Những hạn chế trong lĩnh vực tư tưởng trong nhiệm kỳ Đại hội V

Thứ hai, 08/06/2020 08:28
Ngày 15/12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị của BCHTW trình Đại hội. Trong Báo cáo nêu rõ những hạn chế trong lĩnh vực tư tưởng trong nhiệm kỳ Đại hội V.

Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc đoạn trích trong Báo cáo.

...

"Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện.

Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản, vừa "tả" khuynh vừa hữu khuynh.

Đúng như Đại hội lần thứ V nhận định, chúng ta vừa chủ quan nóng vội, vừa bảo thủ trì trệ, trong thực tế hai mặt đó cùng tồn tại và đều cản trở bước tiến của cách mạng.

Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Trong lĩnh vực tư tưởng và tổ chức, Đảng ta đã làm được một số việc có kết quả tốt, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ có một bước trưởng thành, đã có nhiều kinh nghiệm mới về xây dựng đảng trong điều kiện đảng cầm quyền. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, trước những biến động và thử thách của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoạt động tư tưởng và tổ chức của Đảng đã không theo kịp yêu cầu của cách mạng.

Trong lĩnh vực tư tưởng, đã bộc lộ sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật đang hoạt động trong thời kỳ quá độ; đã mắc bệnh duy ý chí, giản đơn hoá, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên. Chúng ta đã có những thành kiến không đúng, trên thực tế, chưa thật sự thừa nhận những quy luật của sản xuất hàng hoá đang tồn tại khách quan; do đó, không chú ý vận dụng chúng vào việc chế định các chủ trương, chính sách kinh tế. Chưa chú ý đầy đủ việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của mình và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước anh em.

Trong công tác tổ chức, khuyết điểm lớn nhất là sự trì trệ, chậm đổi mới công tác cán bộ. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý các cấp còn theo một số quan niệm cũ kỹ và tiêu chuẩn không đúng đắn, mang nặng tính hình thức, không xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và yêu cầu của công việc; cách làm lại thiếu quy hoạch, chưa chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng. Công tác giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên thiếu chặt chẽ.

Phong cách lãnh đạo và lề lối làm việc mang nặng chủ nghĩa quan liêu, lời nói không đi đôi với việc làm, không tuân thủ quy trình làm việc và ra quyết định. Việc chỉ đạo, điều hành thường không tập trung, thiếu kiên quyết và nhất quán. Trong các đảng bộ và các cấp uỷ có sự vi phạm nguyên tắc Lêninnít trong sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp d­ưới phục tùng cấp trên, toàn Đảng phục tùng Trung ương.

Về mặt tổ chức, đã để cho bộ máy nhà nước, bộ máy của Đảng và các đoàn thể phình ra quá lớn, chồng chéo và phân tán.

Những sai lầm và khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng trước hết thuộc về trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng. Cần nhấn mạnh rằng, việc chậm bố trí đúng sự chuyển tiếp hạt nhân lãnh đạo là một nguyên nhân trực tiếp làm cho sự lãnh đạo của Đảng trong những năm gần đây không đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương xin tự phê bình nghiêm túc về những khuyết điểm của mình trước Đại hội".

Trích Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, trang 708-710.

Nguyễn Tuân
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực