Công tác tuyên truyền, cổ động được tiến hành sôi nổi, góp phần giành thắng lợi trong cuộc tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ (15 người do Mặt trận dân chủ đưa ra đã thắng cử), thắng lợi cả trong Hội đồng kinh tế - lý tài Đông Dương (2 đại biểu do Mặt trận đưa ra đã thắng cử); Viện Dân biểu Trung Kỳ trong đó có nhiều người của Đảng hoặc cảm tình với Đảng. Công tác tuyên truyền, cổ động cũng góp phần tích cực vào thắng lợi bác bỏ dự án tăng thuế lần thứ nhất ở Trung Kỳ tháng 9-1938, bằng nhiều hình thức: hội họp lấy chữ ký vào các bản nguyện vọng, phát ngôn ở Viện Dân biểu, phân phát truyền đơn, biểu tình, phản ánh tin tức, bình luận trên báo chí; kết hợp ba mặt đấu tranh: đấu tranh của quần chúng bên ngoài, đấu tranh trên báo chí và đấu tranh trong Viện Dân biểu.
|
Ành tư liệu |
…
Ngày 29-10-1938, Đảng ra bản ''Tuyên ngôn về thời cuộc'' đăng trên báo Dân chúng, kêu gọi các đảng phái dân chủ của người Việt Nam, các đoàn thể, cá nhân và cả người nước ngoài đoàn kết trong Mặt trận dân chủ “để vì tự do, hoà bình và cơm áo mà tranh đấu phòng thủ xứ sở''.
Cuối năm 1938, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô đến Trung Quốc chuẩn bị về nước. Đồng chí đã có nhiều ý kiến chỉ đạo đúng đắn về đường lối, chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Đông Dương. Đồng chí còn gửi cho Đảng ta 9 bài báo của mình nói về cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân Pháp, nhân dân Tây Ban Nha, nhân dân Trung Quốc; về cuộc đấu tranh chống bọn tờrốtkít ở các nước đăng trên các tờ Dân chúng và Tiếng nói của chúng ta của Đảng. Những ý kiến của đồng chí đã giúp Trung ương Đảng thêm vững vàng trong việc lãnh đạo và chỉ đạo phong trào Mặt trận Dân chủ.
Ngày 28-3 và ngày 27-4, Đảng liên tiếp ra Tuyên ngôn về tình hình chung và đường lối, chủ trương của Đảng, phân tích tình hình thế giới và tình hình Đông Dương, chỉ rõ nguy cơ chiến tranh và nạn phát xít đã tới gần, kêu gọi nhân dân đoàn kết trong Mặt trận dân chủ, chống phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh, vạch mặt bọn tờrốtkít và đề phòng bọn tay sai của Nhật.
Ngày 10-3-1939, Đảng ra Thông báo khẩn cấp kêu gọi toàn Đảng lãnh đạo chống khủng bố, đòi tự do dân chủ, mở rộng chế độ tuyển cử, toàn xá tù chính trị, thả nhân viên toà soạn báo Dân chúng, cải thiện đời sống nhân dân.
Để thống nhất nhận thức trong Đảng về đường lối, chính sách của Đảng, nhất là về xây dựng Mặt trận dân chủ, về cuộc tranh cử, phê phán những quan điểm sai trái nhằm tăng cường đoàn kết nhất trí trong Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư đã viết tác phẩm Tự chỉ trích.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ khẳng định một số vấn đề về nguyên tắc xây dựng Đảng, phân tích về nguyên nhân thất bại của cuộc tranh cử.
Đồng chí phê phán những nhận thức, quan điểm lệch lạc của một số cán bộ về chính sách Mặt trận dân chủ, làm rõ một số quan điểm cơ bản của Đảng trong đường lối, chính sách và những kinh nghiệm lớn của Đảng trong quá trình xây dựng Mặt trận, khẳng định Mặt trận dân chủ không tách rời Mặt trận thống nhất dân tộc chống đế quốc, bác bỏ quan điểm: không đánh đổ một giai cấp, một đảng phái nào của người bản xứ, chỉ đánh đổ những phần tử phản động.
Tác phẩm Tự chỉ trích có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn vượt ra ngoài phạm vi một cuộc tranh cử, là một văn kiện tổng kết kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, đóng góp vào lý luận và chính sách Mặt trận thống nhất của Đảng.
Trích: Lịch sử 80 năm ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr.34-35.