Đẩy mạnh kết nối đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI

Thứ hai, 11/10/2021 11:46
(ĐCSVN) – Theo nhiều chuyên gia, việc kết nối những người làm trí tuệ nhân tạo (AI) trong các viện, trường và doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết để Việt Nam từng bước tiệm cận, làm chủ công nghệ về AI.

Phát triển cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0. Những năm trở lại đây, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội, thay đổi cán cân quyền lực kinh tế, quân sự, chính trị. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu hướng phát triển này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia cập nhật các công nghệ mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, Việt Nam không có đủ nguồn lực để có thể tập trung nghiên cứu phát triển một công nghệ hoàn toàn mới như AI mà đòi hỏi sự cộng hưởng, hỗ trợ từ nhiều cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu để tạo ra cộng đồng về AI của Việt Nam. Có như vậy, người Việt mới thực sự làm chủ công nghệ AI hay các sản phẩm dựa trên AI.

 Nghiên cứu giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Tập đoàn Công nghệ CMC. Ảnh: Nhật Nam

Chia sẻ tại Tọa đàm "Hợp tác và kết nối phát triển cộng đồng AI" diễn ra ngày 7/10 vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Đại học Công nghệ (Đại học QGHN), đưa ra bức tranh tổng quan về thực trạng phát triển cộng đồng AI của Việt Nam so với thế giới .

Dẫn câu chuyện từ người máy nổi tiếng Sophia, GS Thủy cho biết phát triển cộng đồng AI không chỉ bao gồm con người mà còn có cả những người máy thông minh. Trên thế giới, cộng đồng AI được phát triển khá tự nhiên, gồm 4 trụ cột: những người làm nghiên cứu, nhà khoa học trong trường, viện nghiên cứu; nhà phát triển công nghệ đến từ các tập đoàn công nghiệp, đội ngũ triển khai ứng dụng và đặc biệt là người sử dụng các sản phẩm AI.

Phân tích về cộng đồng triển khai ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau, ông Thủy cho biết, cứ 30 người làm về phần cứng và phần mềm thì có một người làm về AI (chiếm tỷ lệ 3,3%). Ông cho biết, đội ngũ nhà nghiên cứu, phát triển chỉ chiếm 6%, còn lực lượng những người triển khai ứng dụng và sử dụng trực tiếp chiếm 94%. Theo ông, thông tin này giúp định hướng cho phù hợp để phát triển cộng đồng AI tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, đội ngũ tham gia phát triển công nghệ, triển khai ứng dụng có khoảng 700 người, trong đó nhân lực sử dụng trực tiếp ở mức 650. Như vậy tổng số hiện có mới chỉ đạt 1.350, trong đó có 300 thạc sĩ trở lên. Nếu so với 180.000 người làm trong lĩnh vực CNTT thì tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 1/1000 và so với thế giới (3,3%). Theo GS Thủy, con số này là rất ít.

Theo GS Thủy, thực trạng này đang dần được cải thiện. Sự hình thành liên minh hợp tác và phát triển AI của Việt Nam, trong đó thể hiện qua việc cộng đồng những nhà nghiên cứu và triển khai AI trong nước đã cùng các chuyên gia hàng đầu trên thế giới tổ chức các hội nghị quốc tế mang tính chất định hướng. Năm 2018 đánh dấu sự kiện A14Life lần đầu được tổ chức tại Đại học Công nghệ. Kể từ đó sự kiện quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI4VN) được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thường niên, hay sự kiện liên quan doanh nghiệp như Zalo AI Summit, VietAI Summit…

Sự hình thành các cộng đồng về phát triển công nghệ AI tại các tập đoàn có thể nhắc tới các tập đoàn hàng đầu như FPT, CMC, Viettel, VNPT, VIN,… Đây là những nơi đã triển khai và đã hình thành được nền tảng có tính dẫn dắt thị trường về ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn cũng phối hợp với các địa phương triển khai, phát triển công nghệ AI: Chương trình nghiên cứu, triển khai AI của TP HCM giai đoạn 2020 – 2030; tại Quy Nhơn đang có sự phối hợp với tập đoàn FPT và đang hình thành FPT.AI. Đại học quốc gia TP HCM cũng đã xây dựng các trung tâm AIC là trung tâm về AI, ở Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Hàn lâm CNTT cũng đã có trung tâm AI. Đây là những động tác rất quan trọng về thúc đẩy cộng đồng nghiên cứu và phát triển AI ở Việt Nam.

Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) chính thức được ra mắt Trung tâm ươm tạo chuyên về AI (AI Innovation Hub) tháng 10/2020. Nguồn ảnh: vista.gov.vn

Đẩy mạnh kết nối để công nghệ AI bứt phá

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ AI, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Chiến lược được Chính phủ phê duyệt tháng 1/2021 nhằm tạo ra "cú hích" cho sự phát triển AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành những điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Kế hoạch triển khai “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Một trong các nhiệm vụ đặt ra tại Kế hoạch là mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng AI, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu, cộng đồng nghề nghiệp phát triển và ứng dụng AI và khoa học dữ liệu (KHDL) trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch, Bộ sẽ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AI; triển khai mạnh mẽ hình thức hợp tác công-tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng AI; đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và KHDL trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về AI và KHDL trong các trường đại học, viện nghiên cứu công lập; thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về AI, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về AI trên thế giới.

Kế hoạch cũng sẽ triển khai nhiệm vụ, giải pháp là thúc đẩy hình thành các nhóm chuyên môn mở trong các lĩnh vực, cho phép rút ngắn thời gian hoàn thành các kết quả nghiên cứu; thúc đẩy sử dụng dùng chung, chia sẻ, mở dữ liệu, công nghệ và ứng dụng AI theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành để đẩy nhanh tốc độ hình thành các kết quả và nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực khác; tập huấn rộng rãi các nền tảng mở về dữ liệu và ứng dụng AI; thúc đẩy các cộng đồng, diễn đàn nguồn mở về AI; khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng viện nghiên cứu, trường đại học triển khai nghiên cứu, phát triển sản phẩm AI đặc thù của Việt Nam.

Cùng với đó Kế hoạch đặt ra mục tiêu tổ chức các chuỗi sự kiện về AI; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trong nước tham gia các hội thảo, triển lãm, kỳ thi quốc tế về AI; tham gia tổ chức và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học song phương và đa phương về AI; thúc đẩy phát triển cơ sở, trung tâm hợp tác nghiên cứu AI; các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài về AI.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi xướng Khởi động mạng lưới hợp tác về trí tuệ nhân tạo Việt - Úc (Vietnam - Australia AI). Mạng lưới hợp tác về trí tuệ nhân tạo được khởi động nhằm tập hợp các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động về AI tại Việt Nam cùng hợp tác với Úc, làm tiền đề xây dựng một cộng đồng hợp tác bền vững về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, cũng như quốc tế trong tương lai.

Hoạt động của mạng lưới là xây dựng và tạo cơ hội cho nhân lực ngành AI, kết nối cộng đồng nghiên cứu và tiếp cận với các thông tin chính sách, chương trình hỗ trợ AI của nhà nước, trước mắt là của Bộ Khoa học và Công nghệ. Các doanh nghiệp tham gia có cơ hội hỗ trợ kết nối chuyên gia tìm giải pháp ứng dụng AI; kết nối các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước học hỏi kinh nghiệm triển khai và chuyển giao công nghệ, cung-cầu giải pháp về AI.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: Bước đầu, mạng lưới sẽ xây dựng phần mềm quản lý và không gian cộng đồng trực tuyến để các thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ, chia sẻ, đóng góp và phát triển ngành AI tại Việt Nam. Sau đó, mạng lưới sẽ mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia khác và hướng tới xây dựng một cộng đồng AI bền vững với nhiều hoạt động phát triển ngành khoa học máy tính tại Việt Nam./.

 
Thanh Phương (th)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực