Muốn có kết quả thiết thực, thì tự phê bình và phê bình phải chú ý 4 điều này:
1- MỤC ĐÍCH : đoàn kết nội bộ từ trên đến dưới, làm cho công việc tiến hơn; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm (thí dụ: bệnh quan liêu, mệnh lệnh, xa quần chúng, v.v.).
2- PHƯƠNG HƯỚNG: mục đích tự phê bình và phê bình thì bất cứ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhưng vì công việc khác nhau, nên mỗi nơi (thí dụ: bộ đội, cơ quan, công đoàn, v.v.) có những ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Do đó, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau. Và ở mỗi nơi, trong những thời gian khác nhau, phương hướng kiểm thảo cũng phải khác nhau.
3- TRỌNG TÂM : trong mỗi thời kỳ ắt có một, hai công tác chính (thí dụ: nǎm ngoái, ở vùng không trực tiếp tác chiến, sau việc tạm vay, thuế nông nghiệp là công tác chính của Đảng, Chính phủ và nhân dân). Trong công tác chính ấy, lại có khâu chính (thí dụ: trong công tác thuế nông nghiệp, khâu chính là việc bàn định sản lượng thường nǎm của ruộng đất; đó là trọng tâm của công tác chính ấy. Lúc kiểm thảo phải nhằm vào ưu điểm và khuyết điểm của trọng tâm ấy.
4- CÁCH LÀM : chia làm mấy bước:
– Trước tiên, phải đánh thông tư tưởng. Tức là làm cho mọi người hiểu rõ mục đích và lợi ích của cuộc kiểm thảo, làm cho mọi người hǎng hái tham gia, để tránh tình trạng tiêu cực, lo ngại, rụt rè.
– Nghiên cứu các tài liệu: nghiên cứu những tài liệu về lý luận, để giúp mọi người hiểu thấu sự ích lợi và cần thiết của kiểm thảo; và những tài liệu về chính sách của Đảng và Chính phủ, để lấy đó làm cǎn cứ mà kiểm thảo công việc của mỗi đơn vị, mỗi người. Tài liệu không nên quá nhiều.
– Kiểm thảo công việc: khi tư tưởng thông rồi, tài liệu đã nghiên cứu kỹ, lúc đó mới kiểm thảo công việc, thật thà tự phê bình và phê bình. Không nên vội vàng, sơ suất, phóng đại. Cần phải gắn chặt công việc với tư tưởng và lề lối làm việc, vì mỗi công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai.
– Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên.
– Cán bộ cấp trên phải trực tiếp lãnh đạo từ lúc chuẩn bị cho đến lúc kết thúc cuộc kiểm thảo. Trong kiểm thảo phải nêu rõ ưu điểm và khuyết điểm, làm cho việc phải việc trái rõ ràng, làm cho mọi người hiểu rõ và vui lòng thừa nhận.
Ưu điểm thì phải khen, để mọi người bắt chước và phát triển. Khuyết điểm thì phải tuỳ nặng nhẹ mà xử trí cho đúng mực, để mọi người biết mà tránh. (Mục đích của kiểm thảo là giáo dục, cải tạo, nhưng không phải tuyệt đối không hề dùng kỷ luật). Những vấn đề đã đặt ra, cần tìm cách giải quyết cho đúng. Trong kiểm thảo, phải làm cho mọi người tự động, tự giác thật thà nêu khuyết điểm của mình, thành thật phê bình anh em. Kiểm thảo thì nhằm vào tư tưởng, lề lối làm việc, kết quả của công việc, chứ không nhằm vào cá nhân.
Khi kết thúc kiểm thảo, ra sức làm cho mọi người tǎng thêm lòng tự tin (tin chắc mình phát triển được ưu điểm, sửa đổi được khuyết điểm) khiến mọi người khoan khoái, vui vẻ, hǎng hái, để tiếp tục công tác và tiến bộ mãi. Rồi phải đặt chương trình học tập và công tác sắp tới, để mọi người thi đua làm tròn nhiệm vụ.
Phong trào kiểm thảo vừa qua cho ta thấy những điều sau đây:
Số rất đông cán bộ khắc khổ, tận tuỵ. Nhưng vì trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tế còn kém, nên gặp công việc mới thì lúng túng.
Nhiều cuộc kiểm thảo chuẩn bị kém, lãnh đạo kém, chưa biết nắm công việc chính mà phê bình và tự phê bình.
Vạch khuyết điểm nhiều, nêu ưu điểm ít, làm cho một số cán bộ nản chí, đâm ra tiêu cực.
Khuyết điểm của nhiều cán bộ là: hẹp hòi, địa vị, “công thần”, quan liêu, mệnh lệnh, kém đoàn kết, chưa biết quý trọng của công và sức dân, chưa biết quản lý của công một cách chặt chẽ. Cũng có một số cán bộ tham ô, hủ hoá.
Kiểm thảo rồi, không định rõ chương trình học tập và công tác mới, không tìm cách nâng đỡ mọi người tiến bộ hơn (uống thuốc xổ rồi mà không uống thuốc bổ).
Từ nay, những cuộc tự phê bình và phê bình cần nhằm đúng mấy điểm:
– Đoàn kết chặt chẽ cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng và toàn dân.
– Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần thi hành nghiêm chỉnh và triệt để chính sách của Đảng và Chính phủ.
– Theo đường lối quần chúng, vượt mọi khó khǎn, để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
C.B.
Theo: Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, t.7, tr317-319.