Đẩy mạnh hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ sáu, 29/07/2022 08:51
(ĐCSVN) - Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm khoa học và công nghệ trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Hội thảo “Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo” do Bộ KH&CN phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức diễn ra chiều ngày 28/7. Ảnh : Mạnh Xuân 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đổi mới sáng tạo là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025. Đây là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Quan điểm và các mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong giai đoạn sắp tới cũng được đề ra cụ thể tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

Phát biểu tại Hội thảo "Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo" diễn ra chiều 28/7, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới của phát triển kinh tế, tập trung vào tăng năng suất, hiệu quả, đòi hỏi tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Với triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc trong trích lập, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ tại doanh nghiệp để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung: chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực trạng hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và địa phương trong nghiên cứu, chuyển giao, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, là những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách và mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng những kinh nghiệm liên quan tới chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo. GS.TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm khoa học và công nghệ trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Với tiềm lực về hạ tầng, nhân lực và mạng lưới đối tác rộng khắp trong nước và quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai một số chính sách tiêu biểu như: Ưu tiên đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển sản phẩm ứng dụng trọng điểm, phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều điều kiện thuận lợi trong tổ chức và hoạt động. Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có khoảng 175 sản phẩm khoa học và công nghệ tiềm năng có khả năng chuyển giao và thương mại hóa.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 với quan điểm “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội”; thành lập Kênh hợp tác và phát triển doanh nghiệp và phát triển thành điểm kết nối cung-cầu khoa học và công nghệ của đơn vị các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các khu công nghệ cao…

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. Ảnh: Nam Du 

Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng Trần Quang Tuấn cho biết, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng sàn giao dịch khoa học và công nghệ, khảo sát nhu cầu, tạo lập mạng lưới kết nối cung-cầu trong và ngoài nước. Theo đó, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đề xuất đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ biển, đặc biệt là công nghệ khai thác năng lượng biển, công nghệ sinh vật biển và hậu cần nghề cá của địa phương, công nghệ chế biến thủy hải sản, công nghệ đóng tàu, logistics, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển…

Về chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Phạm Thế Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong khuôn khổ đề án "Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, triển khai Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 và Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030. Các chương trình, đề án đã hình thành hành lang pháp lý và chuỗi hỗ trợ có hệ thống, tập hợp được nguồn lực cần thiết trong, ngoài nước để hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

Để các chương trình, đề án đi vào thực tiễn, cần có sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp nhằm triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của doanh nghiệp và nền kinh tế. Hoạt động hỗ trợ, tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo là cần thiết, quan trọng, giúp doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hội nhập với quốc tế. Ông Phạm Thế Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá cao ý kiến trao đổi tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, thông qua các nội dung trao đổi tại Hội thảo, đại biểu đã làm rõ bức tranh chuyển đổi số trong các lĩnh vực cũng như ứng dụng khoa học và công nghệ để phát huy thế mạnh địa phương./.

Liên Phương (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực