Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 ngày 13/10/1973

Thứ hai, 25/05/2020 08:18
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 ngày 13/10/1973 giao nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng miền Nam là đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao một cách hết sức chủ động, linh hoạt, tùy theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp giữa các mặt trận đó cho thích hợp, để buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc đoạn trích Nghị quyết này.

...

3. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là:

Đoàn kết toàn dân, đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao một cách hết sức chủ động, linh hoạt, tùy theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp giữa các mặt trận đó cho thích hợp, để buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Pari về Việt Nam, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng của cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống, đưa cách mạng miền Nam tiến lên.

Phải lấy khẩu hiệu hoà bình, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, hoà hợp dân tộc, để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng dân tộc, dân chủ. Chú trọng củng cố liên minh công nông, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng thời tích cực tranh thủ lực lượng thứ ba. Lấy khẩu hiệu hoà bình và hoà hợp dân tộc để phân hoá hàng ngũ địch, cô lập tập đoàn thống trị tư sản mại bản, quan liêu, quân phiệt, phát xít của Nguyễn Văn Thiệu.

Địch đang dùng hành động quân sự vi phạm Hiệp định một cách có hệ thống, ta phải kiên quyết phản công và tiến công địch, giữ vững và phát huy thế chủ động về mọi mặt của ta, đánh bại các cuộc hành quân của địch lấn chiếm vùng giải phóng hoặc bình định các vùng đồng bằng, vùng giáp ranh; phải phối hợp giữa ba thứ quân, ba mũi giáp công, giữa ba vùng, giữa các chiến trường để thực hiện phản công và tiến công địch, đánh địch những đòn thật đau, không để cho địch  lấn chiếm vùng giải phóng của ta và bình định, mở rộng vùng kiểm soát của chúng; phải thu hồi những vùng đã bị địch lấn chiếm, thu hẹp vùng kiểm soát của địch; ở nơi có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng của ta.

Tăng cường chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, từng bước tiến lên thành cao trào cách mạng ở thành thị, kết hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ ở các vùng nông thôn, đẩy mạnh giành dân và giành quyền làm chủ, đẩy lùi và làm thất bại mọi thủ đoạn quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá của địch. Vận động và lãnh đạo quần chúng nắm vững pháp lý của Hiệp định để đấu tranh đòi địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, phải ngừng bắn; phải công nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội; hai vùng kiểm soát, và ba lực lượng chính trị; phải thả hết tù chính trị, thi hành các quyền tự do dân chủ, chống chế độ kìm kẹp, khủng bố, thanh lọc và bóc lột, vơ vét.

Cuộc đấu tranh với địch trên mặt trận chính trị và mặt trận quân sự phải kết hợp chặt chẽ với cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Ta phải tận dụng hai diễn đàn đấu tranh ngoại giao hiện nay là diễn đàn Ban Liên hiệp quân sự hai bên và diễn đàn Hội nghị hiệp thương hai bên ở Pari, phát huy vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời, đồng thời tận dụng vai trò của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đấu tranh một cách sắc bén với địch, nhằm phối hợp với đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự ở chiến trường, từng bước buộc địch phải thi hành các điều khoản của Hiệp định và tranh thủ dư luận trong nước cũng như ngoài nước ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.

Cuộc đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao để thi hành Hiệp định Pari về Việt Nam có tác dụng tích cực đối với chiều hướng phát triển của tình hình miền Nam trong giai đoạn mới. Giữa ta và địch sẽ diễn ra một trạng thái giằng co rất quyết liệt và phức tạp. Ta phải rất cảnh giác, kiên quyết, bền bỉ, khôn khéo, nắm vững phương hướng chung là ta phải mạnh trên cả ba mặt trận để thắng địch, buộc địch thi hành Hiệp định, đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn.

Ở miền Nam hiện  nay, ta và địch ở trong thế xen kẽ rất phức tạp. Ta phải tuỳ theo tình hình từng vùng, từng lúc và lực lượng so sánh ở từng địa phương, từng xã ấp, mà đề ra mức độ, quy mô, hình thức vận dụng từng mũi đấu tranh và cách kết hợp các mũi đấu tranh đó cho thích hợp. Trong tình hình mới, vận dụng phương châm đấu tranh phải gắn liền với yêu cầu giành dân, giành quyền làm chủ là nhằm giành thế mạnh để thắng địch. Hướng phản công và tiến công của ta hiện nay phải nhằm đánh bại kế hoạch bình định và lấn chiếm của địch, đặc biệt là vùng đồng bằng và vùng giáp ranh. Phải tuỳ nơi, tuỳ lúc mà áp dụng phản công và tiến công một cách chủ động linh hoạt.

Đối với vùng giải phóng (bao gồm các căn cứ địa), phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân và dân, vừa sản xuất vừa chiến đấu, phải xây dựng mạnh cả về quân sự, chính trị, kinh tế và phải giữ vững bằng mọi cách. Phải có kế hoạch quân sự toàn diện, phối hợp giữa các chiến trường, các vùng, sẵn sàng phản công và tiến công địch, nếu địch đánh vào vùng giải phóng.

Đối với vùng tranh chấp (bao gồm cả vùng làm chủ ở nhiều mức độ khác nhau), phải giữ vững cả thế và lực của ta, và từng bước chuyển lên; phải nắm được dân, xây dựng và phát triển được thực lực, đưa phong trào quần chúng tiến lên. Phương châm đấu tranh vẫn là kết hợp ba mũi, đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự và binh vận, kết hợp các hình thức đấu tranh hợp pháp và không hợp pháp; tuỳ lực lượng so sánh từng vùng mà vận dụng các hình thức và phương pháp đấu tranh cho phù hợp và chủ động, linh hoạt. Khi chuyển lên hoặc khi tạm thời phải chuyển xuống, ta phải biết giữ gìn, phát triển lực lượng, che giấu thực lực, không để bị tiêu hao. Phải biết phát huy tác dụng pháp lý của Hiệp định để phát động quần chúng đấu tranh và phân hoá, trung lập hoá hoặc tranh thủ những bộ phận của địch có thể trung lập hoá hoặc tranh thủ.

Trong vùng địch kiểm soát, cần lãnh đạo quần chúng đấu tranh hợp pháp chống các hình thức kìm kẹp, đòi chính quyền địch thực hiện các yêu cầu thiết thân của quần chúng, gắn liền với việc đòi thi hành Hiệp định. Phải nắm cho được quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng thông qua việc vận động đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Biết giành thắng lợi trong từng việc, từng khẩu hiệu cụ thể, như đòi tự do đi lại làm ăn, chống sinh hoạt đắt đỏ, chống thuế, chống thất nghiệp,  đòi công ăn việc làm, v.v., từ  đó mà nâng dần phong trào lên. Thông qua phong trào đấu tranh mà củng cố tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng. Tuỳ nơi, tuỳ lúc tổ chức những tổ du kích bí mật, đội vũ trang tuyên truyền, đội đặc công, biệt động để phối hợp ba mũi giáp công, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng. Phải biết tuyên truyền, vận động đối với binh lính và nhân viên nguỵ quyền, khôn khéo và cảnh giác, lợi dụng mọi khả năng để phát triển phong trào đấu tranh, đồng thời che giấu, bảo vệ lực lượng ta.

Theo Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, trang 686 - 689.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực