Công tác tư tưởng của Đảng thời kỳ 1932-1935

Thứ tư, 01/04/2020 16:29
(ĐCSVN) – Chúng tôi xin trích lược một số mốc lịch sử trong công tác tư tưởng của Đảng giai đoạn 1932-1935.

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới tỉnh đều bị phá vỡ, hầu hết cán bộ lãnh đạo bị bắt giam, một số bị giết, cơ sở Đảng và đoàn thể quần chúng nhiều vùng cũng bị tan tác, nhưng đế quốc không thể tiêu diệt được tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.

Để khôi phục và phát triển phong trào cách mạng, Đảng đã công bố bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích tình hình, vạch ra phương hướng phấn đấu mới, tiếp đó là chương trình hành động của Công hội, Nông hội và Đoàn Thanh niên cộng sản.

Năm 1932, một số đồng chí cộng sản hoạt động hợp pháp ở Sài Gòn đã viết trên báo công khai phê phán thái độ phản động của người cầm đầu Đảng Lập hiến được đế quốc Pháp cho làm đại biểu Nam Kỳ ở Hội đồng thuộc địa tại Pari, vạch trần thủ đoạn mị dân, lừa bịp của bọn thực dân.

Tháng 3-1933, nhân kỷ niệm lần thứ ba ngày thành lập Đảng, đồng chí Hà Huy Tập viết tác phẩm Lược thảo Lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương nêu được quá trình hoạt động của Đảng trong ba năm đầu mới thành lập.

 Đến năm 1934, hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục ở cả Bắc, Trung, Nam và Lào. Xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Chấp uỷ Nam Đông Dương và Lào được thành lập.

Đầu năm 1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được thành lập do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu, trong thực tế làm chức năng chỉ đạo việc khôi phục và phát triển phong trào, thống nhất lực lượng trong cả nước để thực hiện chương trình hành động và chuẩn bị Đại hội toàn quốc. Ban lãnh đạo hải ngoại họp Hội nghị từ ngày 16 đến ngày 21-6-1934, ra Nghị quyết về tổ chức Bộ Tuyên truyền và công tác tuyên truyền, xuất bản Tạp chí Bônsêvích phát hành trong cả nước nhằm giáo dục nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức trong Đảng. Trong thời gian này, tờ Bônsêvích của Ban lãnh đạo hải ngoại và Tạp chí cộng sản của Ban Chấp uỷ Nam Đông Dương có tác dụng quan trọng trong việc lãnh đạo tư tưởng hướng dẫn công tác cho các đảng bộ và chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc.

Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, đề ra các nhiệm vụ phát triển và củng cố Đảng, thu phục quần chúng, mở rộng Mặt trận phản đế, chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xôviết. Đại hội thông qua Điều lệ của Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương mới. Đại hội nêu chủ trương tuyên tuyền, vận động các giai cấp, tầng lớp, dân tộc ít nhiều có tinh thần cách mạng vào trận tuyến đấu tranh chung.

Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong việc khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng từ trung ương đến địa phương, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của phong trào cách mạng sắp tới.

Trích: Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.22-25.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực