Xã hội hóa các nguồn lực đầu tư trong công tác giảm nghèo

Thứ ba, 03/01/2012 17:17

 

Lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn ở Hưng Yên.
Ảnh: Báo Nhân dân

Khai thác tốt những chính sách hỗ trợ của Trung ương, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân cùng với hiệu quả trong thực hiện các đường lối phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh Hưng Yên đã nỗ lực và đồng thuận trong thực hiện chương trình giảm nghèo.

Nhờ đó, công tác chăm sóc người nghèo, đồng hành giúp người nghèo vươn lên trong cuộc sống huy động được sự tham gia nhiệt tình của cả hệ thống chính trị, đạt hiệu quả thiết thực. Bản thân những hộ nghèo cũng đã biết sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích, chăm lo làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị

Với quan điểm xác định chương trình giảm nghèo là mục tiêu quan trọng của phát triển, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội và phát triển bền vững, giảm nghèo trở thành một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển của tỉnh Hưng Yên; cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo. Ngoài việc thực hiện các chính sách chung, hoạt động vì người nghèo hướng mạnh về cơ sở, hướng tới những đối tượng cụ thể. Trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Tỉnh ủy có nghị quyết riêng về chương trình giảm nghèo của cả nhiệm kỳ. Hàng năm các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đều có nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Các chủ trương, chính sách đối với người nghèo đều được các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc. Chăm lo cho người nghèo không còn là khẩu hiệu mà đã được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Đặc biệt, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, chính sách tín dụng ưu đãi gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn có hiệu quả và chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng chí Phạm Ngọc Huy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Hưng Yên cho biết: "Chương trình giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo cho người nghèo. Với những nỗ lực và đồng thuận vì người nghèo, đã góp phần xây dựng xã hội bác ái, đoàn kết, phát triển bền vững".

Cùng chung tay góp sức của nhân dân địa phương và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi... hàng loạt các chương trình, các mô hình: tổ tiết kiệm, tổ huy động vốn, CLB giúp nhau làm kinh tế gia đình, giúp nhau việc làm đã góp phần giúp các hộ dân thoát nghèo và từng bước nâng cao đời sống. Mỗi tổ chức đoàn thể đều có chương trình giúp đỡ riêng của tổ chức mình dành cho hội viên diện hộ nghèo. Hàng năm, quỹ "Vì người nghèo" các cấp được đông đảo cá nhân, tổ chức, đơn vị tham gia ủng hộ, tạo nguồn lực để trợ giúp người nghèo. Đặc biệt, trong năm 2011 này, tỉnh nỗ lực huy động kinh phí trên 25 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 2.200 hộ nghèo xây nhà ở theo Quyết định 167/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành mục tiêu xây nhà ở cho hộ nghèo. Mỗi ngôi nhà mới được hoàn thành là một hộ gia đình "an cư lạc nghiệp", yên tâm sản xuất mưu sinh cuộc sống. Trong không khí vui vẻ của lễ bàn giao nhà cho anh Trần Văn Bảo, thôn Nội Thượng, xã An Viên (Tiên Lữ), anh xúc động chia sẻ: "Tôi nghèo nhưng không thấy tủi phận, vì luôn được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân. Tôi được nhận nhiều sự ưu đãi như: vay vốn lãi suất thấp để phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt... và hôm nay được nhận bàn giao ngôi nhà vững chãi do những tấm lòng hảo tâm dành tặng". Không ai muốn nghèo, nhưng thật may, người nghèo không cô độc, luôn có sự sát cánh động viên, giúp đỡ của các cấp, các ngành để vươn lên thoát nghèo.

Nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo

Sau 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm nhanh từ 13,2% năm 2006 xuống còn 3% năm 2010 (theo tiêu chí mới là 10,94%). Theo đó, 26.138 hộ thoát nghèo, không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 9%. Đồng chí Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Hiện nay tỉnh ta khai thác tốt nhiều chương trình hỗ trợ của Trung ương, vận dụng sáng tạo nhiều việc làm thiết thực vì người nghèo. Những vấn đề cơ bản trong cuộc sống đã được quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo từng bước hòa nhập cộng đồng, vươn lên thoát nghèo". Những năm qua, việc thực hiện chính sách đối với người nghèo được thực hiện nghiêm túc. Bình quân mỗi năm, tỉnh chi trả trợ cấp xã hội cho trên 25 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội. 100% học sinh, sinh viên là con hộ nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ một phần chi phí học tập. Hơn 5 nghìn người nghèo, cận nghèo và người tàn tật được dạy nghề miễn phí. Trên 400 nghìn người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám và điều trị bệnh tật. Hàng nghìn hộ nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí, được sử dụng nước sạch. Hàng vạn người nghèo được bồi dưỡng kiến thức miễn phí thông qua các hoạt động truyền thông, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, 100% hộ nghèo có nhu cầu đều được vay vốn để sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 915 tỷ đồng; 28 nghìn đối tượng được vay vốn cho con học đại học, cao đẳng, học nghề với tổng kinh phí trên 390 tỷ đồng; 600 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi được đầu tư cho hộ nghèo và đối tượng chính sách trong chương trình vay ưu đãi tạo việc làm hàng năm; 500 lao động nghèo vay 20 tỷ đồng đi xuất khẩu lao động. Hàng năm, Quỹ Vì người nghèo vận động ủng hộ được khoảng 4- 5 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo vốn, giống cây con phát triển sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo học tập.

Với những số liệu thống kê khá chi tiết trên, có thể thấy, công tác chăm lo cho hộ nghèo khá toàn diện. Những vấn đề thiết thực trong cuộc sống đều có chương trình giúp đỡ, đồng hành với người nghèo. Qua đó, đã nâng được nhận thức trong người nghèo, hộ nghèo về lao động, ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Minh, thôn Từ Hồ, xã Yên Phú (Yên Mỹ) kể: "Mấy năm trước gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, trang trải cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Được tín chấp vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách, tôi tiến hành mở rộng sản xuất theo mô hình vườn - ao - chuồng. Nhờ có sự tập huấn, nâng cao kiến thức, chăm chỉ làm ăn, việc sản xuất chăn nuôi thành công bước đầu: khu vườn trồng cam, trồng táo đã cho thu hoạch, đàn gà có gần 100 con, đàn lợn có 30 con, dưới ao có chừng 5 tạ cá các loại, thu lãi hơn 70 triệu đồng/năm. Với kết quả đó, gia đình tôi đã thoát nghèo. Có thể ví von một cách hình ảnh, sự giúp đỡ đối với người nghèo chúng tôi giống như cho cái cần câu, cho mồi câu, còn chúng tôi sẽ trực tiếp câu cá".

Phấn đấu mục tiêu giảm nghèo bền vững

Thực hiện công tác giảm nghèo đòi hỏi phải có quá trình. Nghị quyết hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đưa ra mục tiêu cụ thể; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1% vào năm 2015; trên 90% hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội vào năm 2015, trên 95% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, giải pháp đặt ra là phát triển kinh tế nhanh và bền vững đi đôi với giảm nghèo. Các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức phối hợp lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, chú ý các giải pháp và khả năng ưu tiên hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo. Tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo tổ chức sản xuất kinh doanh tự vượt nghèo. Tiếp tục thực hiện biện pháp hỗ trợ về cho vay ưu đãi và tín dụng gắn với hướng dẫn khuyến nông, ngư nghiệp, phát triển ngành nghề, chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động, thay đổi các tập quán, thói quen của người nghèo, hộ nghèo. Phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người nghèo thông qua thực hiện chính sách ưu đãi xã hội về bảo hiểm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường... Xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân hỗ trợ hộ nghèo và vùng nghèo.

Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự "vào cuộc" hiệu quả của hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh sớm đạt mục tiêu đề ra.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực