*Bắc Giang cơ cấu lại các nhiệm vụ khoa học - công nghệ
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh nỗ lực tạo bước chuyển biến cơ bản về năng lực, trình độ nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ của địa phương, tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ, tiếp tục đầu tư, khai thác có hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn phát triển cho khoa học - công nghệ, xây dựng các vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào, sáng kiến, sáng tạo khoa học kỹ thuật; thúc đẩy phát triển thị trường khoa học - công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước, quốc tế về khoa học - công nghệ.
|
Nông dân Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU. Ảnh: TTXVN |
Cùng với đó là cơ cấu lại các nhiệm vụ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh tái cơ cấu thu hút đầu tư, tập trung thu hút các tập đoàn lớn, tiềm lực mạnh, công nghệ hiện đại gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo thành chuỗi giá trị. Thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển gồm: Công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử, chế biến nông lâm sản, thực phẩm; công nghiệp dệt may, da giày. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp sạch. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn được hình thành, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các dự án sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: pin năng lượng mặt trời, nhiệt điện, tái chế nhựa, kim loại, hóa chất, giặt công nghiệp. Các tiến bộ khoa học và công nghệ được ứng dụng để khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý môi trường khu dân cư nông thôn, đô thị. Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về môi trường, hệ thống quan trắc tự động về môi trường; bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng 5G, tập trung vào các lĩnh vực: Bưu chính điện tử, kinh tế số, chính quyền số, dữ liệu Bigdata, Internet băng thông rộng, trí tuệ nhân tạo IoT, camera thông minh...; phát huy hiệu quả của chính quyền đô thị, chính quyền điện tử trong việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỉnh chú trọng xây dựng các mô hình đô thị thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh...; ứng dụng công nghệ 3D, 4D, công nghệ mô phỏng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội...
*Bến Tre tập trung nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng, địa phương này tập trung nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, nhất là các công nghệ nhập từ nước ngoài nhằm đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các ngành công nghiệp có lợi thế (chế biến nông lâm sản, dừa, thủy sản).
Tăng cường ứng dụng, chuyển giao nhanh các tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất, gắn với các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, Bến Tre chú trọng việc quản lý và phát triển các Chỉ dẫn địa lý được cấp bảo hộ; hoàn thành việc tạo lập các Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cua biển, tôm càng xanh, chôm chôm, xoài tứ quý... và đưa vào quản lý, phát huy hiệu quả. Ngành chức năng tỉnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tỉnh Bến Tre xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhân lực khoa học và công nghệ theo hướng bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Các cơ quan chuyên môn phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao cho địa phương.
Ngoài ra, Bến Tre phối hợp quản lý và triển khai 9 nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Hỗ trợ chuyển giao và tiếp nhận 8 quy trình công nghệ chăn nuôi bò hướng thịt nhập nội và bò lai; quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, bảo quản cỏ cho bò; phối hợp nghiên cứu tạo ra chế phẩm sinh học cải tạo và xử lý đất bị nhiễm mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm phục hồi cây sầu riêng và cây ăn quả bị ảnh hưởng của nước mặn do biến đổi khí hậu….
*Nghệ An ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý công việc
|
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An
Nguồn ảnh: baonghean.vn
|
Tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, địa phương, trong đó có ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành trong quản lý, xử lý công việc.
Theo đó, tỉnh Nghệ An đã triển khai kết nối liên thông gửi nhận văn bản trên phần mềm VNPTI-Office cho 20/20 đơn vị cấp sở, 21/21 UBND cấp huyện, 460/460 UBND cấp xã; kết nối liên thông được từ Văn phòng UBND tỉnh đến Văn phòng Chính phủ. Hiện 823 cơ quan nhà nước đã triển khai thực hiện, bao gồm các sở ban ngành, UBND cấp huyện, xã, các đơn vị sự nghiệp, các trường trung học phổ thông, cơ sở y tế tuyến tỉnh.
Đến nay, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, địa phương đã có tác dụng quan trọng, giảm được chi phí, thời gian đi lại; tạo thuận lợi, nhanh nhạỵ, kịp thời hơn trong xử lý công việc. Nghệ An đang tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Song song đó là tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để triển khai trên diện rộng, kể cả đến các xã, các cơ quan ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý các hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân. Tính riêng từ tháng 12/2019 đến nay, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tiếp nhận bằng hình thức online trên mạng 2.018 hồ sơ, trong đó đã có 54.374 hồ sơ được giải quyết.
Nghệ An cũng khẩn trương triển khai chữ ký số trong các hoạt động của các cơ quan, địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 20 sở, ban, ngành và 21 đơn vị cấp huyện, các chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở…đã được cấp Chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Toàn tỉnh hiện có 2.928 Chứng thư số tập thể, cá nhân được cấp đưa vào sử dụng.
* Bạc Liêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, Bạc Liêu đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính quyền, xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, năm 2020, Bạc Liêu phấn đấu cơ bản hoàn thiện, chuyển đổi Ipv6 trên hệ thống mạng, các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. 90% văn bản trao đổi giữa cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử. 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 60% hồ sơ công việc cấp huyện, 30% hồ sơ công việc cấp xã được tạo lập, xử lý trên môi trường mạng. 30% báo cáo định kỳ của tỉnh được gửi, nhận qua hệ thống thông tin báo cáo quốc gia. Bên cạnh đó, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết thông qua hệ thống phần mềm một cửa điện tử các cấp. 20% người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, tham gia các hệ thống thông tin chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử và hợp nhất trên các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã…
Để thực hiện mục tiêu trên, theo bà Lâm Thị Sang, Bạc Liêu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý của tỉnh về công nghệ thông tin, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử; thường xuyên rà soát, cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn và phù hợp với Khung kiến trúc chính quyền điện tử Việt Nam. Đồng thời, rà soát, cập nhật, hoàn thiện các quy định, quy chế về hệ thống thông tin dùng chung, về an toàn thông tin, sử dụng chữ ký số, các chính sách thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công do cơ quan nhà nước cấp trên môi trường mạng.
Đồng thời, Bạc Liêu tăng cường kiểm tra công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, địa phương lồng ghép trong các đợt kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh; triển khai các nội dung khuyến khích hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, tỉnh còn kiện toàn và phát huy vai trò bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thông tin; có lãnh đạo chuyên trách và chú trọng công tác xây dựng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách về đảm bảo an toàn thông tin, phòng chống tấn công mạng, giám sát, cảnh báo ứng cứu sự cố tại các Sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc…
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ tốt cho việc triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh, các ứng dụng chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu theo kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh đảm bảo an toàn thông tin theo hướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Việc làm này giúp tạo lập môi trường chia sẻ thông tin quan mạng giữa các cơ quan trên cơ sở kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị; tăng tốc độ công việc, giảm chi phí hoạt động, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng…/.