Những đóng góp quan trọng của công tác tuyên huấn giai đoạn 1945-1954

Thứ hai, 04/05/2020 10:10
(ĐCSVN) - Công tác tuyên huấn đã kiên trì, làm cho mỗi người đều hiểu được mục đích kháng chiến là cứu nước, cứu nhà, toàn dân phải đánh giặc, đánh giặc phải lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Phê phán, đẩy lùi những khuynh hướng lệch lạc, bi quan…

Sau hơn 3.000 ngày tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (23-9-1945 - 21-7-1954), nhân dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại có ý nghĩa lịch sử. Công tác tuyên huấn đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng đường lối và biến đường lối ấy thành phong trào kháng chiến của cả dân tộc, cả nước với tinh thần quyết chiến quyết thắng vì độc lập tự do. Phát huy cao độ lòng yêu nước, khí phách kiên cường của dân tộc ''Nhất định không chịu mất nước'', ''Nhất định không chịu làm nô lệ”, công tác tuyên huấn đã kiên trì, làm cho mỗi người đều hiểu được mục đích kháng chiến là cứu nước, cứu nhà, toàn dân phải đánh giặc, đánh giặc phải lâu dài, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Phê phán, đẩy lùi những khuynh hướng lệch lạc, bi quan, ngại đánh lâu dài, ngại hy sinh gian khổ, chủ quan khinh địch, thiếu cảnh giác, nôn nóng, muốn đánh nhanh, thắng nhanh, ỷ lại viện trợ bên ngoài.

Công tác tuyên huấn đã thường xuyên tố cáo những tội ác dã man của địch để nâng cao lòng căm thù, ý chí quyết tâm kháng chiến, không ngại hy sinh gian khổ; vạch rõ những thủ đoạn xảo quyệt của địch để đề cao cảnh giác. Đã kết hợp giáo dục chủ nghĩa yêu nước với tinh thần đoàn kết quốc tế, làm cho mọi người phân biệt được bọn thực dân xâm lược Pháp với nhân dân lao động Pháp.

Công tác tuyên huấn của Đảng đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, khắc phục tệ quan liêu, xa rời quần chúng. Đảng đã rất coi trọng việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, tác phong cách mạng cho cán bộ, đảng viên; chỉ đạo chặt chẽ các đợt giáo dục quan trọng, như học tập thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp phê bình, tự phê bình năm 1947, học tập Chính cương, Điều lệ Đảng năm 1951, chỉnh huấn 1952 - 1953. Trong hoàn cảnh kháng chiến, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn được chú ý tiến hành thường xuyên.

Công tác tuyên truyền cổ động đã đi vào từng nhà, từng người, gắn việc tuyên truyền đường lối kháng chiến với cổ động kịp thời, sắc bén cho việc hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể của kháng chiến từng thời kỳ, ở mọi nơi, mọi lúc... Thường xuyên biểu dương những điển hình tiên tiến, cổ vũ cho phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy những điều tốt đẹp nhất trong con người và cộng đồng Việt Nam. Mọi hoạt động văn học, nghệ thuật, giáo dục, báo chí... đều hướng vào phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Công tác thông tin ở cơ sở, phong trào văn nghệ quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, làm cho cuộc kháng chiến tuy gian khổ nhưng không khí thôn xóm vẫn vui tươi, lành mạnh.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, lĩnh vực khoa giáo được quan tâm lãnh đạo và đẩy mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Nhìn chung, trong kháng chiến chống Pháp, công tác tuyên giáo đã được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân tộc tham gia vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

Theo: 80 năm Lịch sử ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản việt Nam (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia, tr. 81-82.

Thắng Lại
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực