Thổ Cốc – Nơi phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh Hưng Yên

Thứ năm, 19/08/2010 16:36

Thôn Thổ Cốc, xã Tân Lập (Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 nằm trong khu an toàn của tỉnh. Nơi đây người dân sớm đi theo cách mạng, phong trào Việt Minh phát triển mạnh, do đó được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn là trụ sở giao thông của xứ đồng thời là cơ sở hội họp của Ban cán sự tỉnh. Trong khí thế sôi sục thực hiện Chỉ thị "Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Ban cán sự tỉnh đã họp tại Thổ Cốc và phát lệnh khởi nghĩa toàn tỉnh. Người dân Thổ Cốc nhiệt tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, hăng hái tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền về tay Việt Minh. 65 năm qua, cùng với đổi thay của đất nước, Thổ Cốc đang từng ngày đổi mới và nơi đây mãi là chứng tích lịch sử đáng tự hào để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi trở lại Thổ Cốc vào một ngày đẹp trời đầu tháng Tám. Mới đầu mùa thu nhưng không khí đã mát mẻ, dễ chịu, ngay từ đầu làng hương cau thơm thoang thoảng, gợi lên cảm giác bình yên, thư thái. Bên chén trà nóng ướp hương sen, trong ngôi nhà mà trước kia là cơ sở của Ban cán sự tỉnh Hưng Yên, ông Lê Văn Công, cán bộ tiền khởi nghĩa, 88 năm tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng vẫn còn rất mạnh khỏe, tinh anh kể lại cho chúng tôi nghe về không khí hào hùng những ngày tháng Tám lịch sử trên quê hương.

Được sự giúp đỡ của xứ ủy Bắc Kỳ, Khu an toàn Bãi Sậy được thành lập tại tỉnh Hưng Yên, lúc này tỉnh ta có bí danh là tỉnh Tán Thuật. Khu an toàn lấy thị trấn Bần Yên Nhân là trung tâm và các xã trong vùng nam, bắc đường 5 là căn cứ do đó xã Tân Lập nằm trong khu an toàn của tỉnh. Được sự quan tâm giúp đỡ của cán bộ ủy ban khu Bãi Sậy, phong trào cách mạng trong xã có bước phát triển mới. Những tiếng nói “Cách mạng”, “Việt Minh” lúc này đối với người dân Tân Lập hết sức thiêng liêng và cao cả. Do phong trào Việt Minh trong xã vững mạnh, xứ ủy đã lấy nhà ông Nguyễn Đăng Tỵ, thôn Thổ Cốc đặt trụ sở giao thông của xứ. Đây cũng được chọn là cơ sở hội họp của Ban cán sự tỉnh. Ngôi nhà này được coi là đẹp nhất thôn lúc bấy giờ, nhà 5 gian bằng gỗ, rộng rãi, chắc chắn và kín đáo. Ngày 18.8.1945, tại ngôi nhà này, Ban cán sự tỉnh cấp tốc mở hội nghị theo tinh thần chỉ thị của Trung ương . Để bảo vệ an toàn cho hội nghị, ông Lê Văn Công cùng một số anh em trong tổ Việt Minh bố trí bảo vệ ngay từ đầu làng, đầu xóm. Hội nghị diễn ra an toàn, Ban cán sự tỉnh đã quyết định: "Những nơi đánh úp huyện thì tổ chức mít tinh quần chúng, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, những nơi khác tiếp tục biểu tình vũ trang của quần chúng. Ngày 22.8.1945 sẽ tổ chức tổng biểu tình, huy động lực lượng, hội viên cứu quốc và quần chúng nhân dân về chiếm tỉnh lỵ”. Theo yêu cầu của Ban cán sự tỉnh, cần phải có cờ, biểu ngữ, áp phích phục vụ cho cuộc khởi nghĩa, tổ Việt Minh trong thôn liền đảm nhận nhiệm vụ ấy . Ông Nguyễn Đăng Tỵ đi chợ Đường Cái (hiện nay thuộc huyện Văn Lâm) mua vải về làm cờ. Từ ngày 19 đến ngày 21.8.1945 ông Lê Văn Công cùng 6 ông trong đội Việt Minh đã tổ chức được 24 máy khâu, ban ngày giấu ở nhà ông Tỵ, ban đêm khênh ra đình làng Thổ Cốc may cờ, biểu ngữ, in truyền đơn, áp phích. Ông chu Văn Hạng là người được giao nhiệm vụ vẽ mẫu sao vàng, ông Đỗ Đình Sướng là người trực tiếp cắt sao vàng 5 cánh cho các thợ may. Tổ may cờ làm việc trong bầu không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc và phấn chấn hiếm có. Đến ngày 22.8, đội đã may xong được hàng trăm chiếc cờ, biểu ngữ cho Ban cán sự tỉnh mang đi phục vụ khởi nghĩa.

Bên cạnh việc phục vụ cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh, ngày 19.8.1945, tự vệ và quần chúng nhân dân trong xã đã được huy động tham gia cuộc biểu tình vũ trang để cướp chính quyền thôn xã. Nhân dân tay cầm cờ giơ cao biểu ngữ “ủng hộ Việt Minh” “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo phát xít Nhật”, tham gia hăng hái, đông vui như đi trảy hội. Cũng trong ngày 19.8, dưới sự chỉ đạo của ủy ban khởi nghĩa huyện Yên Mỹ, các thôn đã lập ra các đơn vị vũ trang có trang bị các loại vũ khí thô sơ được huy động cùng đoàn người biểu tình vũ trang xuống cướp chính quyền huyện. Mọi người nai nịt gọn gàng, hùng dũng tiến quân đi. Trước khí thế sục sôi của quần chúng, tên tri huyện và toàn bộ lính dịch trong huyện đường không có hành động phản ứng nào, Yên Mỹ sớm giành được chính quyền. Sáng ngày 20.8, lá cờ đỏ sao vàng rộng 24 m2 được tung bay trước đình làng Thổ Cốc, khẳng định chính quyền đã về tay nhân dân.

Trên đà thắng lợi, mặc dù đường xuống thị xã Hưng Yên xa nhưng quần chúng và tự vệ xã Tân Lập vẫn hòa cùng đoàn người biểu tình với hàng vạn người từ các huyện phía Bắc đổ xuống đường 39 về giành chính quyền tỉnh vào ngày 22.8. Với khí thế tưng bừng của rừng người, rừng cờ, rừng hoa, đoàn người hiên ngang tuần hành, thị uy trên các đường phố, qua dinh tỉnh trưởng, tiến về sân vận động tập trung mít tinh. Trong cuộc mít tinh, cán bộ Việt Minh đã lên đọc lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh , phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Việt Minh giành chính quyền, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng hò reo, hô vang khẩu hiệu cách mạng. Với khí thế bừng bừng của rừng người, trước áp lực mạnh mẽ của cách mạng tên tỉnh trưởng bỏ trốn, ngụy quân, ngụy quyền tan rã. Bọn lính Nhật sau khi thương lượng đã chịu trao súng của Pháp cho lực lượng cách mạng. Sau ngày 22.8.1945, các tổ chức Việt Minh và cơ sở đảng ở hầu hết các huyện đều tổ chức được chính quyền cách mạng, thành lập các đội đi hướng dẫn các xã, phường tiến hành thu triện của bọn hào lý, tuyên bố giải tán chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời. Cho tới ngày 25.8, chính quyền cách mạng ở cơ sở đã căn bản được xác lập.

Kể đến đây, ông Lê Văn Công không giấu được sự phấn chấn: Cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám quả là sự diệu kỳ, với sự quyết đoán, lựa chọn đúng thời cơ, Đảng đã mang lại cho nhân dân độc lập, tự do, hạnh phúc mà tưởng chỉ có trong mơ. Tôi thấy mình thật may mắn và tự hào khi được chứng kiến những giờ phút hào hùng của lịch sử dân tộc.

Trải qua tháng năm, Thổ Cốc hiện nay đã có nhiều thay đổi, diện mạo thôn xóm khang trang, sạch sẽ, đời sống nhân dân được nâng cao. Ngôi nhà gỗ to đẹp của ông Tỵ không còn, trên mảnh đất cũ của ông hiện nay có 5 hộ gia đình sinh sống. Trên nền cũ của ngôi nhà từng là trụ sở làm việc của Ban cán sự tỉnh nay thuộc về gia đình ông Nguyễn Đăng Quang và phía trái nhà được dựng lên tấm bia đá khắc dòng chữ ghi nhớ: “Tại đây Ban cán sự tỉnh Đảng bộ Hưng Yên họp và ra quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Hưng Yên tháng 8 năm 1945”. Ngôi đình làng Thổ Cốc, nơi tổ chức nhiều hoạt động cách mạng vẫn còn, năm 1998 đã được Bộ Văn hóa Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, hiện nay là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân. Ngôi đình hiện đang xuống cấp, một số chỗ mái sệ, có nguy cơ sập, nhân dân mong muốn ngôi đình được bảo tồn, trùng tu, để lưu giữ một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Viết Síu, Bí thư chi bộ thôn Thổ Cốc cho biết: Dưới ánh sáng của Đảng và Bác Hồ lựa chọn, từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, người dân được làm chủ cuộc sống, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hòa bình lập lại sau hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, người dân Thổ Cốc năng động, nhanh nhẹn khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc thâm canh sản xuất nông nghiệp, nhiều người có nghề sơn tường, vừa tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn vừa mang lại thu nhập kinh tế cao cho gia đình. Thôn không có hộ đói, chỉ còn hơn 10 hộ thuộc diện hộ nghèo. Các hộ gia đình đều có nhà xây khang trang, vững chãi, trong đó phần lớn là nhà cao tầng, thi thoảng hiện diện ngôi nhà xây dạng biệt thự làm cho bức tranh làng quê Thổ Cốc trên đà đổi mới thêm phần sống động. Thổ Cốc đã được công nhận là làng văn hóa, hàng năm được bình xét là khu dân cư tiên tiến.

Kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân làng Thổ Cốc thêm một lần tự hào được sống trong vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Phát huy truyền thống đó, mỗi người, mỗi gia đình nơi đây vững tin theo Đảng, nghiêm túc chấp hành pháp luật, ra sức thi đua lao động, học tập để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực