Bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm để thúc đẩy làng nghề phát triển

Thứ sáu, 11/11/2022 13:41
(ĐCSVN) - Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Lợi ích của bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh.

Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1068 ngày 22/8/2019 với quan điểm chỉ đạo: "Phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội".

Thực tế tại các làng nghề cho thấy, việc được bảo hộ nhãn hiệu đã giúp kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín, giữ gìn danh tiếng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất; đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm của địa phương, tăng thu ngân sách địa phương góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với người sản xuất, việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương sẽ giúp người sản xuất sản phẩm có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường; giúp nhà sản xuất duy trì được lượng khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng tiềm năng; tăng doanh số và lợi nhuận; giúp nhà sản xuất đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thuận lợi, mở rộng thị trường xuất khẩu và giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (đối với các hành vi chỉ dẫn sai lệch nguồn gốc của sản phẩm).

Đối với cộng đồng, việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương sẽ giúp phát triển nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa; phát triển các ngành nghề truyền thống và dịch vụ khác, đặc biệt là du lịch vùng; tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế di dân, giúp phát triển đều giữa các vùng kinh tế, ổn định kinh tế vùng; góp phần gìn giữ các giá trị văn hoá, truyền thống.

Đối với người tiêu dùng, việc bảo hộ thương hiệu cho đặc sản địa phương giúp người dùng có thông tin và được chỉ dẫn bởi các dấu hiệu về khu vực địa lý được gắn trên sản phẩm, yên tâm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thực từ khu vực địa lý với chất lượng được kiểm soát và tránh các rủi ro từ việc sử dụng hàng hoá giả mạo, kém chất lượng.

Một trong những hướng ưu tiên để nâng cao sức cạnh tranh cho nông, lâm, thủy sản, các sản phẩm làng nghề của Việt Nam là xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.   

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động sở hữu trí tuệ tại các địa phương đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã quan tâm đến đăng ký nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp.

Sở hữu trí tuệ - công cụ đắc lực để phát triển làng nghề

Tại Hưng Yên, nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế thúc đẩy việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội; nhất là tại các làng nghề.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mộc Thụy Lân” cho đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu Hội Nông dân xã Thanh Long. Nguồn ảnh: tapchinongthonmoi.vn 

Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1221 ngày 26/5/2021 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung rà soát, xây dựng chính sách về sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ...

Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên cũng đã thực hiện "Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Mới đây, sản phẩm "Mộc Thụy Lân" (làng Thụy Lân, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chính thức có nhãn hiệu của riêng mình và được Nhà nước bảo hộ. Đây là niềm vui lớn với bà con, bởi từ khi "Mộc Thuỵ Lân" có nhãn hiệu được bảo hộ, sản phẩm làm ra được nhiều người tìm đến, đơn hàng ngày càng nhiều hơn so với trước. Khi có nhãn hiệu tập thể "Mộc Thuỵ Lân" đã giúp nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị; đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm mộc của địa phương, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Thôn Thụy Lân hiện có hơn 200/340 hộ tham gia làm nghề mộc. Trung bình, mỗi gia đình có 1-2 lao động trực tiếp làm nghề, có gia đình 3-4 lao động làm nghề mộc. Thu nhập trung bình của người thợ đạt từ 5-7 triệu đồng/tháng, thợ có tay nghề cao thu nhập tới 10-15 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, hàng trăm lao động gián tiếp khác trong các khâu dịch vụ cung ứng nguyên liệu đầu vào và lưu thông phân phối sản phẩm đầu ra. Với mức thu nhập từ nghề mộc hiện nay, nhiều người lao động được đảm bảo cuộc sống ổn định. Do đó, người dân nơi đây không còn ý định từ bỏ nghề truyền thống, ai cũng muốn làng nghề được phát triển hơn nữa để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội làng nghề và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Hưng Yên luôn chủ động, tích cực và có nhiều giải pháp để quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 30 sản phẩm tiêu biểu, đặc thù được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội làng nghề và các tổ chức, cá nhân trong tỉnh Hưng Yên luôn chủ động, tích cực và có nhiều giải pháp để quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân tham gia sản xuất, kinh doanh các sản phẩm này. Bên cạnh đó, việc nhãn hiệu làng nghề được bảo hộ sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lấy danh nghĩa, làm ảnh hưởng tới uy tín của làng nghề. 

Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, ngày càng được biết đến là một tỉnh với nhiều sản phẩm đặc sản có chất lượng. Một số sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là Chỉ dẫn địa lý, Nhãn hiệu tập thể gắn với tên địa danh của tỉnh đã tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh và giúp người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cao Bằng hiện đã có 2 sản phẩm được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý là: Hạt dẻ Trùng Khánh, Trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng; 2 sản phẩm được cấp Nhãn hiệu chứng nhận gồm: Lê Đông Khê, Thạch đen Thạch An - Cao Bằng; 8 sản phẩm được cấp Nhãn hiệu tập thể gồm: Thịt bò H'Mông, miến dong hương rừng Phja Oắc Sơn Đông, miến dong Nguyên Bình Sản xuất từ củ dong nguyên chất, miến dong Nguyên Bình, rượu Tà Lùng, quýt Trà Lĩnh, nếp hương Bảo Lạc, vịt cỏ Trùng Khánh.

Để có được kết quả trên, những năm qua, tỉnh đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tài sản sở hữu trí tuệ phù hợp với điều kiện địa phương. Trong đó hỗ trợ kinh phí thông qua nhiệm vụ KH&CN đối với hoạt động xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với chương trình OCOP của tỉnh Cao Bằng dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Đặc sản hạt dẻ Trùng Khánh là thương hiệu lâu năm nổi tiếng khắp cả nước, là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng được người tiêu dùng ưa chuộng và được ngày càng khẳng định được chất lượng và giá trị trên thị trường nông sản Việt. Để khai thác sử dụng có hiệu quả chỉ dẫn địa lý của hạt dẻ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch về phát triển cây dẻ Trùng Khánh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chủ động cây giống đảm bảo chất lượng để hình thành vùng sản xuất tập trung cây dẻ với diện tích lớn. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản; xây dựng được nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản hạt dẻ. Từ chỗ chỉ trồng tự phát, nhận thấy cây trồng này mang hạt dẻ lại giá trị cao, lại được sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, diện tích trồng cây dẻ tăng lên theo từng năm, cây dẻ Trùng Khánh đã được trở thành cây kinh tế mũi nhọn, góp phần giảm nghèo cho bà con và đưa thương hiệu hạt dẻ Trùng Khánh vươn xa, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

 Sản phẩm miến dong được bảo hộ đã mang lại giá trị kinh tế lớn đối với người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Nguồn ảnh: backan.gov.vn

Để bảo vệ người sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo uy tín, thương hiệu sản phẩm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã giao Sở Khoa học và Công nghệ lập dự án xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn. Chưa dừng lại ở đó, để sản phẩm được chứng nhận có mức độ bảo hộ cao hơn, phạm vi rộng hơn, năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ được UBND tỉnh ủy quyền làm chủ đơn để đăng ký và quản lý quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức chỉ dẫn địa lý Bắc Kạn cho sản phẩm miến dong. Qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt theo quy định, đến nay, sản phẩm này đã được công nhận Chỉ dẫn địa lý. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với chính quyền cũng như người dân trong việc duy trì diện tích trồng dong riềng, mở rộng quy mô sản suất, nâng cao chất lượng, thương hiệu miến dong.

Còn đối với các sản phẩm được cấp Nhãn hiệu tập thể, chè Shan tuyết Bằng Phúc (Chợ Đồn) là một trong những sản phẩm duy trì và phát triển tốt thương hiệu đã được bảo hộ. Để phát huy tối ưu giá trị của cây chè Shan tuyết, các cấp, các ngành trong tỉnh Bắc Kạn cùng với chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn đã nỗ lực phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường./.

 

 

 

 

Hà Trang (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực