Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ngân hàng Thế giới (NHTG) vừa hoàn thành “Báo cáo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”. Báo cáo đưa ra một số gợi ý để Việt Nam xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (CN&ĐMST) phù hợp với tình hình hiện tại, theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp.
Nhiều dư địa cho tăng cường ĐMST
Khẳng định sự cần thiết của mô hình tăng trưởng theo định hướng ĐMST và năng suất, báo cáo chỉ rõ, Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm qua. Tăng trưởng được duy trì ở mức cao, bình quân 7% kể từ năm 1988 đã dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 5 lần, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Nhờ mở cửa thương mại và đầu tư, Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và tạo ra nhiều việc làm trong phân khúc thâm dụng lao động theo định hướng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Ngày nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất hơn 40% sản phẩm điện thoại của Samsung trên toàn cầu - thể hiện rõ thành công của chiến lược tăng trưởng của Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế do tác động của dịch COVID-19 trên toàn cầu, khoa học, CN&ĐMST ngày càng trở nên quan trọng giúp nâng cao năng lực thích ứng của doanh nghiệp và tăng năng suất. Việt Nam là một trong số rất ít các nước trên thế giới có tăng trưởng dương trong năm 2020 (IMF, 2020).
|
Kinh nghiệm quốc tế về công cụ hỗ trợ phát triển năng lực và công nghệ của doanh nghiệp.
|
Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ trên thế giới và trong nước, đặt ra nhu cầu bức thiết cần thúc đẩy ĐMST trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia. Việt Nam có khát vọng tham gia nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và theo đuổi hình mẫu phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Tuy nhiên, những thách thức về suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, tốc độ phát triển nhanh chóng về công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 đang khiến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong các chuỗi giá trị sản xuất và du lịch.
Theo báo cáo, Việt Nam còn nhiều dư địa cho tăng cường ĐMST và số hóa trong doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các DNNVV còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ, mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ.
Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng. Có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa các trong hoạt động của doanh nghiệp. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.
4 trụ cột phát triển
Trên sở sở kết quả phân tích, 4 trụ cột cải cách được xác định gồm: Chiến lược khoa học,CN&ĐMST, thiết kế chính sách và triển khai - trụ cột 1; phía cầu – trụ cột 2 (hỗ trợ nâng cấp năng lực doanh nghiệp, giải quyết điểm yếu của môi trường pháp lý, cải thiện tài trợ đổi mới/khởi nghiệp, mở rộng hạ tầng và kết nối số); phía cung – trụ cột 3 (thúc đẩy liên kết viện – trường – doanh nghiệp, cải thiện thiếu hụt về kỹ năng); tăng cường cải cách thể chế để điều phối chính sách ĐMST - trụ cột 4.
|
Nhiều nội dung của Báo cáo đã được đưa vào dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, CN&ĐMST
giai đoạn 2021 – 2030.
|
Theo đó, chính sách khoa học CN&ĐMST cần chuyển dịch theo hướng hỗ trợ ĐMST và ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; đầu tư xây dựng năng lực của chính phủ trong thiết kế và thực thi chính sách ĐMST; cần khắc phục các điểm yếu còn tồn tại của Hệ thống ĐMST Quốc gia để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và mô hình kinh doanh mới; tăng cường cải cách thể chế điều phối chính sách ĐMST;…
Báo cáo khuyến nghị, thời điểm Chính phủ chuẩn bị Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược khoa học, CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030 là thời điểm thích hợp để định hình lại quỹ đạo phát triển đất nước theo mô hình dựa trên ĐMST. Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia đã chuyển sang mô hình này.
Đồng thời, việc nâng cao năng lực doanh nghiệp nên là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tiếp cận công nghệ mới. Năng lực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cải thiện ĐMST và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việc ứng dụng thành công công nghệ mới không chỉ là việc mua máy móc, thiết bị mà phải tích hợp đầy đủ máy móc, thiết bị đó vào quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các DNNVV, bởi các doanh nghiệp này phải thích nghi nhanh chóng với những thay đổi không ngừng trên thị trường và bối cảnh phát triển, nhưng thường gặp nhiều hạn chế về tri thức, chuyên môn, năng lực tài chính. Việc hỗ trợ các DNNVV cần bắt đầu với việc cải cách các tập quán tổ chức và quản lý cơ bản, cho phép các công ty sử dụng, điều chỉnh các quy trình mới, tiến tới áp dụng các tri thức công nghệ phức tạp hơn gắn với Công nghiệp 4.0. Thu hẹp khoảng cách về năng lực có ý nghĩa quan trọng đối với việc hấp thụ công nghệ mới trong quy trình sản xuất tương tự như đối với việc phát triển các dịch vụ số.
Vậy làm thế nào để hỗ trợ tăng cường năng lực doanh nghiệp? Báo cáo đưa ra gợi ý, Việt Nam cần tham khảo mô hình của một số nước như Hàn Quốc, Colombia, Chile,… Theo đó, Các quốc gia đã triển khai thành công nhiều công cụ chính sách để tăng cường năng lực doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động ĐMST phi R&D; kết quả này ngược lại cũng thúc đẩy việc tiếp nhận và hấp thu công nghệ. Một mặt, các chính phủ muốn tăng cường nâng cấp công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng cách xây dựng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp và cung cấp thông tin, tri thức về cách áp dụng các công nghệ mới. Mặt khác, các chính phủ cũng mong muốn chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ mới từ các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công. Nhiều công cụ có thể được sử dụng trực tiếp để trang bị cho doanh nghiệp năng lực sử dụng và/hoặc tạo ra công nghệ như các dịch vụ tư vấn kinh doanh (BAS), dịch vụ đổi mới công nghệ (TES), trung tâm công nghệ, và văn phòng chuyển giao công nghệ. Cụ thể, dịch vụ tư vấn kinh doanh tập trung nâng cao năng lực hấp thụ để áp dụng công nghệ, trong khi dịch vụ đổi mới công nghệ tập trung hỗ trợ DNNVV ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa đáng kể các mô hình cho dịch vụ tư vấn kinh doanh và đổi mới công nghệ.
Báo cáo đưa ra các công việc thực hiện để cải thiện môi trường hoạt động và các yếu tố bổ trợ khác như: Tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường tiếp cận tài chính cho ĐMST và khởi nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cho ĐMST; tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sẽ cho phép sử dụng công nghệ mới để thích ứng với các mô hình kinh doanh mới;…
Để thực hiện trọng tâm chiến lược về ĐMST trong doanh nghiệp, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy sự điều phối liên ngành hiệu quả và áp dụng các thực tiễn tốt nhất trong thiết kế và thực thi chính sách ĐMST. Cần tái định hướng khung chính sách KH,CN&ĐMST ở tầm chiến lược, chuyển từ quan điểm tập trung cho hoạt động tạo ra các sản phẩm KH, CN&ĐMST dựa trên R&D sang thúc đẩy ĐMST phi R&D và phổ biến các công nghệ mới. Sự chuyển hướng chiến lược này dẫn tới các thay đổi quan trọng về thể chế./.