Chủ trương của Ban Bí thư về công tác xuất bản và phát hành báo chí năm 1971

Thứ hai, 25/05/2020 08:23
Thông báo số 04-TB/TW ngày 22/12/1970 chủ trương của Ban Bí thư về công tác xuất bản và phát hành báo chí năm 1971 nêu rõ những nhược điểm của báo chí: Chất lượng chưa cao, chưa phát huy được tác dụng; Lực lượng báo chí phân phối chưa hợp lý; Báo địa phương chưa sát hợp với trình độ người đọc ở cơ sở.

Hiện nay ở miền  Bắc, từ trung ương đến các địa phương, có 134 tờ báo, tạp chí, tập san, nội san in ra 108 triệu bản, tiêu thụ 2.500 tấn giấy; số cán bộ viết báo và nhân viên  giúp việc là 2.000 người.

Báo chí của ta góp phần tích cực vào việc phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giáo dục chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội, nâng cao trình độ chính trị và văn hóa của cán bộ và nhân dân, hướng dẫn và tổ chức các hoạt động cách mạng của quần chúng. Báo chí trở thành một nhu cầu hàng ngày của quần chúng.

Báo chí của ta có một số nhược điểm: chất lượng chưa cao, chưa phát huy được tác dụng cần phải có đối với công tác kinh tế, công tác nhà nước và công tác đảng, nêu gương tốt và phê phán những hiện tượng tiêu cực chưa sinh động và sắc bén; lực lượng báo chí phân phối chưa hợp lý, những tờ báo chủ yếu chưa được phát hành rộng khắp; nội dung một số tờ báo giống nhau, số tập san, nội san xuất bản quá nhiều, nội dung, thể tài, người đọc chưa định rõ được hoặc chưa thể hiện đúng; báo địa phương đã có một số tiến bộ ở mức độ khác nhau, nhưng chưa phản ánh sinh động các mặt hoạt động của địa phương, chưa sát hợp trình độ người đọc ở cơ sở. Công tác phát hành phải chú ý phân phối tốt hơn nữa những tờ báo chủ yếu, khắc phục tình trạng phân phối không đúng gây ra lãng phí.

Trên cơ sở bảo đảm nâng cao chất lượng, phải sắp xếp lại lực lượng báo chí nhằm phổ biến đường lối, chính sách đến tận cơ sở, đến đông đảo đảng viên và quần chúng, phục vụ tốt việc nâng cao trình độ chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của mọi người và góp phần đẩy mạnh mọi mặt công tác của Đảng và Nhà nước ta. Bảo đảm cho các báo của Đảng (Nhân dân, Học tập) được phổ biến rộng. Báo Nhân dân cần được phát hành đến các chi bộ và tổ đảng; Tạp chí Học tập phát hành đến cán bộ sơ cấp. Bảo đảm cho báo các đoàn thể được phổ biến rộng trong tổ chức của mình. Bảo đảm cho việc nâng cao trình độ hiểu biết về kinh tế, khoa học, kỹ thuật và nghiệp vụ cho cán bộ và nhân dân. Tất cả các báo phải tiến tới thực hiện chế độ hạch toán kinh tế.

Sau đây là hướng xếp đặt cụ thể:

- Chuẩn bị để hợp nhất Tạp chí Xây dựng đảng vào Tạp chí Học tập, dành một phần thích đáng cho công tác xây dựng đảng trong Tạp chí Học tập; Tạp chí Tuyên huấn chuyên lo hướng dẫn học tập và phổ biến kinh nghiệm về công tác tư tưởng; Tạp chí Thời sự phổ thông viết cho cán bộ cơ sở nông thôn và xí nghiệp; bài phải ngắn gọn, dễ hiểu.

- Đoàn Thanh niên chỉ nên ra một tờ báo có thể chuyển Báo Tiền phong thành tuần báo, viết cho cán bộ đoàn viên và   thanh niên; cải tiến và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục của tờ Thiếu niên tiền phong; nghiên cứu việc chuyển Báo Lao động thành tuần báo, viết cho cán bộ công đoàn và công nhân; Báo Phụ nữ Việt Nam ra hàng tháng cho cán bộ và quần chúng phụ nữ, có thể xuất bản thêm một tờ riêng cho cán bộ phụ nữ nông thôn, một tháng một kỳ.

-  Báo Quân đội nhân dân mở rộng phần nói về quân đội tham gia xây dựng kinh tế.

- Về các báo của Mặt trận: cần phản ánh đúng nhiệm vụ chính trị của từng đoàn thể, viết thích hợp với người đọc của từng tờ báo.

- Lãnh đạo hợp nhất Báo Cứu quốc và Báo Thống nhất nhằm tăng cường lực lượng cán bộ để nâng cao chất lượng, vẫn giữ tên Cứu quốc, Báo Tổ quốc và Báo Độc lập tiếp tục đi sâu vào những vấn đề của giới mình phụ trách. Báo Tân Việt Hoa tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, động viên Hoa kiều tích cực tham gia chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc anh em.

Các báo văn học và nghệ thuật sẽ gồm có một tờ cho sáng tác văn học, một tờ cho nghiên cứu văn học, một cho các ngành văn hóa - nghệ thuật. Đình bản tất cả những tạp chí và tập san văn nghệ của các địa phương. Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn được duy trì.

- Ban Bí thư uỷ nhiệm Ban Tuyên huấn Trung ương bàn bạc với các ngành để xếp đặt lại báo, tập san, nội san theo phương hướng: các bộ, Uỷ ban Nhà nước không ra báo hoặc tập san định kỳ; tùy theo nhu cầu và trên tinh thần tiết kiệm, bảo đảm sự chính xác về nội dung và quan điểm, có thể in những tập tài liệu tổng kết kinh nghiệm công tác, kinh nghiệm nghiệp vụ, chuyên môn, sáng kiến khoa học hoặc kỹ thuật thuộc ngành mình, ra những thông báo hướng dẫn công tác nghiệp vụ, kỹ thuật, công tác quản lý trong ngành mình.

Các tài liệu ấy phải do các đồng chí phụ trách chủ chốt của bộ hoặc uỷ ban chịu trách nhiệm đầy đủ về chính trị.

- Về các báo bằng tiếng nước ngoài: tập trung làm tốt hơn nữa ba tờ báo Courrier du Vietnam, Sud Vietnam en lutteEtudes Vietnamienes. Báo ảnh Việt Nam cần tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng các bản dịch, cố gắng ra báo nhanh hơn.

- Về báo các khu, thành, tỉnh: các báo địa phương phải nâng cao chất lượng, phản ánh tốt hơn các mặt đời sống địa phương, viết sát với trình độ cán bộ, đảng viên ở cơ sở và quần chúng rộng rãi. Trừ báo Hà Nội mới; tất cả báo địa phương phải theo một khuôn khổ giống nhau, nhỏ hơn báo trung ương và mỗi tuần ra một kỳ.

- Ban Tuyên huấn Trung ương bàn với Quân uỷ Trung ương để sắp xếp lại các báo quân khu và binh chủng.

Căn cứ vào việc xếp đặt lại lực lượng báo chí mà xếp đặt lại công tác in và phát hành. Ban Tuyên huấn Trung ương có trách nhiệm điều chỉnh lực lượng, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ viết báo, thông qua danh sách và nắm chắc ban phụ trách các báo.

Trích Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, trang 351-354.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực