Một người con dũng cảm của quê hương Hưng Yên

Thứ bảy, 01/05/2010 15:07

(ĐCSVN) Mùa xuân năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh ném bom bắn phá miền Bắc nước ta. Anh thanh niên Vũ Quyết Thắng, người xã Dị Sử (Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mới 17 tuổi, đang học năm cuối cấp III (THPT), là con trai lớn của bác sĩ quân y Vũ Văn Căn đang phục vụ tại cơ sở y tế quân đội bên nước bạn Lào. Đã có bố đẻ tham gia chiến đấu trên chiến trường "C", được địa phương động viên cố gắng học tập giỏi để sau này góp phần xây dựng đất nước, nhưng Vũ Quyết Thắng và lớp thanh niên học sinh cấp III lúc bấy giờ chỉ muốn ngay lập tức được vào bộ đội cầm súng tiêu diệt quân xâm lược.

Hàng ngày, giữa những miền quê yên bình, dọc những con đường quốc lộ... bao nhiêu nhà cửa, trường học, bệnh viện từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Vĩnh Linh đã bị bom Mỹ tàn phá, bao nhiêu đồng bào ta đã bị giết hại.

Trong hoàn cảnh ấy, Vũ Quyết Thắng và bạn bè của anh không thể nào yên tâm ngồi trên ghế nhà trường nơi sơ tán và mặc dù chưa đến tuổi, anh vẫn xin phép mẹ được đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Một hôm, vừa đi học về đến nhà, Thắng đã cầm tay mẹ năn nỉ: Mẹ cho con đi bộ đội mẹ nhé!". Mẹ Thắng nhìn cậu con trai một lượt từ đầu đến chân. Bà nói: "Con đã đến tuổi đâu mà đi? Chắc gì đã trúng tuyển?". Thắng ôm chầm lấy mẹ, rúc cái đầu lờm xờm những tóc vào ngực mẹ: "Con không còn bé nữa đâu mẹ ạ. ít nhất con phải là lính của bố con chứ!". Thế là anh tạm "xếp bút nghiên" đi khám tuyển quân sự và trúng tuyển.

Sau thời gian huấn luyện, Vũ Quyết Thắng được bổ sung vào đơn vị tăng, thiết giáp, Lữ đoàn 203. Làm lính xe tăng là một vinh dự, song cũng đầy gian nan vất vả, anh cùng đồng đội miệt mài ngày đêm học tập, rèn luyện, bảo đảm ra trận là chiến đấu thắng lợi.

Không lâu sau, đơn vị của Thắng được trực tiếp vào Nam cùng với những cỗ xe tăng hiện đại. Câu chuyện "xe tăng đi B" còn là một ẩn số, mãi sau này mới hé mở. Đó là chuyện của các nhà viết sử quân đội, lịch sử của cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân ta. Chỉ biết rằng đơn vị tăng, thiết giáp của Vũ Quyết Thắng đã có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt từ Quảng Trị trở vào, trong đó đáng nhớ nhất là cuộc tiến công năm 1972 ở Quảng Trị, chiến dịch "Đường 9 - Nam Lào"... Vũ Quyết Thắng càng chiến đấu càng trưởng thành, từ một chiến sĩ, được đề bạt làm cán bộ chỉ huy, đơn vị tiến sâu vào miền Đông Nam Bộ. Tháng 9.1969, Vũ Quyết Thắng được đơn vị cử tham gia Đoàn đại biểu dũng sĩ miền Nam về thủ đô Hà Nội viếng Bác, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân. Trước linh cữu của Người, các đại biểu dũng sĩ miền Nam, trong đó có Vũ Quyết Thắng thầm hứa với Người trở về miền Nam chiến đấu giỏi hơn nữa để không phụ lòng tin của Đảng, của Bác.

Quyết tâm rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vang lên như hồi kèn xung trận, thôi thúc các đơn vị bộ đội ta thần tốc tiến về Sài Gòn. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của Vũ Quyết Thắng đã có mặt tại cửa ngõ Sài Gòn. Lúc ấy, Vũ Quyết Thắng là chính trị viên một phân đội xe tăng. Trên đường tiến quân, những chiếc xe tăng dũng mãnh của quân giải phóng đã lướt tới đè bẹp nhiều ổ đề kháng của địch, thẳng tiến về "Dinh Độc Lập". Bọn địch ở Sài Gòn vẫn còn một số điểm phản kích điên cuồng, đơn vị của Thắng đã có thương vong. Vũ Quyết Thắng lao lên tháp xe, động viên anh em kiên cường chiến đấu. Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 30.4, Vũ Quyết Thắng đang chỉ huy đơn vị thì bị trúng đạn của địch và ngã xuống giữa một đường phố lớn của Sài Gòn, trước lúc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện.

Hơn 10 năm làm lính Cụ Hồ, Vũ Quyết Thắng được thưởng ba Huân chương Chiến sĩ giải phóng; một huân chương Chiến công hạng Nhì; huy hiệu Dũng sĩ. Đất Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh đã nâng niu, ấp ủ anh trong lòng suốt 23 năm. Năm 1998, được sự giúp đỡ của quân đội và hai địa phương, gia đình và dòng họ đã tổ chức đưa hài cốt của liệt sĩ Vũ Quyết Thắng về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện lỵ Mỹ Hào và khắc tên anh vào bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của xã Dị Sử.

Ngày đón anh về, gần như có mặt cả làng. Đảng ủy, chính quyền, hội CCB, các cựu quân nhân, các bạn học cũ, anh chị em cô bác trong họ ngoài làng quây quần quanh anh... để được tiễn biệt một người con dũng cảm của quê hương. Tôi viết lại những dòng này nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, như thắp một nén nhang trên bia mộ anh, bày tỏ lòng biết ơn với người con đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Sản phẩm làng nghề Hưng Yên trên đất thủ đô

Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

Phù Cừ nuôi trâu

Công ty điện tử Việt Nhật

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực