Tác phẩm gồm 5 chương: Chủ nghĩa giáo điều và tự do phê bình, Tính tự phát của quần chúng và tính tự giác của đảng dân chủ - xã hội, Chính trị công liên chủ nghĩa và chính trị dân chủ - xã hội, Lối làm việc thủ công nghiệp của phái “kinh tế” - và tổ chức của những người cách mạng và Kế hoạch xây dựng một tờ báo chính trị của toàn nước Nga.
Chương thứ nhất gồm 3 phần nhỏ. Ở phần 3, Lênin trình bày rõ vai trò, tầm quan trọng của lý luận cách mạng là vạch trần thái độ khinh thường lý luận của phái “kinh tế” ở Nga
Lênin phân tích lý do vì sao lý luận cách mạng lại có tầm quan trọng lớn đối với Đảng dân chủ - xã hội Nga và trình bày những tư tưởng của Mác-Ăngghen nói về vai trò của lý luận:
“Nếu thực sự cần phải liên hợp thì cứ ký kết những thỏa hiệp nhằm đạt những mục tiêu thực tiễn của phong trào, nhưng chớ có buôn bán nguyên tắc, chớ có “nhân nhượng” về lý luận”. Tư tưởng của Mác là như thế, ấy vậy mà trong chúng ta đã có những người đã nhân danh Mác mà tìm cách làm giảm ý nghĩa quan trọng của lý luận.
Lênin đã dẫn chứng những lời nhận xét của Ăngghen năm 1874 về tầm quan trọng của lý luận trong phong trào dân chủ - xã hội. Ăngghen khẳng định rằng, cuộc đấu tranh vĩ đại của Đảng dân chủ - không phải chỉ có hai hình thức chính trị và kinh tế mà có ba hình thức. Ăngghen đặt cuộc đấu tranh lý luận ngang với cuộc đấu tranh chính trị và kinh tế vấn đề lý luận ngày càng quan trọng đối với những người lãnh đạo.
Lênin khẳng định “không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”, “chỉ đảng nào có được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”1.
Theo Lênin: “Nhiệm vụ của họ là phải học tập, ngày càng nhiều hơn, tất cả các vấn đề lý luận; phải tự giải thoát, ngày càng nhiều hơn, khỏi ảnh hưởng của những câu cổ truyền của thế giới quan cũ, và không bao giờ được quên rằng chủ nghĩa xã hội, từ khi đã trở thành một khoa học, còn phải được coi là một khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu”.
III- Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của tác phẩm
1. Ý nghĩa lịch sử và thực tiễn của tác phẩm “Làm gì?” đối với việc thành lập, xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga và giai cấp công nhân quốc tế là ở chỗ:
- Tác phẩm “Làm gì?” đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp các tổ chức địa phương xung quanh tờ báo “Tia lửa” để thực hiện kế hoạch của Lênin về xây dựng Đảng.
- Tác phẩm ra đời khi thế giới bước vào thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, khi những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong phong trào dân chủ - xã hội quốc tế còn mạnh, những lãnh tụ của Quốc tế II sau khi Ăngghen mất đã chuyển sang lập trường cơ hội chủ nghĩa. Với tác phẩm “Làm gì?”, Lênin đã bảo vệ học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác, chống lại sự xuyên tạc của các thứ chủ nghĩa cơ hội.
- Tác phẩm “Làm gì?” đã đánh bại lý luận cơ hội chủ nghĩa của phái “kinh tế” ở Nga, một biến dạng của chủ nghĩa cơ hội Tây Âu. Lênin đã lý giải rất khoa học nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác: Đảng là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân.
- Lênin đã phát triển những tư tưởng của Mác và Ăngghen và hoàn chỉnh học thuyết về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, một học thuyết thống nhất, chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn. Học thuyết về đảng kiểu mới là một trong những cống hiến lớn lao của Lênin vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác. Học thuyết đó là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam hành động cho đảng kiểu mới của giai cấp công nhân Nga và các Đảng Cộng sản các nước trên thế giới.
2. Vận dụng các nguyên lý của Lênin trong tác phẩm “Làm gì?” cùng các nguyên lý khác của học thuyết Mác - Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, Đảng ta trở thành một đảng Mác - Lênin rất vững mạnh, một bộ phận kiên cường của phong trào cộng sản quốc tế.
Đảng ta từ khi thành lập đến nay luôn khẳng định và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố cơ bản quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đổi mới Đảng ta phải không ngừng đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại, phát triển và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mọi mặt. Chúng ta phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
3. Tác phẩm “Làm gì?” của Lênin mặc dù ra đời cách đây gần một thế kỷ nhưng những tư tưởng cơ bản về Đảng trong tác phẩm nổi tiếng nay vẫn còn ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc thành lập, xây dựng và củng cố các đảng Mác - Lênin chân chính.
Đối với những người cộng sản chúng ta, trước hết là cán bộ của Đảng, cán bộ nghiên cứu và làm công tác Đảng, việc nghiên cứu nắm vững tư tưởng của Lênin trong tác phẩm “Làm gì?” sẽ giúp chúng ta những cơ sở khoa học để quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm về xây dựng Đảng của Đảng ta, từ đó vận dụng vào thực tiễn công tác của mình; đồng thời, giúp chúng ta có cơ sở khoa học để phê phán những quan điểm cơ hội, xét lại trên lĩnh vực xây dựng Đảng hiện nay trong nước và trong phong trào cộng sản quốc tế.
1. V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tr.30, 32.