I- Nhiệm vụ của các trường đảng trong giai đoạn mới
1. Từ năm 1970 đến nay, Đảng ta đã có nhiều quyết định về công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện những quyết định đó, công tác giáo dục lý luận, chính trị trong Đảng, nhất là sự hoạt động của các trường đảng đã có nhiều tiến bộ và đạt được những kết quả nhất định.
Hệ thống trường đảng tập trung đã được xây dựng từ trung ương đến huyện. Bên cạnh hệ thống trường đảng tập trung, đã xây dựng các trường và lớp tại chức thu hút từ đầu những năm 70 đến nay trên một triệu lượt người theo học các loại chương trình. Trong hệ thống trường đảng, đã có cố gắng cải tiến nội dung giáo trình, phương châm, phương pháp dạy và học, xây dựng một số quy chế cải tiến tổ chức học tập trong các trường. Việc đào tạo và bồi dưỡng giảng viên lý luận, chính trị cho các trường cũng có nhiều cố gắng.
Nhìn chung, trong công tác giáo dục lý luận, chính trị, hoạt động của các trường đảng trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc nâng cao trình độ lý luận, chính trị và năng lực lãnh đạo của cán bộ đảng ở các cấp, các ngành, bổ sung một số cán bộ trẻ cho các cấp uỷ đảng và tạo điều kiện để thực hiện yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ của Đảng.
Tuy đã có nhiều cố gắng, công tác giáo dục lý luận, chính trị và công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong hệ thống trường đảng còn có nhiều nhược điểm và khuyết điểm. Công tác trường đảng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị: nhiều cán bộ lãnh đạo đương chức chưa được bồi dưỡng kịp thời; chưa xây dựng được quy hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Hoạt động của hệ thống trường đảng chưa kết hợp chặt chẽ việc đào tạo, bồi dưỡng với việc phân phối, sử dụng cán bộ. Chưa phân biệt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp với việc giáo dục phổ cập lý luận cơ bản. Đối tượng đào tạo và bồi dưỡng của các trường đảng tập trung còn quá rộng, việc tổ chức học tập tại chức chưa được tăng cường đến mức cần thiết. Nội dung, chương trình của các trường còn thiếu những kiến thức cần thiết đối với cán bộ lãnh đạo. Cán bộ giảng dạy, tuy đã được chú ý đào tạo, nhưng vẫn còn thiếu, chất lượng giảng dạy của nhiều giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là yêu cầu đào tạo những cán bộ có năng lực hoạt động thực tiễn.
Phương pháp dạy và học còn sách vở, truyền thụ một chiều, chưa phát huy tính chủ động của người học. Phương tiện giảng dạy và học tập còn thiếu và đơn giản.
2. Nhiệm vụ cách mạng hiện nay đòi hỏi phải tiến hành cải cách giáo dục lý luận, chính trị, trước hết là cải tiến công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý
Chủ chốt của Đảng và Nhà nước, làm cho đội ngũ đó có đủ phẩm chất và năng lực, nhất là năng lực tổ chức thực tiễn. Các khâu chọn lựa, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ phải gắn liền với nhau trong quy hoạch chung, thống nhất; trên cơ sở quy hoạch đó, xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thích hợp, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong quy hoạch, kế hoạch, vừa chú ý bổ túc kiến thức toàn diện (nhất là kiến thức quản lý kinh tế, quản lý nhà nước), cho cán bộ đương chức, vừa chú trọng đào tạo cán bộ kế cận các cấp; cố gắng bảo đảm cho cán bộ được đào tạo trước khi đề bạt và mọi cán bộ lãnh đạo bắt buộc phải được bồi dưỡng nâng cao trình độ ba hoặc năm năm một lần. Phải tổ chức lại hệ thống các trường lớp và phân công đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo những chức danh nhất định; cải tiến chương trình, nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp học tập, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận, chính trị và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
II - Tổ chức lại hệ thống trường đảng các cấp
Hệ thống trường đảng vừa là công cụ giáo dục, vừa là công cụ tổ chức của Đảng, có nhiệm vụ giáo dục lý luận Mác - Lênin, giáo dục những kiến thức cần thiết về lãnh đạo và quản lý cho những cán bộ đương chức và cán bộ kế cận đã được chọn lựa theo quy hoạch, để đào tạo thành đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý chủ chốt trong các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền, và các tổ chức quần chúng. Các cán bộ đã được lựa chọn, mà chưa có đầy đủ tiêu chuẩn văn hoá, nghiệp vụ thì phải được bổ sung, hoàn chỉnh trước khi đưa đi đào tạo tại trường đảng. Trường đảng còn có nhiệm vụ thường kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, phẩm chất chính trị và năng lực công tác cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý chủ chốt đương chức của Đảng, Nhà nước và các tổ chức quần chúng. Để đáp ứng kịp thời yêu cầu rất lớn về đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cho Đảng và Nhà nước, trong hệ thống trường đảng tập trung từ trung ương đến tỉnh, thành, ngoài các lớp tập trung, cần phải mở thêm hệ tại chức để thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo những cán bộ lãnh đạo và quản lý đã quy định cho mỗi trường đảng. Trong một số năm trước mắt, vì còn nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt đương chức chưa được đào tạo một cách có hệ thống, nhưng tuổi đã cao, không thể đi học dài ngày được, cũng cần được bồi dưỡng theo một chương trình thích hợp. Thời gian học từ 6 đến 8 tháng.
Trong điều kiện hiện nay, việc đào tạo cán bộ lãnh đạo kế cận trước hết cần tập trung vào những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, như bí thư, phó bí thư cấp uỷ đảng; chủ tịch Uỷ ban nhân dân; các trưởng ban của Đảng; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; bí thư đảng uỷ các xí nghiệp, đặc biệt chú trọng những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các huyện, quận, xí nghiệp lớn và liên hiệp xí nghiệp.
Hệ thống trường đảng gồm có:
1. Các trường đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương tổ chức lại như sau:
Ngoài Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, thành lập ba trường đảng ở ba khu vực, trực thuộc Trung ương trên cơ sở sắp xếp lại các trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu.
Trường Nguyễn Ái Quốc I, đặt tại Hà Nội, thành lập trên cơ sở hợp nhất các Trường Nguyễn Ái Quốc I, Trường Nguyễn Ái Quốc II và Trường Nguyễn Ái Quốc VI. Trường được sử dụng các cơ sở hiện có, và cơ sở chính đặt tại Thanh Xuân, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Trường Nguyễn Ái Quốc II, ở Thành phố Hồ Chí Minh, thành lập trên cơ sở tăng cường Trường Nguyễn Ái Quốc VIII. địa điểm của trường vẫn là cơ sở hiện nay của Trường Nguyễn Ái Quốc VIII tại Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Nguyễn Ái Quốc III, đặt tại thành phố Đà Nẵng, thành lập trên cơ sở hợp nhất các Trường Nguyễn Ái Quốc IV, Trường Đảng Tây Nguyên và Trường Tuyên huấn Trung ương II. Địa điểm đặt tại thành phố Đà Nẵng, gồm cơ sở hiện có của hai Trường Nguyễn Ái Quốc IV và Trường Tuyên huấn II. Cơ sở của Trường Đảng Tây Nguyên giao lại cho Trường Đảng tỉnh Đắc Lắc.
Nhiệm vụ của các trường đảng này là:
- Đào tạo những cán bộ theo các chức danh: bí thư, phó bí thư, chủ tịch Uỷ ban nhân dân, các trưởng ban của Đảng ở huyện, quận và thị xã, bí thư đảng uỷ các xí nghiệp quốc doanh, các bệnh viện, trường học và các đảng bộ tương đương, ngoài diện Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc phụ trách. Thành lập hai hệ đặc biệt ở hai Trường Nguyễn Ái Quốc I và III, chuyên trách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện thuộc các dân tộc thiểu số. Ban Dân tộc Trung ương giúp các trường làm tròn nhiệm vụ này.
Để bổ sung cho việc đào tạo tập trung tại trường, mỗi trường đảng khu vực cần tổ chức hệ đào tạo tại chức để cùng với các hệ tập trung thực hiện quy hoạch và kế hoạch đào tạo của mỗi trường. Đối tượng của các lớp tại chức này là những chức danh đã nêu ra ở trên nhưng vì hoàn cảnh công tác không thể đi học tập trung dài ngày.
- Bồi dưỡng lý luận, chính trị và năng lực công tác cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt đương chức của huyện, quận, thị xã, xí nghiệp và một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành bao gồm: bí thư, chủ tịch và thường vụ huyện, quận uỷ; các trưởng ban ở huyện, quận và thị xã, các trưởng, phó ban ngành cấp tỉnh, thành, bí thư, giám đốc các xí nghiệp, bệnh viện, trường đại học (ngoài diện được bồi dưỡng ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn ái Quốc).
- Tổ chức nghiên cứu lý luận để nâng cao chất lượng giảng dạy của trường, góp phần vào việc nghiên cứu lý luận chung của Đảng.
Thành lập Trường Tuyên huấn Trung ương I trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc V, và thành lập Trường Tuyên huấn Trung ương II trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên huấn III và Trường Nguyễn Ái Quốc IX. Học viên của Trường Tuyên huấn Trung ương I là cán bộ từ Thuận Hải trở ra Bắc; Trường Tuyên huấn Trung ương II là cán bộ của các tỉnh Nam Bộ.
Hai trường tuyên huấn Trung ương có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng lý luận, chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ trong ngành công tác tư tưởng của Đảng như sau:
- Đào tạo giảng viên lý luận, chính trị cho hệ thống trường đảng các cấp, giảng viên chính trị các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, giảng viên chính trị cho các trường ngành và đoàn thể ở trung ương, đạt trình độ đại học. Việc chọn người học, chương trình học, thời gian học của các lớp này theo đúng quy tắc chung của các trường đại học; đào tạo đội ngũ cán bộ công tác tư tưởng của Đảng ở tỉnh, thành phố, huyện, quận và các ngành trung ương. Trong một số năm trước mắt, mở thêm các lớp hoàn chỉnh chương trình đại học Mác - Lênin cho các giảng viên đã được đào tạo trước đây.
- Bồi dưỡng ngắn hạn về lý luận, chính trị, nghiệp vụ cho giảng viên lý luận, chính trị các trường đảng; giảng viên các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, giảng viên các trường ngành và đoàn thể ở trung ương, các cán bộ chủ chốt làm công tác tư tưởng của tỉnh, thành phố, huyện, quận, thị xã, ngành ở trung ương. Bồi dưỡng lý luận, chính trị cho các biên tập viên chủ chốt của báo chí, thông tấn, truyền thanh, truyền hình, xuất bản ở trung ương, tỉnh, thành phố (ngoài diện được bồi dưỡng ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc).
- Nghiên cứu lý luận để nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần vào công tác lý luận chung của Đảng. Phối hợp với các ban của Đảng tổng kết nghiệp vụ công tác tư tưởng, phục vụ việc giảng dạy của trường.
- Riêng Trường Tuyên huấn Trung ương I tiếp tục mở các lớp chuyên tu (sau đại học) cho giảng viên lý luận; tiếp tục đào tạo các biên tập viên báo chí, thông tấn, truyền thanh, truyền hình, xuất bản ở trung ương, tỉnh, thành phố, đạt trình độ đại học.
Ban Tuyên huấn Trung ương được Trung ương giao trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo các trường đảng khu vực và hai trường tuyên huấn trực thuộc Trung ương về nội dung chương trình, phương châm, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng giảng viên, thực hiện các quy chế tổ chức, quản lý trường, kiểm tra chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu bổ sung cán bộ có chất lượng cho các trường đảng (phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung ương); làm quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thực hiện kế hoạch gọi người đi học và phân phối cán bộ sau khi đã đào tạo ở các trường khu vực. Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương cùng với các trường nghiên cứu cải tiến chế độ, chính sách, xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị cho các trường, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban Khoa giáo Trung ương có nhiệm vụ cùng với Ban Tuyên huấn Trung ương xác định quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng chương trình học tập, và phân phối học viên của các lớp giảng viên chính trị các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.
2. Các trường đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ cần được tăng cường để đủ sức bảo đảm các nhiệm vụ sau đây:
- Đào tạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các đảng uỷ xã, phường, thị trấn, xí nghiệp và các đơn vị tương đương khác, gồm: bí thư, phó bí thư hoặc thường vụ đảng uỷ phụ trách các mặt công tác đảng, chính quyền, kinh tế, dân vận. Cần tổ chức hệ đào tạo tại chức trong mỗi trường đảng tỉnh và thành phố để bổ sung cho việc đào tạo tập trung tại chức cho những cán bộ lãnh đạo và quản lý nói trên (trong quy hoạch đào tạo) mà vì điều kiện công tác không thể tập trung học dài ngày.
- Bồi dưỡng lý luận, chính trị, năng lực công tác cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý đương chức huyện, quận, xã, phường, thị trấn, xí nghiệp và các đơn vị tương đương gồm: huyện, quận, thị uỷ viên, trưởng phó các ban, ngành ở huyện, quận và thị xã (ngoài diện người học các trường Nguyễn Ái Quốc khu vực), thường vụ đảng uỷ xã, phường và thị trấn.
- Bồi dưỡng giảng viên trường đảng huyện.
3. Trường đảng huyện, quận, thị xã có chức năng vừa mở lớp tập trung vừa mở các lớp tại chức bồi dưỡng các đảng uỷ viên và bí thư chi bộ cơ sở:
- Mở các lớp tập trung bồi dưỡng một cách cơ bản về chính trị và công tác cho các bí thư chi bộ, các đảng uỷ viên cơ sở sau mỗi kỳ đại hội của đảng bộ cơ sở.
- Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn nhằm phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị trước mắt cho cán bộ lãnh đạo cơ sở (ngoài diện được bồi dưỡng trường đảng tỉnh, thành phố) cho cán bộ các ngành huyện, quận và thị xã.
- Trường đảng huyện, quận và thị xã cùng với ban tuyên huấn của cấp uỷ:
+ Trực tiếp mở lớp, tiến tới chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, giúp đỡ giảng dạy các đảng uỷ cơ sở mở các lớp học chính trị cho đảng viên mới, cho những người chuẩn bị kết nạp vào Đảng.
+ Trực tiếp mở, hoặc hướng dẫn các đảng uỷ cơ sở mở các lớp học tại chức theo chương trình chính trị phổ thông.
+ Hướng dẫn nội dung, phương châm, phương pháp học tập, bồi dưỡng giảng viên cho các lớp học tại chức ở cơ sở.
- Trực tiếp giúp trường lý luận, chính trị tại chức của tỉnh tổ chức và quản lý các lớp lý luận cơ bản có hệ thống mở ở địa phương.
Tiếp theo Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Bí thư ngày 24-2-1981 về công tác tư tưởng "tổ chức lại hệ thống trường đảng tập trung và mở rộng hệ thống trường lớp học tại chức", cùng với việc củng cố hệ thống trường đảng, cần tăng cường và nâng cao chất lượng công tác của hệ thống trường lý luận, chính trị tại chức của Đảng để đẩy mạnh giáo dục phổ cập chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng cho đông đảo cán bộ, đảng viên. Ban Bí thư sẽ có quyết định riêng về công tác giáo dục lý luận chính trị tại chức.
Về các trường quản lý kinh tế và trường hành chính, Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, cùng với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế và Ban Tổ chức Chính phủ nghiên cứu toàn diện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và quản lý nhà nước để Ban Bí thư và Hội đồng Bộ trưởng xem xét và quyết định. Trước mắt, việc phân công người học giữa ba loại trường (trường đảng, trường quản lý kinh tế, trường quản lý nhà nước) theo hướng sau đây: đối với cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý chủ chốt của Đảng và Nhà nước thì trường đảng có trách nhiệm đào tạo cơ bản về lý luận, chính trị, kiến thức quản lý kinh tế, kiến thức quản lý nhà nước (có sự tham gia giảng dạy của hai trường quản lý kinh tế và quản lý nhà nước trong khi trường đảng chưa kịp chuẩn bị đủ giảng viên).
Trong vài ba năm trước mắt, Trường Quản lý kinh tế tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý kinh tế cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý chủ chốt từ trung ương đến huyện, ngoài diện những cán bộ được học các trường đảng.
Trường Hành chính tiếp tục chương trình bồi dưỡng ngắn hạn về lý luận, nghiệp vụ về quản lý nhà nước, quản lý xã hội cho các phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách nội chính, uỷ viên thư ký, chánh và phó văn phòng Uỷ ban nhân dân, cán bộ tổ chức chính quyền, cán bộ biên tập các văn kiện của tỉnh và huyện.
Để tránh tình trạng một cán bộ phải đi học ở nhiều trường, trong chương trình bồi dưỡng ngắn hạn từ 1983 đến 1985, ở trong mỗi loại trường (trường đảng, trường quản lý kinh tế, trường quản lý hành chính) cần kết hợp việc bồi dưỡng cả kiến thức quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ V.
III - Cải tiến chương trình, phương pháp học tập, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên
1. Sửa đổi hệ thống chương trình
Phân biệt hai loại chương trình: chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý chủ chốt của Đảng và Nhà nước với chương trình phổ cập lý luận Mác - Lênin rộng rãi trong Đảng và trong xã hội.
- Trong hệ thống trường đảng tập trung, sẽ áp dụng hai loại chương trình chính:
+ Chương trình đào tạo: Học tương đối có hệ thống những môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, lịch sử Đảng và công tác xây dựng Đảng, lịch sử phong trào công nhân thế giới, những kiến thức về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và một số môn học khác cần thiết cho cán bộ lãnh đạo. Cần bổ sung, nâng cao những môn học đã có, theo sát những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Chương trình có phần học chung, và có phần học chuyên ngành cho các loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo Đảng, cán bộ quản lý Nhà nước; cán bộ quản lý kinh tế; cán bộ quản lý tư tưởng, văn hoá... Các ban của Đảng có nhiệm vụ cùng với trường đảng xây dựng chương trình những phần học chuyên ngành. Phải kịp thời đưa vào chương trình những kinh nghiệm đã được tổng kết. Tăng cường việc phê phán những tư tưởng, quan điểm cơ hội chủ nghĩa dưới mọi hình thức, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Phần lý luận Mác - Lênin trong chương trình đào tạo chia thành hai cấp: Chương trình cao cấp (tương đương đại học Mác - Lênin) áp dụng cho các trường trực thuộc Trung ương và chương trình trung cấp lý luận Mác - Lênin áp dụng cho các trường đảng tỉnh, thành phố. Trong những năm trước mắt, chương trình cao cấp học từ hai đến hai năm rưỡi; chương trình trung cấp học từ một năm đến một năm rưỡi.
Để bảo đảm chương trình đào tạo thực hiện có kết quả, việc lựa chọn và cử người đi học phải theo đúng những tiêu chuẩn quy định về tuổi, trình độ văn hoá, trình độ công tác thực tiễn. Riêng về trình độ văn hoá, cán bộ học chương trình cao cấp nhất thiết phải có trình độ hết bậc trung học phổ thông hoặc chuyên nghiệp (trừ đối với cán bộ người dân tộc thiểu số có thể châm chước một số trường hợp cá biệt); cán bộ học chương trình trung cấp nhất thiết phải học hết bậc phổ thông cơ sở. Những cán bộ trong diện quy hoạch đào tạo, nếu chưa đủ trình độ văn hoá, thì phải bổ túc cho đủ mới được đào tạo ở trường đảng.
+ Ban Tuyên huấn Trung ương và Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc được giao tổ chức hội đồng nghiên cứu, biên soạn chương trình, giáo khoa cao cấp để Ban Bí thư xét duyệt và ban hành. giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương chủ trì việc nghiên cứu biên soạn chương trình và giáo khoa trung cấp.
+ Chương trình bồi dưỡng theo định kỳ được xây dựng xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ, chủ yếu là sau mỗi đại hội Đảng, theo sát sự phát triển mới của các vấn đề lý luận và những quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước, những kinh nghiệm đã được tổng kết trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng.
Để kịp thời quán triệt những quyết định của Đại hội lần thứ V của Đảng, bắt đầu từ năm học 1982-1983, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ các cấp về các nghị quyết của Đại hội và những quyết định mới của đảng và Nhà nước có liên quan; về kiến thức quản lý kinh tế; và kiến thức quản lý nhà nước. Ban Tuyên huấn Trung ương có nhiệm vụ xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn ngày.
2. Cải tiến phương pháp học tập
- Quán triệt hơn nữa phương châm lý luận liên hệ với thực tiễn; bảo đảm đầy đủ tính khoa học, tính chiến đấu trong nội dung giảng dạy; bảo đảm gây được phong cách suy nghĩ khoa học, độc lập, sáng tạo của người học, khắc phục lối học sách vở, tách rời thực tế.
- Bảo đảm cho người học thường xuyên liên hệ với tình hình thực tế. Việc tổ chức cho học viên đi nghiên cứu công tác thực tế, học điển hình tiên tiến phải trở thành chế độ bắt buộc trong các trường đảng.
- Cải tiến chế độ kiểm tra học tập như làm bài tập, viết khoá luận, tiến tới làm luận án tốt nghiệp ở các trường đảng, hướng vào những vấn đề thiết thực đang đặt ra trong công tác của từng cán bộ.
- Tổ chức chặt chẽ việc quản lý người học nhằm bảo đảm kết quả học tập cao và nắm chắc kết quả học tập của từng người.
- Nghiên cứu áp dụng nhiều hình thức học tập mới, tăng cường phương tiện kỹ thuật cho việc giảng dạy và học tập để nâng cao hiệu quả giáo dục.
Ban Tuyên huấn Trung ương và Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc cần phối hợp nghiên cứu chỉ đạo việc tổng kết kinh nghiệm và đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập.
3. Đào tạo, bồi dưỡng giảng viên:
- Tăng cường đội ngũ giảng viên về số lượng và chất lượng cho ngang tầm nhiệm vụ mới là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục.
Ban Tuyên huấn Trung ương cần phối hợp với Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và Ban Tổ chức Trung ương xác định quy hoạch đào tạo giảng viên mới và bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên hiện có.
Bên cạnh đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, cần mở rộng mạng lưới giảng viên kiêm chức; thu hút những cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn, cán bộ khoa học vào việc giảng dạy.
- Cải tiến chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên. Ngoài việc học tập tại trường, cần có thêm những hình thức khác nhau như tổng kết kinh nghiệm, thông tin khoa học, hội thảo khoa học... để bồi dưỡng giảng viên. Có thể mời chuyên gia các đảng anh em giúp thêm vào việc đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, nhất là đối với những phát triển mới về lý luận Mác - Lênin và về những môn học mới mà ta cần bổ sung vào chương trình đào tạo cán bộ. Việc cử cán bộ đi học ở các nước anh em cần có sự chọn lọc theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu của kế hoạch đào tạo. Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức cùng với Ban Tuyên huấn, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc và Ban Đối ngoại Trung ương nghiên cứu và kiến nghị với ban Bí thư về kế hoạch mời chuyên gia cũng như kế hoạch lựa chọn và quản lý thống nhất việc cử cán bộ đi bồi dưỡng lý luận ở trường đảng các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là ở Liên Xô.
- Cần có chính sách khuyến khích giảng viên phấn đấu nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ, khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện chế độ phong cấp học hàm, học vị khoa học.
Để bảo đảm cho hệ thống trường đảng, trường và lớp lý luận, chính trị tại chức hoạt động tốt, Ban Tuyên huấn Trung ương cùng với Ban Tổ chức Trung ương và Ban Tài chính - Quản trị Trung ương cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu ban hành một số chính sách, chế độ đối với giảng viên và học viên trường đảng cho phù hợp với tình hình mới.
4. Để cải tiến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đem lại hiệu quả thiết thực là phải xác định quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý.
Ban thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban, bộ, tổng cục trực thuộc Trung ương cần căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương để làm quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý của ngành và cấp mình. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn liền với kế hoạch bố trí, sử dụng cán bộ.
Từ nay đến giữa năm 1983, từng ngành, từng cấp phải lựa chọn được danh sách cán bộ dự bị cho những chức danh chủ chốt của ngành và cấp mình, để kịp thời đào tạo, bồi dưỡng nhằm thay thế những cán bộ phải nghỉ việc trong khoảng thời gian 1985-1986.
Các trường đảng trực thuộc Trung ương, các trường đảng trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ, Trường Quản lý kinh tế của Trung ương, Trường Hành chính Trung ương từ nay đến hết năm 1983, cần tập trung đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ chủ chốt đã có trong quy hoạch để khi được giao nhiệm vụ mới, đã được bồi dưỡng, đào tạo, đến mức độ cần thiết.
Để thực hiện có kết quả việc cải tiến công tác giáo dục lý luận, chính trị, các cấp uỷ cần xác định đúng quy hoạch cán bộ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các trường đảng thực hiện chương trình, phương châm, phương pháp giáo dục, kiểm tra mọi mặt hoạt động của các trường, tăng cường cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các trường. Các ban của Đảng, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Uỷ ban Khoa học xã hội, các viện nghiên cứu khoa học... có nhiệm vụ tham gia công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.
Ban Bí thư giao cho Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương cùng với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân và đảng đoàn các đoàn thể nghiên cứu cải tiến công tác giáo dục lý luận, chính trị trong hệ thống trường nhà nước, trường quân đội, trường đoàn thể.
T/M Ban Bí thư
Võ Chí Công