Chủ động tiếp cận công nghệ mới thúc đẩy ngành du lịch phát triển

Thứ hai, 11/10/2021 11:45
(ĐCSVN) – Trước tác động của đại dịch COVID-19, sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường.

Chuyển đổi số trong ngành du lịch – xu thế tất yếu

Dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực du lịch nhưng cũng mở ra những xu hướng mới trong hoạt động của ngành. Theo đó, chuyển đổi số trong ngành du lịch là một xu thế tất yếu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch khai thác hiệu quả hơn các giá trị gia tăng từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn.

leftcenterrightdel
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững hơn. Ảnh minh họa. Ảnh: HL/CPV 

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đại dịch COVID-19 đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược để có thể nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát, chuyển đổi số chính là một phần của chiến lược này. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách. “Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh” – Ông Vũ Thế Bình khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, trên thế giới, ngành du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử, với kinh tế chia sẻ, du lịch dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Ngoài ra, chuyển đổi số làm thay đổi khái niệm du lịch truyền thống, từ mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị cho tới hệ sinh thái giá trị toàn cầu, làm chuyển đổi quá trình giao tiếp với khách du lịch và marketing dịch vụ du lịch, đồng thời mở ra những cách thức mới, có tính sáng tạo cao trong việc cung cấp dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), hiện nay, du khách chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại di động thông minh nhỏ gọn để tìm kiếm đủ mọi thông tin, dịch vụ, cho nên ngành du lịch phải coi trọng vai trò của các thiết bị điện tử. Chính vì thế, một nền tảng dữ liệu lớn rất cần thiết. Ông Lê Tuấn Anh cho rằng, phải làm sao cho hình ảnh của du lịch hấp dẫn hơn, đẹp hơn, đặc biệt là trên các thiết bị di động thông minh.

Chủ tịch HG Holding Ngô Minh Đức cũng chia sẻ: Trong bối cảnh du lịch và hàng không quốc tế gần như tê liệt vì đại dịch, chuyển đổi số đối với ngành du lịch Việt Nam là rất quan trọng. Muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp du lịch Việt, các doanh nghiệp trước hết cần xây dựng được sản phẩm tốt và tử tế, đặt khách hàng làm trọng tâm, đặc biệt là xây dựng được những sản phẩm nền tảng. Bên cạnh đó, cần xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam. Điều quan trọng là phải biết ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm thông qua phát triển nội dung trên website với các công nghệ hiện đại; sử dụng mạng xã hội để đưa thông tin và giao tiếp với khách hàng, nâng cao chất lượng trải nghiệm với các ứng dụng di động; hợp tác với các nền tảng số và các sàn giao dịch điện tử.

 Chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới để phát triển bền vững

Trên thực tế, một vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi số ngành du lịch đã được nhắc đến, một số địa phương và doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp cận, tuy nhiên còn rải rác, thiếu tập trung và chưa triệt để. Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch càng thấy rõ hơn tầm quan trọng và cấp bách của việc chuyển đổi số. Công nghệ số không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành gọn nhẹ, nhanh chóng mà còn đóng góp tích cực trong việc bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử.

Trong ngành du lịch, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ để chi tiết hóa những chính sách đến mức cá nhân giúp tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng và thúc đẩy bán hàng. Phân phối khách hàng qua ứng dụng công nghệ cũng là công cụ hợp nhất tiếp thị và bán hàng, tạo ra tương tác khách hàng, thiết lập quy trình bán hàng, đáp ứng nhu cầu của họ. Khi xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, doanh nghiệp có thể dựa vào đó khai thác tốt hơn dữ liệu từ khách hàng.

leftcenterrightdel
Công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) đang là xu hướng quảng bá du lịch được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Ảnh: Theo hanoimoi.com.vn 

Liên quan đến chuyển đổi số ngành Du lịch, một số chuyên gia cho hay, ứng dụng các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và trí tuệ nhân tạo (AI) là những xu hướng cho thấy hiệu quả cao nhưng cũng đòi hỏi một chiến lược dài hạn và phụ thuộc vào chiến lược tái đầu tư của doanh nghiệp. Hiện nay, ứng dụng các công nghệ này đã và đang mang lại cho ngành du lịch những công cụ vô cùng hữu ích như Chatbot, VR, AR...

Trong đó, VR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác, hỗ trợ người xem quan sát và xây dựng một môi trường nhân tạo dựa trên thực tế và sự tương tác với xung quanh. AR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác dựa trên video thực tế, sau đó hỗ trợ bằng đồ họa để dễ nhận biết. Để tăng hiệu quả, việc sử dụng kính VR, AR và xây dựng trang web theo mô hình 3D giúp người xem có những trải nghiệm thực tế như đi lại, tham quan, tương tác với địa danh... khiến họ hứng thú tìm hiểu địa điểm chưa từng đến hoặc đang tham khảo.

Chatbot là phần mềm mô phỏng một thực thể - bản sao tương tác với con người thông qua văn bản, âm thanh hoặc cả hai; đồng thời nơi xuất hiện có thể trên website, ứng dụng di động và loa thông minh. Lợi ích của Chatbot là dịch vụ nhanh chóng, cá nhân hóa, tăng hiệu quả hoạt động, chức năng đa ngôn ngữ, phân tích phản hồi khách hàng... Chatbot cho phép người dùng đặt vé máy bay, phòng, xác định vị trí khách lựa chọn đề xuất du lịch tốt nhất. Xu hướng phát triển của Chatbot sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, dự báo nhu cầu khách hàng, phát triển mạnh chất lượng. Ở Việt Nam, phần lớn khách du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng Chatbot, mở ra cơ hội mới cho ngành Du lịch với những cải tiến và ứng dụng tự động hóa trong tương lai. Thành phố Đà Nẵng đã phát triển Chatbot Danang FantastiCity là kênh tra cứu thông tin du lịch tự động trên tin nhắn...

Có thể nhận thấy, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp du lịch phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm con đường phát triển bền vững hơn trong bối cảnh bình thường mới. Sự chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới sẽ giúp ngành du lịch vượt qua được khó khăn, sớm khôi phục lại thị trường./.

LM
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực