Đồng chí Nguyễn Ái Quốc những ngày đầu về nước
Thứ ba, 07/04/2020 17:16 (GMT+7)
Sau ba mươi năm bôn ba, hoạt động ở nước ngoài tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời Trung Quốc về nước.
Qua biên giới Việt - Trung, đến cột mốc 108 thuộc xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng), Nguyễn Ái Quốc dừng lại hồi lâu, xúc động. Người cúi đọc những chữ Hán và chữ Pháp được khắc ở cả hai mặt cột mốc. Người đứng lặng nhìn về phía Tổ quốc, thấp thoáng xa những cụm nhà nhỏ trong lũng ngô, hoa mai, hoa biooc-cà trắng thơm mùi huệ.
|
Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28-1-1941 (Ảnh: hochiminh.vn) |
Để giữ bí mật, Người tạm nghỉ ở một gia đình người dân tộc, sau đó chuyển đến ở và làm việc tại hang Cốc Bó (thuộc làng Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng). Cùng đến Cốc Bó với Người có các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An, Đặng Văn Cáp.
Tại đây. Người mang bí danh "Già Thu”, "Cụ Thu Sơn”, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng các đoàn thể Cứu quốc ở Cao Bằng. Người mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ, lược dịch cuốn sách Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô, biên soạn Cách đánh du kích, Cách huấn luyện cán bộ quân sự, để làm tài liệu học tập, xúc tiến công tác chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương. Sống trong hang lạnh và ẩm thấp, đời sống vật chất gian khổ, song, Người luôn thể hiện tinh thần lạc quan tin tưởng vào tiền đồ cách mạng:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
--------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.722-723, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.