Đại hội đã kiểm điểm, tự phê bình về những sai lầm chủ quan, nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; chỉ trích về tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thể hiện ở việc “duy trì quá lâu cơ chế quản lý hành chính, bao cấp'', nên cơ sở đó đã điều chỉnh một bước đường lối chung và đường lối kinh tế trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội xác định nước ta ở chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và chỉ rõ nội dung công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Trước mắt phải coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, phải ra sức phát triển hàng tiêu dùng, v.v.. Đại hội đã đề ra một số chủ trương về điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam, thể hiện cụ thể trong kế hoạch 5 năm 1981-1985, nhằm cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Đại hội xác định nhiệm vụ cơ bản của công tác tư tưởng là: Vũ trang cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội khoa học, xây dựng ý thức kiên cường, quyết tâm sắt đá và trình độ hiểu biết cần thiết để làm tròn cả hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Về các nhiệm vụ cụ thể, trước hết là: làm quán triệt đường lối các mạng xã hội chủ nghĩa, nâng cao lập trường giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường.
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội cũng chỉ rõ: công tác tư tưởng cần khắc phục các yếu kém, phải hướng mạnh vào việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức, kiên quyết khắc phục những biểu hiện sa sút về phẩm chất chính trị, tự do vô kỷ luật về mặt tổ chức, thoái hoá về lối sống, mất dân chủ, quan liêu hoá về tác phong, bảo thủ trong cách nhìn nhận sự vật của một bộ phận cán bộ, đảng viên… Đặc biệt coi trọng việc tổ chức học tập một cách có hệ thống tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng.
Để cải tiến công tác tư tưởng phải sâu sát thực tế, nhạy cảm với cuộc sống, nghiên cứu, tổng kết, phổ biến những điển hình tiên tiến, cổ vũ, vun xới cho những nhân tích cực sớm được nhân lên. Toàn Đảng phải làm công tác tư tưởng. Mọi đảng viên đều phải làm công tác tư tưởng. Phối hợp tất cả các cơ quan, các ban, ngành đoàn thể, sử dụng tất cả các công cụ thông tin, văn hoá, văn học, nghệ thuật, giáo dục, v.v.. để làm công tác tư tưởng; gắn chặt công tác tuyên truyền giáo dục với công tác tổ chức và tổng kết thực tiễn để làm công tác tư tưởng...
Đối với lĩnh vực công tác khoa giáo, Báo cáo chính trị đã đề ra các nhiệm vụ:
- Đẩy mạnh công tác khoa học kỹ thuật, coi đây là một nội dung rất quan trọng của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, cuộc cách mạng giữ vị trí then chốt trong ba cuộc cách mạng: ứng dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống kết hợp các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật nhằm góp phần vào việc đổi mới quản lý kinh tế quản lý xã hội.
- Thực hiện cải cách giáo dục một cách tích cực và vững chắc. Vấn đề lớn nhất hiện nay là chất lượng giáo dục giảm sút nghiêm trọng, cần hết sức coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục...
- Thể dục thể thao là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong công cuộc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới. Đảng và Nhà nước phải chăm lo hơn nữa phát triển thể dục thể thao…
- Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức tốt hơn việc khám chữa bệnh, kết hợp có hiệu quả hơn nữa y học cổ truyền dân tộc và y học hiện đại. Khai thác mọi khả năng sẵn có trong nước về nguồn dược liệu, xây dựng công nghiệp dược phẩm, khắc phục tình trạng thiếu thuốc...
- Mở rộng mạng lưới y tế, nhất là tuyến cơ sở và tuyến huyện. Đặc biệt chăm lo phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao. Xây dựng một số công trình văn hoá ở các huyện lỵ và xã theo phương châm ''Nhà nước và nhân dân cùng làm''.
Nhìn chung, một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đề ra từ sau Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV) đến Đại hội V đã bước đầu thể hiện sự chú ý hơn tới việc thúc đẩy tăng tưởng kinh tế đi đôi với việc phát triển văn hoá, xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước.
Ngay sau Đại hội, Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương đã mở Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội V của Đảng.
Công tác tuyên truyền quán triệt Nghị quyết Đại hội V đã góp phần 1àm rõ hơn cục diện cách mạng nước ta, nhìn nhận đúng đắn hơn thành tựu và khuyết điểm, động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung cao hơn vào mặt trận nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, phấn đấu thực hiện toàn diện các chỉ tiêu, biện pháp của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 1981-1985. Phân tích, khắc phục các biểu hiện tư tưởng bi quan, hoài nghi, dao động về đường lối, thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, nói nhiều làm ít, chỉ kêu ca mà không gương mẫu hành động góp phần khắc phục khó khăn, đẩy lùi tiêu cực.
Theo Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), trang 178,179.