Đẩy mạnh áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng

Thứ hai, 12/10/2020 10:30
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2010 - 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến, nâng cao như: Lean, TPM, Kaizen…; hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp với công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương để chia sẻ, nhân rộng.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Chương trình nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Từ đó tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình đã đánh dấu bước đi mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam. Đặt trong bối cảnh năng suất lao động bình quân của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành một chương trình riêng biệt với tầm nhìn 10 năm là hết sức quan trọng và cần thiết.

 Ảnh minh họa.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, trên 12.000 tiêu chuẩn quốc gia đã được hoàn thiện theo hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc tế với tỷ lệ lên đến 60%. Cùng với đó, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với 800 quy chuẩn đã trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến, nâng cao như: Lean, TPM, Kaizen...; đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp với công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương để chia sẻ, nhân rộng.

Nhờ đó, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng đã không ngừng được lan tỏa. Nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình cũng đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quan trọng hơn cả, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp. Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP và các công cụ cải tiến TPM, Kaizen, Lean… đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp 

Phát huy những kết quả đạt được, mới đây, tại Quyết định 1322/QĐ-TTg, ngày 31/8/2020,Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, điều hành hoạt động của Chương trình; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan thường trực Chương trình.

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng.
(Ảnh minh họa. Nguồn:tapchitaichinh.vn)

Giai đoạn 2021 - 2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011 - 2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chương trình đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cần tập trung thực hiện về: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; Đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng.

Đối với mỗi nhiệm vụ đều có các giải pháp triển khai cụ thể. Trong đó, có các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; Tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh…

Với việc triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế./.

Uyên Mai
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực