Thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương

Thứ hai, 06/04/2020 09:28
(ĐCSVN) - Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình Đông Dương. Bọn thống trị Đông Dương thi hành chính sách phát xít, bắt bớ, truy lùng, đàn áp trắng trợn những người cách mạng, đình bản, tịch thu sách báo tiến bộ, giải tán các tổ chức quần chúng.

Tháng 11-1939, Hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã giải quyết vấn đề chuyển hướng chỉ đạo chiến lược trong thời kỳ mới.

Hội nghị nhấn mạnh chiến tranh thế giới sẽ gây tai họa lớn cho nhân loại nhưng tiền đồ cách mạng sẽ rất sáng sủa “Một thế giới quang minh rực rỡ sẽ thay cho cái thế giới tối tăm mục nát này''. Hội nghị dự đoán Nhật sẽ xâm chiếm Đông Dương, Pháp sẽ đầu hàng Nhật, chế độ cai trị ở Đông Dương sẽ trở thành chế độ phát xít quân phiệt thuộc địa tàn bạo. Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Do đó, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương.

Về công tác tuyên truyền, cổ động, Hội nghị đề ra phương hướng, nội dung và các biện pháp trong thời kỳ mới. Phương hướng chung là phải nhằm vào mục đích đánh đổ đế quốc, giành độc lập dân tộc. “Phản đế, giải phóng dân tộc''. Tất nhiên tất cả các lực lượng tuyên truyền phải xoay vào cái tinh thần phản đế và nhằm đến cái mục đích đánh đổ đế quốc, đòi giải phóng dân tộc.

Về phương pháp, phải kiên trì, sát hợp với hoàn cảnh, sách báo công khai không có thì phải có sách báo bí mật, phát triển việc sử dụng truyền đơn, khẩu hiệu tranh vẽ, thi ca. Coi trọng việc ra báo bí mật và tuyên truyền miệng, có người chuyên công tác tuyên truyền trong các dân tộc thiểu số, lập Ban chuyên môn tuyên truyền.

Sau Hội nghị, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt nhưng Nghị quyết Hội nghị vẫn được phổ biến, công tác tuyên giáo của Đảng đã được thực hiện theo phương hướng mới.

Trích: Lịch sử 80 năm Ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị quốc gia, 2010, tr.37-38.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực