Công tác tư tưởng trong thời kỳ 1939-1945 đã gắn chặt và phục vụ thiết thực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc rất oanh liệt và thắng lợi rất vẻ vang của nhân dân ta. Nó phát huy cao độ lòng yêu nước và truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất của dân tộc ta, cổ vũ nhân dân nổi dậy tự giải phóng mình khỏi ánh nô lệ của đế quốc và tay sai. Trong khi nêu cao ngọn cờ dân tộc, nó cũng đồng thời làm rõ sự gắn bó giữa lợi ích của dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân, lợi ích dân tộc với lợi ích dân chủ của công nhân, nông dân, động viên mọi tầng lớp, mọi dân tộc tham gia vào mặt trận cứu nước, kể cả những vùng dân tộc thiểu số xa xôi hẻo lánh xưa nay ít tham gia vào đời sống chính trị.
|
Trụ sở báo “Tin tức”, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân chủ tại số nhà 105 phố Henri d’Orléan, Hà Nội, năm 1938. (nay là phố Phùng Hưng). Ảnh: baotanglichsu.vn |
Công tác tuyên truyền đã kịp thời truyền đạt các nhận định và chủ trương của Đảng trước các diễn biến thời cuộc trong nước và quốc tế, đưa ra những khẩu hiệu sát hợp hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng. Nó đã đấu tranh sắc bén với các tư tưởng tự ti, nô lệ, phục Nhật, sợ Nhật, chống các khuynh hướng sai lầm, rụt rè, do dự, muốn lợi dụng Nhật cũng như phiêu lưu, nóng vội, manh động. Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo chặt chẽ công tác tư tưởng, trực tiếp viết báo, viết lách, giảng dạy trong các lớp học.
Công tác tuyên huấn, cổ động đã sử dụng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, khi có thời cơ đã kiên quyết sử dụng các hình thức táo bạo như tuyên truyền xung phong, tuyên truyền vũ trang, biểu tình vũ trang, cổ vũ quần chúng nổi dậy với khí thế mạnh mẽ áp đảo quân thù.
Công tác tuyên truyền, cổ động đã góp phần to lớn bồi dưỡng, đào tạo hàng loạt cán bộ về chính trị, về kinh nghiệm tổ chức, phát động quần chúng, kinh nghiệm công tác bí mật và chống khủng bố, giáo dục đảng viên nêu cao vai trò tiên phong cách mạng gắn bó chặt chẽ với quần chúng, chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng vào từng thời điểm lịch sử để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Công tác tuyên giáo góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, tập hợp các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ tham gia các cuộc vận động cách mạng tiến tới hành độc lập dân tộc thành công vào tháng 8-1945.