Đẩy mạnh các hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

Thứ sáu, 05/08/2022 14:24
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) nói chung, hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) nói riêng của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật về SHTT

SHTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Giá trị gia tăng mà tài sản trí tuệ mang lại cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội ngày càng cao. Xác định rõ điều này, hằng năm, Sở KH&CN Bắc Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về SHTT để nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong đó, thường xuyên cập nhật đầy đủ các thông tin về SHTT lên trang website: https://skhcn.bacgiang.gov.vn; tuyên truyền, phổ biến kiến thức SHTT trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang, Báo Bắc Giang; phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương (TTXVN, Truyền hình Nhân dân, Báo Công Thương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử VTC News, Báo Khoa học và Phát triển...) xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh (vải thiều Lục Ngạn, na dai Lục Nam, gà đồi Yên Thế, chè Bản ven, mỳ Chũ, gạo thơm Yên Dũng...); qua đó các sản phẩm của Bắc Giang tiếp cận được người tiêu dùng, khẳng định được danh tiếng và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Một hội nghị tập huấn về SHTT cho thành viên các hợp tác xã, tổ, hội sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa do Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức. (Ảnh:baobacgiang.com.vn)

Sở KH&CN Bắc Giang cũng đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn cung cấp hình ảnh chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn cho Nhật Bản, xây dựng video về vải thiều Lục Ngạn phục vụ hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên website của Bộ Nông - Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản tới người tiêu dùng Nhật Bản, đồng thời cung cấp cho Tổ chức SHTT thế giới tham gia triển lãm ảo về chỉ dẫn địa lý.

Công tác đào tạo, tập huấn về SHTT được quan tâm. Năm 2021, Sở KH&CN đã phối hợp với Cục SHTT tổ chức 04 hội nghị về lĩnh vực SHTT với hơn 500 học viên. Các đối tượng tham gia là cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp đã và đang có ý định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; hiệp hội, HTX, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản, chủ lực, đặc trưng của địa phương. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp về kiến thức cũng như các quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp; giúp cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp có những nhận thức đúng về vai trò của SHTT trong hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Chú trọng tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động đăng ký, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ nhằm mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện, đồng bộ cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ, xây dựng, phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Tính đến quý I/2022, tỉnh Bắc Giang có 2.569 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.284 Giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 84 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 57 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 45 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 11 văn bằng bảo hộ độc quyền. Đáng chú ý, tỉnh đã có 3 chỉ dẫn địa lý, 6 nhãn hiệu chứng nhận và 67 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm. Một số sản phẩm tiêu biểu của tỉnh đã được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài như: Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ tại 08 quốc gia (Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Mỹ); mỳ Kế được bảo hộ tại 05 quốc gia (Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc); mỳ Chũ được bảo hộ tại 05 quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia). Sản phẩm gà đồi Yên Thế được bảo hộ tại 03 quốc gia (Trung Quốc, Lào, Singapore). Đặc biệt, năm 2021, sản phẩm vải thiều Lục Ngạn là nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong thời gian qua được thực hiện thường xuyên, liên tục, trách nhiệm, có hiệu quả, qua đó các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện và mất ít thời gian, chi phí hơn.

Trên cơ sở Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, thời gian tới, Sở KH&CN Bắc Giang xác định nhiệm vụ tiếp tục tích cực tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về SHTT trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 488/KH-UBND ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược SHTT dến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Rà soát, xây dựng cơ chế tài chính, chính sách đặc thù của tỉnh về hỗ trợ, phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của địa phương./.

Tú Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực