng số đàn lợn 3000 con, đàn gia cầm 20.000 con…
Bộ mặt nông thôn của Quang Vinh ngày càng khởi sắc. Hệ thống công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, dân sinh được tập trung đầu tư khá mạnh mẽ. Đến nay, gần 100% đường làng ngõ xóm được làm bằng vật liệu cứng. Toàn xã không còn nhà tranh vách đất, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, đời sống của người dân cũng ngày được nâng lên. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sôi nổi, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại trừ. Toàn xã có 96,5% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 5/6 thôn được công nhận làng văn hóa. Kế thừa truyền thống hiếu học, các dòng họ trong xã đều có quỹ khuyến học để động viên con em học tập. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, trung bình mỗi năm xã có 10 – 12 em thi đỗ đại học, cao đẳng. Đảng bộ xã liên tục nhiều năm được công nhận trong sạch vững mạnh. Tình hình trật tự, an ninh quốc phòng được giữ vững.
Sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh, cần cù, chịu khó trong sản xuất là những nhân tố góp phần ghi nên những trang vàng lịch sử cho vùng quê thuần nông Quang Vinh. Tin rằng với hướng đi đúng đắn cộng với sự năng động, sáng tạo nhân dân Quang Vinh sẽ tiếp tục dệt lên những thành tựu lớn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.