Gió mùa Đông Bắc mang theo hơi lạnh hanh heo, nhiều người bắt đầu "ngại" nước. Thế nhưng, ở các ao, các con mương quê tôi... trên chiếc thuyền tôn các bác nông dân vẫn cặm cụi, bứt từng củ ấu - thứ quà quê chỉ có vào thời khắc chuyển giao giữa hai mùa thu - đông.
|
Ấu được bày bán tại xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) |
Ấu là loại cây rất lành và dễ tính, sinh trưởng và phát triển tốt ở ao đầm và những chân ruộng trũng. Cây ấu nổi bồng bềnh trên mặt nước, chẳng cần mất nhiều công chăm bón, tự hút chất dinh dưỡng từ bùn đất để sinh sôi, phát triển. Sức sống của ấu dẻo dai, chỉ cần trồng một lần có thể cho thu hoạch lâu dài. Ấu có thể xuống giống bằng dây hoặc trồng bằng củ. Vào độ tháng 3 âm lịch, tiết trời ấm áp, người dân xin dây ấu của những nhà có giống để trồng. Cách đơn giản hơn nữa là vào cuối vụ ấu của năm trước, người ta lấy củ ấu già, vo tròn trong nắm đất, thả xuống ao, ruộng... đến năm sau ấu có thể nảy mầm, phát triển. Ðối với các ao, đầm đã trồng ấu vụ trước, củ già không thu hoạch kịp, rụng xuống lẫn vào bùn và “ngủ say sưa” cho tới tận cuối xuân năm sau mới “bừng tỉnh” ngoi lên mặt nước… Sang hè ra hoa và ra củ… Cứ thế vòng tuần hoàn của ấu tiếp tục, không phải lo đến việc giữ và nhân giống.
Cuối xuân sang hè, ấu khép tán xanh mặt nước. Lá ấu mọc thành từng chùm màu xanh thẫm, láng bóng, mượt mà. Khi ấu trưởng thành, hoa của nó mọc ra từ cuống nhỏ tí xíu, trắng tinh. Hoa ấu nở chỉ trong một ngày rồi tàn rữa, hoa tự thụ phấn thành quả (người quê tôi vẫn gọi là củ vì quả ấu mọc chìm dưới mặt nước). Củ ấu gục xuống dưới kẽ lá, ngâm mình trong nước, ăn các chất dinh dưỡng từ cây và nước để lớn dần lên. Thường thì mỗi gốc ấu ra được năm đến bảy củ. Củ ấu non khoác trên mình tấm áo màu hồng hồng. Dần dần, lớp áo hồng mỏng manh cứng dần lên, chuyển sang màu đen, tạo thành lớp áo giáp vững chắc, bảo vệ ruột ấu ngọt lành bên trong.
Mùa ấu không kéo dài như những loại củ, quả khác. Hàng năm cứ vào cuối thu, khi cái lạnh đã bắt đầu, nhà nông gặt hái vụ mùa xong xuôi cũng là lúc củ ấu cho thu hoạch. Ấy là vào khoảng cuối tháng 9 âm lịch, khi lá ấu đã cong mình khỏi mặt nước, dây nối củ ấu đã teo nhỏ. Theo kinh nghiệm của người dân để "khảo" ấu non hay ấu già chỉ cần thả ấu trên mặt nước, nếu củ chìm xuống chứng tỏ ấu đã đủ độ để thu hoạch. Với những ao, ruộng sâu nước, người dân thường dùng thuyền để thu hái. Từng đường thuyền thẳng tắp rẽ những khóm ấu ken dầy mặt nước để hái củ.
"Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Ai ơi! Nếm thử mà xem
Nếm xong mới biết rằng em ngọt bùi"
Câu ca dao trên có lẽ đã khái quát được nét đặc trưng của củ ấu. Củ ấu già với lớp vỏ đen, cứng chứa đựng lớp tinh bột ngọt bùi bên trong là món quà quê hấp dẫn. Củ ấu tươi có vị ngọt đặc trưng. Sau khi luộc, củ ấu bở, ngọt bùi. Bên cạnh món ấu luộc, củ ấu còn được hầm xương, sào thịt... Với lũ trẻ chúng tôi, củ ấu luộc không những là món ăn ngon mà còn tạo được ra món đồ chơi hấp dẫn. Đó chính là những chiếc sáo ấu. Lũ trẻ chúng tôi thường chọn những củ ấu to, cân đối, dùng tăm nhỏ khoét hết nhân ở giữa để làm sáo. Tiếng sáo ấu vang lừng cả xóm như làm tăng thanh âm, xua đi cái giá rét của những ngày đầu đông.
Bây giờ, ao chuôm chẳng còn nhiều, những nơi trồng ấu trước kia đã được cải tạo thay thế bằng những trang trại chăn nuôi, những ao nuôi cá, thả vịt…. Thêm vào đó, nguồn nước bị ô nhiễm, đất sống của cây ấu bị co lại. Tuy vậy, tại một số địa phương có nhiều ao, đầm trũng như Phương Chiểu, Thụy Lôi, Tân Hưng (Tiên Lữ), Hồng Nam, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên)... người dân vẫn tận dụng diện tích ao hồ để trồng ấu vừa để giữ giống loài cây dân dã vừa để có thứ quà quê ngọt bùi.