Người tuyên truyền và cách tuyên truyền

Thứ hai, 13/04/2020 10:27
(ĐCSVN) - Dưới bút danh A.G., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài Người tuyên truyền và cách tuyên truyền đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26-6 đến ngày 9-7-1947. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại.

Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền.

Thí dụ tuyên truyền trường kỳ kháng chiến.

Trước hết, mình phải hiểu rõ vì sao phải kháng chiến. Không kháng chiến có hại thế nào. Kháng chiến có lợi thế nào. Vì sao kháng chiến phải trường kỳ. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến phải qua những gian nan cực khổ thế nào. Vì sao ta phải gắng chịu những sự gian nan cực khổ ấy. Trong lúc kháng chiến, mỗi một lớp nhân dân phải làm những công việc gì. Vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi.

Hai là phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được.

Chớ dùng những danh từ lạ, ít người hiểu. Chớ nói ra ngoài đề, chớ lắp đi lắp lại. Chớ nói quá một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai, không thích nghe nữa.

Muốn tránh những khuyết điểm đó, trước khi nói, phải viết một dàn bài rõ ràng, rồi cứ xem đó mà nói.

Ba là phải có lễ độ. Thường những anh em thanh niên, đến nói trong một cuộc mít tinh, mở miệng là: “Các đồng chí!”. Ba tiếng đó

không phải là vô phép, nhưng vì không hợp hoàn cảnh, nên chướng tai. Một hôm, tôi đến dự một cuộc mít tinh, đã thấy một kinh nghiệm như vậy. Một cụ già nói khẽ với tôi:

“Cụ Hồ là Chủ tịch cả nước, lại có tuổi, thế mà Cụ luôn luôn nói: Thưa các cụ, các ngài, v.v.. Đằng này, các cậu thanh niên bằng lứa cháu chúng mình, mà có ý muốn làm thầy chúng mình…”.

Đó là một điều nên chú ý.

Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm. Chớ tưởng rằng: Đi phớt qua địa phương, diễn thuyết một hai giờ đồng hồ mà có kết quả. Đến một địa phương nào, cần phải đi thǎm các cụ phụ lão, các người phụ trách, rồi đi thǎm các nhà đồng bào để gây cảm tình, và để hiểu biết tình hình địa phương. Đó là một việc cần cho tuyên truyền.

Hai là dân ở đó sinh hoạt thế nào, ta cũng phải sinh hoạt như họ. Nếu dân dậy sớm mà mình ngủ trưa, dân đang làm việc mà mình nằm ngủ lì, thì sẽ bị dân ghét, và ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền.

Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội.

Thái độ phải mềm mỏng: đối với các cụ già phải cung kính, với anh em, phải khiêm tốn, với phụ nữ, phải nghiêm trang, với nhi đồng, phải thân yêu, với cả mọi người, phải thành khẩn.

Mong anh em đi tuyên truyền làm đúng như thế, thì chắc sẽ thành công to.

A.G.

 

Trích: Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr. 191.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực