Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và sự ra đời của Tạp chí Đỏ *

Thứ hai, 30/03/2020 17:04
Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc một số thông tin tham khảo Cuộc thi tìm hiểu 90 năm lịch sử ngành tuyên giáo, chúng tôi xin giới thiệu đoạn trích viết về sự ra đời của Tạp chí đỏ trong cuốn Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010).

Thi hành Nghị quyết Hội nghị hợp nhất Đảng tháng 2-1930, các đảng bộ địa phương đã thực hiện việc quán triệt Chánh cương vắn tắt Điều lệ vắn tắt của Đảng. Đảng chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo quần chúng tiếp tục đấu tranh.

Bìa Tạp chí Đỏ số 2. Ảnh: tapchicongsan.org.vn  

Việc phổ biến Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc được tiến hành rộng rãi. Những khẩu hiệu nêu ra phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng lao động, đi nhanh vào lòng người. Nhờ đó, phong trào cách mạng đã dấy lên mạnh mẽ. Nhiều cuộc bãi công, biểu tình bị địch đàn áp đẫm máu, nhưng không đẩy lùi được khí thế đấu tranh của quần chúng, buộc địch phải có một số nhượng bộ.

Sau đợt kỷ niệm ngày 1-5 là đợt kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1-8, ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng xuất bản tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 1-8, giải thích nguồn gốc chiến tranh đế quốc, kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xôviết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Tài liệu nêu rõ những khẩu hiệu đấu tranh nhân dịp kỷ niệm 1-8. Trong thời gian này, Đảng còn chú ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong binh lính, kêu gọi họ đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh trong ngày chống chiến tranh đế quốc. Việc này có ảnh hưởng nhất định tới binh lính; ở một số nơi binh lính đã không bắn vào quần chúng khi họ bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình.

Thi hành chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và quyết định của Hội nghị thành lập Đảng, Đảng xuất bản Tạp chí Đỏ**, số đầu ra ngày 5-8-1930, mỗi số 100 bản (litô) và ngày 15-8-1930 xuất bản báo Tranh đấu.

….

Nhiều loại báo chí địa phương được xuất bản. Xứ ủy Trung Kỳ có báo Người lao khổ, Công nông binh, Nghệ An có báo Tiến lên, các huyện của tỉnh Nghệ An như Hưng Nguyên có báo Sản nghiệp, Thanh Chương có báo Nhà quê, Quỳnh Lưu có báo Tia sáng, Nam Đàn có báo Giác ngộ, v.v..  Hàng loạt thơ ca cách mạng được lưu truyền. Sách báo, thơ ca, tài liệu cách mạng được phổ biến rộng rãi. Hằng đêm nhân dân hội họp nghe cán bộ nói chuyện, đọc sách báo, đi học văn hoá.

* Đầu đề do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt.

** Tiền thân của Tạp chí Cộng sản, do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập đồng thời là chủ bút (PV).

Trích: Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.16.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực