Hưng Yên: Triển vọng mùa nhãn

Thứ hai, 20/08/2012 15:32

 

Thu hoạch nhãn ở xã Hồng Nam (Thành phố Hưng Yên). 
Ảnh: báo Hưng Yên
 

Hiện nay, trên các thửa vườn xanh mướt màu lá, trĩu trịt những chùm quả ngọt, các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên đang bắt tay vào thu hoạch nhãn. Theo nhận định của nhiều hộ làm vườn thì năm nay nhãn Hưng Yên được mùa, được giá, người nông dân phấn khởi tin tưởng vào cây trồng đặc sản này...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có trên 3.000 ha nhãn đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Nhãn Hưng Yên được chia làm 3 trà: trà sớm, trà chính và trà muộn, một phần của trà nhãn sớm và trà nhãn muộn là do giống nhãn, một phần do những năm gần đây người nông dân đã biết áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhãn nhằm mục đích kéo dài thời vụ và tăng hiệu quả kinh tế từ cây nhãn, đồng thời giúp nhiều thực khách xa gần được thưởng thức loại quả đặc sản này. Theo đánh giá, năm nay do tác động tích cực của yếu tố thời tiết cùng với kỹ thuật thâm canh của người dân được nâng cao nên ở những vùng thâm canh nhãn như thành phố Hưng Yên, Tiên Lữ, Khoái Châu tỷ lệ nhãn ra hoa đậu quả đạt trên 80%, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 40.000 tấn. Nhận định chung của các hộ làm vườn cho thấy, năm nay cơ bản là nhãn Hưng Yên được mùa, chỉ trừ những diện tích của trà nhãn sớm do ra hoa vào đúng đợt mưa kéo dài đầu năm nên nhiều cây bị hư hỏng.

Những ngày này về xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên), trên các thửa vườn người trồng nhãn đã bắt tay vào thu hoạch, người xe ra vào tấp nập để vận chuyển hàng đưa đi các nơi tiêu thụ. Theo thống kê, hiện toàn xã có trên 250 ha trồng nhãn, ước thu khoảng 2.500 tấn quả tươi. Trong đó, nhãn trà sớm chiếm khoảng 5% tổng diện tích. Để có trà nhãn sớm, ngay từ trung tuần tháng 9 âm lịch, tức là ngay sau khi vụ nhãn kết thúc, các hộ làm vườn đã tiến hành chăm sóc nhãn, sử dụng những biện pháp khoa học như phun các chế phẩm sinh học qua lá, tưới kali Kclo3 qua gốc… Năm nay, vào thời điểm nhãn trà sớm trổ hoa gặp mưa kéo dài nên tỷ lệ ra hoa đậu quả không được như ý, sản lượng tương đối thấp. Điều này càng làm tăng giá trị của quả ngọt đầu mùa. Vào đầu vụ, giá nhãn tươi giống hương chi dao động từ 45 – 50 nghìn đồng, nhãn thóc từ 20 – 30 nghìn đồng. Đây là mức giá lý tưởng đối với người làm vườn. Ông Nguyễn Văn Hào (thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam) phấn khởi: "Vụ này, gia đình tôi ước thu khoảng trên 3 tấn nhãn quả tươi, trong đó có khoảng 5 tạ nhãn sớm. Tuy sản lượng nhãn sớm chẳng thấm là bao nhưng với giá bán như hiện nay thì tính bình quân 1kg nhãn sớm có giá trị gấp 2 – 3 lần so với trà nhãn chính vụ. Đặc biệt, loại nhãn sớm này tiêu thụ rất dễ và ổn định, các thương lái từ Hải Dương, Hà Nội... đã về vườn của gia đình tôi để đặt hàng từ rất sớm với giá cao."

Thời điểm thu hoạch của trà nhãn sớm và trà nhãn chính vụ chỉ chênh lệch nhau trong một khoảng thời gian ngắn nhưng giá trị của nhãn đã hoàn toàn khác. Tuy nhiên, hiện diện tích trà nhãn sớm lại rất khiêm tốn. Ở khu vực được xem là "vựa nhãn" của tỉnh như thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ diện tích trà nhãn sớm cũng chỉ chiếm 5- 10% tổng diện tích trồng nhãn. Ở khu vực này, các chủ vườn thường sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để kích thích nhãn ra hoa đậu quả theo ý muốn. Khi sử dụng các biện pháp này tỷ lệ rủi ro khá cao, nó đòi hỏi rất nhiều công chăm sóc, phụ thuộc vào thời tiết, thậm chí còn phải "đánh cuộc" được – mất... Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Việc canh tác trà nhãn sớm có ưu thế rất lớn nhằm mục đích kéo dài thời vụ thu hoạch nhãn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và tránh được điệp khúc "được mùa rớt giá" như nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, việc trồng nhãn sớm không hề đơn giản. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là thời tiết nên người làm vườn khó chủ động trong canh tác. Nếu chăm sóc không tốt cộng với thời tiết không thuận lợi, cây sẽ cho sản lượng rất thấp, thậm chí là mất trắng. Đây chính là nguyên nhân người trồng nhãn còn e dè với việc trồng và sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để tăng diện tích trà nhãn sớm. Vài năm nay, diện tích trà nhãn sớm ở xã Hồng Nam vẫn chỉ ổn định ở mức 5% tổng diện tích.

Ông Nguyễn Văn Huyên, trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: "Hiện toàn huyện có khoảng 500 ha trồng nhãn, ước thu trên 5000 tấn quả tươi. Ngoài việc trồng và chăm sóc nhãn truyền thống, đến nay, các hộ trồng nhãn trên địa bàn huyện đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc nhãn để cây nhãn ra hoa đậu quả đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, đa phần người dân nơi đây vẫn tập trung sử dụng các biện pháp khoanh gốc, tiện cành phun các chế phẩm sinh học, bón Kclo3... để điều tiết nhãn ra hoa, đậu quả vào thời điểm thích hợp, tranh thủ được sự thuận lợi của thời tiết, tránh rủi ro trong canh tác."

Năm nay theo đánh giá chung của các hộ làm vườn, vụ này nhãn vừa được mùa vừa được giá. Bởi đến thời điểm này khi trà nhãn sớm cơ bản thu hoạch xong, trà chính cũng bắt đầu cho thu hoạch rộ, thế nhưng giá nhãn quả trên thị trường vẫn đang có mức "giá đẹp", dao động từ 20 – 30 nghìn đồng/1kg, cao gấp 2 lần so với vụ mùa năm 2011. Dưới cái nắng hè oi ả, gương mặt bác Đào Văn Cần (thôn Lê Bãi, xã Thủ Sỹ, Tiên Lữ) ánh lên niềm vui: "Gia đình tôi có gần 1 mẫu trồng nhãn, chủ yếu là giống nhãn hương chi. Năm nay ước thu khoảng gần 9 tấn. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của việc thâm canh nhãn, gia đình tôi đã ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để rải vụ vừa có trà sớm vừa có trà chính, trà muộn. Cùng vào thời điểm này năm ngoái, nhìn vườn nhãn trĩu quả mà gia đình tôi cũng như nhiều hộ làm vườn khác chẳng muốn thu hoạch bởi vào chính vụ giá xuống quá thấp chỉ khoảng 10 – 12 nghìn đồng/1kg. Năm nay nếu mức giá này vẫn ổn định thì vụ này gia đình tôi trúng lớn."

Thực tế đã cho thấy, việc nhân rộng giống nhãn sớm, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nhãn nhằm mục đích kéo dài vụ nhãn, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây nhãn của người nông dân những năm gần đây đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay việc rải vụ hoàn toàn do người nông dân tự cân đối để tăng giá trị của cây nhãn cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy việc cân đối thời vụ cũng như bảo đảm giá cả, đầu ra của sản phẩm hoàn toàn do người trồng và người tiêu dùng điều tiết, chưa có sự tác động tích cực từ các đơn vị thu mua cũng như các cơ quan chức năng. Từ lâu, nhãn lồng đã là đặc sản, là thương hiệu riêng của đất và người Hưng Yên, nay nó còn là cây làm giàu cho người dân xứ nhãn, song vấn đề giữ gìn thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên, duy trì đầu ra ổn định... vẫn rất cần đến sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực