Sự ra đời của Hội truyền bá quốc ngữ

Thứ hai, 30/03/2020 17:04
(ĐCSVN) – Để vận động cách mạng trong cuộc đấu tranh chống phản động, thuộc địa và tay sai, phát xít, giai đoạn 1936-1939, Đảng ta đã cho ra đời nhiều báo, tạp chí, nhiều loại sách phổ thông tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời, đồng chí Trường Chinh đã đề nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định vận động thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ.

Thực tiễn của cuộc vận động cách mạng ở thời kỳ này, Đảng ta thấy rõ vai trò của văn hoá, văn nghệ và giáo dục chữ quốc ngữ trong việc truyền bá hệ tư tưởng và tập hợp quần chúng đấu tranh cách mạng.

Cũng trong thời gian này, một số văn nghệ sĩ đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng. Nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê phán ra đời, như: Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Toà soạn báo và các hiệu sách còn là nơi các tầng lớp nhân dân đến liên hệ để hỏi ý kiến về cách đấu tranh bênh vực quyền lợi của mình, là nơi liên hệ giữa Đảng với các tổ chức chính trị - xã hội khác. Đó cũng là đầu mối liên lạc giữa bộ phận hợp pháp và không hợp pháp của Đảng, có khi là nơi móc nối liên lạc giữa các Đảng bộ với Trung ương, giữa Đảng với cán bộ hoạt động ở nước ngoài, với các Đảng anh em và Quốc tế Cộng sản. Sách báo của ta tuy ra nhiều nhưng độc giả là người lao động cùng khổ, người biết chữ còn rất ít. Để vận động cách mạng thuận lợi, đồng chí Trường Chinh đã đề nghị Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định vận động thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Tháng 5-1938, Đảng chỉ định các đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp cùng với một số nhân sĩ và trí thức lập ra Hội truyền bá quốc ngữ, do ông Nguyễn Văn Tố một trí thức yêu nước làm Hội trưởng, giúp cho người lao động nghèo biết đọc, biết viết, để có thể đọc sách báo cách mạng. Các lớp học này ở nhiều nơi là lớp chính trị phổ thông cho quần chúng. Phong trào Truyền bá quốc ngữ giương cao khẩu hiệuChữ quốc ngữ cho mọi người'' và chủ trương đưa ánh sáng văn hóa đến từng ''túp lều tranh''.

Hội truyền bá quốc ngữ đã tạo nên một sinh hoạt văn hoá có giá trị trong đời sống xã hội, góp phần phát triển tư tưởng tiến bộ trong nhân dân, thể hiện sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực giáo dục và vận động trí thức.

Trích: Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.31-32.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực