Một thoáng Phố Hiến trong văn chương

Thứ bảy, 13/02/2010 10:06
Untitled 1

(ĐCSVN) - Hễ mảnh đất nào giàu truyền thống văn hiến thì mảnh đất ấy tất sẽ lưu lại nhiều thơ văn. Âu đó cũng là quy luật của nghệ thuật, của cái đẹp, rằng cứ nơi đâu sinh tạo ra cái đẹp, nơi ấy cái đẹp sẽ ngự trị vĩnh hằng.

Không ai phủ nhận được dấu ấn thời gian đã phủ bóng và xoá nhoà đi những chứng tích quan trọng về một thời Phố Hiến xưa, nhưng may mắn thay, nghệ thuật, bất chấp sự nghiệt ngã của thời gian, vẫn toả bóng uy nghi mặc “thương hải tang điền”, vẫn thầm kể trong lời con nước về một thương cảng Phố Hiến tấp nập, phồn thịnh; về trái nhãn lồng thơm ngọt; về tâm hồn người Phố Hiến bình dị, chân phương, nhân hậu đến nao lòng. Những trang văn về Hiến Nam Trang ( tên gọi xưa của Phố Hiến) chính là một di sản tinh thần quý báu mà người Hưng Yên xưa và nay vô cùng nâng niu, trân trọng.

Dòng văn học dân gian Phố Hiến còn lưu lại khoảng vài trăm câu ca dao, vài chục truyện kể dân gian phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, tín ngưỡng tâm linh đậm chất Bắc Bộ. Có tác phẩm kể chuyện tình lãng mạn giữa tướng quân Lê Hoàn với người con gái đẹp chốn non nước Hiến Nam Trang hữu tình, nhưng rồi vì những ngăn trở, hiểu lầm mà cuộc tình không trọn vẹn. Lại có chuyện kể về Dương Thái hậu (mẹ vua Tống Đế Bình- Trung Quốc) vì nước mất mà phải phiêu dạt, lênh đênh trên thuyền ra bể, không may đắm thuyền, xác trôi giạt vào bờ, được người dân địa phương chôn cất và lập đền thờ. Người Hưng Yên cũng thường kể nhau nghe huyền tích Chử Đồng Tử- Tiên Dung, mối tình trong sáng, mãnh liệt, bất chấp định kiến xã hội, địa vị sang hèn, mối nhân duyên bất hủ mở đường cho quan điểm tình yêu tự do, tự nguyện... Tất cả những câu chuyện này đều có một điểm chung nhau: Nó làm sáng lên tinh thần nhân văn, nhân hậu của con người Việt Nam và những thần tích ấy đều được lưu lại, minh chứng bằng những lễ hội văn hoá, những công trình kiến trúc đình, đền, chùa, miếu, mạo còn tồn tại đến ngày nay. Thế mới nói, Phố Hiến là mảnh đất được kết thành bởi văn hoá, bước chân trên dải đất này là bước vào thế giới của những kết đọng trầm tích bao đời, bao thế hệ, bao công trình kiến trúc phủ bóng thời gian và sức sống mãnh liệt của những tâm hồn nhân nghĩa, vị tha, thuỷ chung sau trước.

Văn học viết cũng có dịp làm đẹp thêm cho Phố Hiến cổ kính, trầm mặc. Đã có thời chúng ta có hẳn một Tao đàn để vịnh cảnh đẹp Hiến Nam Trang, để các bậc văn nhân bày tỏ lòng yêu mến, ngưỡng mộ về một nơi chốn đầy sức quyến rũ lòng người. Tuy mệnh yểu, sớm lụi tàn bởi biến thiên cuộc đời, ta vẫn tự hào có một dòng thơ Phố Hiến vang bóng thời gian. Đây là 2 câu thơ tả vể đẹp của Văn miếu Xích Đằng:

“ Đường qua trước mặt hương thơm lựu

Đê chắn ngang sườn rợp bóng cây ”

khiến ta có cảm giác như đang bước vào một thế giới huyền hồ của hương thơm tao nhã và thanh khiết. Nó gợi nhắc đến mùa nhãn ngọt thơm, mà hình như ưu ái riêng cho Phố Hiến, chỉ dải phù sa châu thổ này mới kết tạo được vị ngọt thơm trong trẻo đến thế.

Có thi nhân đã sững sờ trước một dáng hồ thu:

“ Ao vuông cạnh miếu tựa gương trong

Trong vắt một màu bụi sạch không ”

Đó hẳn là màu Phật, màu của tâm hồn tĩnh lặng, đã vượt qua cái giới hạn của Sắc- Không, để trầm vào một thế giới vô thanh mà đa điệu. Thế nên, đâu đây vẫn vang tiếng chuông chiều dằng dặc mà sao nói bao điều triết lý thâm sâu:

“ Tiếng chuông nhận rõ điều lý rành mạch

Nhắc nhở người ta hiểu được lẽ phải ở đời ”

Tiếng chông nguyện cầu ấy- của Đạo, của Phật pháp, của những hướng thiện trong trẻo, nguyên sơ, mà có lẽ, không phải là mảnh đất văn hiến chẳng thể nào có được.

Nhắc đến Phố Hiến mà quên Hồ Bán nguyệt thì khác nào “mở cửa sổ ngắm núi mà quên mất chuông lầu vọng lâu” như ý tứ của Nguyễn Tuân bình bài thơ “ Sông lấp” của Trần Tế Xương. Nghĩa là ta đã để mất cái đẹp nhất, thanh nhất, trong nhất. Hình như, mỗi thi nhân đã một lần dùng chân nơi Bán nguyệt, đều đề thơ nơi mặt nước thơ mộng này. Trong đó có những giọng thơ đã để lại dấu ấn khó phai mờ. Nhà giáo ưu tú- nhà thơ Nguyễn Khắc Hào từng viết rất hay về nơi đây, như một lời cảm tạ quê hương sinh thành:

“ Cái tên ngân lên một dòng thơ cổ

Nguyệt Hồ ơi, ai đặt tự bao giờ

Con đường ấy, mặt hồ yên ả ấy

Bao năm rồi ấp ủ dáng quê...

Và như thế lòng ta tha thiết

Khi gọi tên hai tiếng Nguyệt Hồ

Cái tên đẹp tự bao giờ chẳng biết

Lại gợi về phố Hiến thủa xa xưa...”

Không có một tình yêu chan chứa và một mẫn cảm sâu sắc với cái Đẹp, sao có thể viết được những dòng thơ tha thiết đến thế ?!

“ Em ơi về quê anh ”- một thi tứ đẹp của nhà thơ Đào Quang Điền, cũng có những câu thơ chân thành tha thiết về Nguyệt Hồ:

“ Em ơi về quê anh

Mùa xuân này em nhé

Yên Lệnh đã thông cầu

Nối niềm vui mọi ngả

Thăm Nguyệt Hồ yên ả

Gương soi bóng chị Hằng

Từ bao đời vẫn thế

Giữ trọn màu xanh trong...”

Nữ sĩ Điền Trang lại góp cho dòng Nguyệt Hồ một giọng thơ riêng mang vẻ đẹp nữ tính, với những câu thơ dịu dàng trong một nỗi xao xuyến nao lòng:

“ Trăng soi mặt nước xanh mờ

Nghe thuyền câu đã gọi bờ lanh canh

Thoảng thơm hương nhãn bay xa

Ngoài kia ấm tiếng ai ca bồi hồi

Sông Hồng ngọn gió chơi vơi...”

Sự thay đổi mấy lần của lịch sử, hẳn nhiên đã tàn phá đi rất nhiều vẻ đẹp của Phố Hiến cổ kính ngày nào. Người yêu trấn Sơn Nam, sao không khỏi đau lòng trước những nghiệt ngã đó. Xưa có Lê Thảo Chung, người Thọ Xương, Thanh Hoá, đến thăm đất này, vì thấy cảnh đẹp xưa giờ tàn phai, hoang phế mà thốt lên ngậm ngùi:

“ Hiến Nam trải mấy nắng lần mưa

Trăng giãi sen tàn, gốc nhãn trơ

Đền cũ đôi nơi, đèn thấp thoáng

Hàng tầu hai dãy cỏ lơ thơ...”

Tránh sao được luật đời muôn thủa, biết thế để nhắc ta rằng: Có một thời Phố Hiến, để ta yêu, và để ta giữ gìn ...

Quan tâm nhiều hơn tới đời sống tâm lý trẻ em

Tỉnh Hưng Yên: Lúa đông xuân đạt năng suất cao

Thực hiện tốt tuyên truyền giao thông trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên: Những khó khăn trong cơ cấu cán bộ trẻ dưới 30 tuổi vào ban chấp hành đảng ủy

Thực trạng hoạt động du lịch ở Hưng Yên

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực