Trọng tâm công tác tư tưởng thời kỳ 1930-1931

Thứ tư, 01/04/2020 16:28
(ĐCSVN) – Cuốn sách Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), nhấn mạnh, ở giai đoạn 1930-1931, công tác tư tưởng đã được Đảng ta luôn luôn đặt lên vị trí hàng đầu nhằm giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, chuyển tư tưởng yêu nước của nhân dân ta theo lập trường của giai cấp công nhân.

“Cao trào cách mạng 1930-1931 và Xôviết Nghệ - Tĩnh đã khẳng định năng lực cách mạng của Đảng ta, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Tuy mới thành lập, Đảng đã vạch ra được đường lối chính trị đúng đắn, dựa hẳn vào công nông, thu hút mọi lực lượng tiến bộ, yêu nước, tiến hành cuộc đấu tranh vang dội chống đế quốc và phong kiến tay sai, tạo ra một phong trào cách mạng rộng lớn chưa từng có ở nước ta, vượt qua sự khủng bố tàn bạo của quân thù, phong trào đã phát triển thành cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng nước ta.

Như vậy, trọng tâm của công tác tư tưởng thời kỳ này là công tác tuyên truyền và đào tạo cán bộ tuyên huấn. Công tác tư tưởng đã luôn luôn được đặt lên vị trí hàng đầu nhằm giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, chuyển tư tưởng yêu nước của nhân dân ta theo lập trường của giai cấp công nhân. Công tác tuyên truyền thường xuyên tố cáo tội ác của đế quốc và tay sai, chống lại các thủ đoạn lừa bịp của chúng, chống chủ nghĩa quốc gia cải lương; đã gắn chặt với cuộc đấu tranh hằng ngày của quần chúng đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, kết hợp các khẩu hiệu kinh tế với khẩu hiệu chính trị, thông qua đấu tranh mà nâng cao trình độ chính trị, rèn luyện đảng viên và quần chúng. Đối với cán bộ, đảng viên, công tác tư tưởng đã coi trọng việc giáo dục tính chất giai cấp của Đảng, bồi dưỡng lý luận Mác - Lênin và phẩm chất đạo đức cách mạng, phân rõ ranh giới tư tưởng vô sản với các tư tưởng tư sản, tiểu tư sản, giữ vững đường lối chính trị đúng đắn, quan điểm tư tưởng vô sản, chống các ảnh hưởng tư tưởng phi vô sản, đào tạo một đội ngũ cán bộ kiên cường, trung thành, tận tuỵ với cách mạng. Các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương trong thời gian này đều chỉ ra phương hướng, nội dung công tác tuyên truyền cổ động, uốn nắn những thiếu sót, như: nội dung còn ''bông lông, mơ hồ'', thiếu thiết thực, chỉ đạo thiếu tổ chức, kế hoạch, không có báo riêng cho xí nghiệp, thiếu phóng viên công nông, v.v.”.

Trích: Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, tr.21.
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực