Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch

Thứ sáu, 20/08/2021 15:32
(ĐCSVN) - Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng chống dịch COVID-19 thông qua các ứng dụng thiết thực.
Thủ nghiệm robot vận chuyển nhu yếu phẩm cho người bệnh. Ảnh: nhandan.vn 

Tại Việt Nam, AI đang phát huy sức mạnh trong cuộc chiến chống COVID-19 với nhiều sản phẩm được đánh giá là hỗ trợ đắc lực cho đội ngũ phòng, chống dịch. Điển hình là việc ứng dụng AI trong việc truy vết người tiếp xúc đã phát huy hiệu quả khi có ổ dịch hoặc ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, giúp đội ngũ y tế điều tra lịch trình, lấy thông tin dịch tễ. Đặc biệt, khi số lượng ca lây nhiễm trong cộng đồng lớn, việc nhập liệu từ các bản khai giấy mất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn, công nghệ chuyển hình ảnh thành văn bản với sự hỗ trợ của AI đã giúp số hóa toàn bộ tờ khai, phiếu điều tra dịch tễ và đưa lên hệ thống. 

Hệ thống bản đồ dịch tễ, phần mềm đánh giá nguy cơ lây nhiễm cũng phát huy hiệu quả tại các địa phương có dịch. Trên bản đồ này, người dùng theo dõi được nơi người bệnh đã đến, các khu vực cách ly, khu vực bệnh viện... một cách trực quan.

Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã kích hoạt phần mềm đánh giá nguy cơ lây nhiễm, hỗ trợ cho khu vực có nhiều doanh nghiệp và các khu công nghiệp. Hằng ngày, các doanh nghiệp truy cập vào trang web để khai báo trực tuyến các đánh giá về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại doanh nghiệp. Hệ thống sẽ tính toán nguy cơ lây nhiễm, sau đó xếp hạng hoặc khuyến cáo. Ðiều này giúp các doanh nghiệp tổng hợp, theo dõi, chỉ đạo kịp thời để bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi dịch bùng phát việc ứng dụng AI trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả không nhỏ. Như Sở Thông tin truyền thông triển khai callbot ứng dụng AI cho tổng đài 1022 để gia tăng kết nối khi người dân gọi đến tổng đài nhờ hỗ trợ, giải đáp những vấn đề liên quan đến COVID-19. Hiện nay, để hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người dân về dịch bệnh COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông đã thiết lập các nhánh hỗ trợ trên Tổng đài “1022” như: nhánh số 3 - Tư vấn sức khỏe của Hội Y học TP Hồ Chí Minh; nhánh số 4 – Tư vấn sức khỏe của Mạng lưới bác sĩ đồng hành.

Ngoài ra, các đơn vị cũng phối hợp xây dựng Hệ thống tư vấn tự động (chatbot) tích hợp trên Hệ thống Khai báo y tế điện tử của thành phố và Cổng thông tin 1022 để tư vấn sức khỏe cho người dân, hệ thống sẽ được kết nối với Mạng lưới bác sĩ đồng hành để liên hệ xử lý các trường hợp chatbot không thể trả lời được cho người dân.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng, giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: TL 

Đặc biệt, khi hệ thống các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh quá tải, các trường hợp F0 cách ly tại nhà thì phần mềm tiếp nhận, xử lý, tư vấn, hỗ trợ các yêu cầu chăm sóc y tế đã giúp các Trạm y tế lập “phiếu theo dõi sức khỏe” của người cách ly tại nhà dựa vào thông tin khai báo y tế hàng ngày của người cách ly qua ứng dụng “Hệ thống khai báo y tế điện tử”. Qua “phiếu theo dõi sức khỏe” để nắm bắt các trường hợp F0 có triệu chứng, nhân viên y tế gọi điện thoại/nhắn tin để thăm hỏi và sàng lọc các triệu chứng nguy cơ, kịp thời thông tin cho tổ phản ứng nhanh của phường, xã, quận, huyện đến vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện quận, huyện để điều trị.

Ngoài ra, đối với các trường hợp nghi ngờ F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trên địa bàn (người già neo đơn, người có bệnh lý tâm thần,…), Đội Y tế lưu động (thuộc Trạm y tế) thực hiện đến thăm khám tại nhà để kịp thời đưa đến các cơ sở thu dung điều trị.

Cùng với đó, Giải pháp "Công nghệ IoT kết hợp trí tuệ nhân tạo AI nhằm kiểm soát đồng thời nhóm người tại khu vực cách ly, bệnh viện, khu công nghiệp, cửa khẩu, khu tập trung đông người trong phòng chống dịch COVID-19" do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Xuân Đà (Khoa Y, Đại học Quốc gia TP. HCM) thực hiện vừa được giới thiệu. Theo đó, hệ thống theo dõi được thiết kế dưới dạng những cabin đặt ở nơi mọi người phải đi qua như cổng chung cư, cổng bệnh viện, cửa ra vào các cao ốc văn phòng, khu vực cách ly, khu vui chơi giải trí… Cabin này trang bị hệ thống giúp nhận dạng khuôn mặt và kiểm tra thân nhiệt nhiều người cùng một lúc.

Ðến nay, một số giải pháp vẫn tiếp tục được nghiên cứu phát triển. Trong đó phải kể đến đến mô hình xét nghiệm mới, cho phép AI đọc các tần số hấp thụ, phát hiện bất thường trong mẫu nước muối súc miệng của người cần tầm soát COVID-19 đang được Bkav phối hợp với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương phát triển. Nếu thành công, sẽ giúp thay đổi chiến lược chiến đấu với COVID-19, hạn chế được khó khăn trong lấy mẫu xét nghiệm hiện nay. Cùng với đó, ứng dụng camera AI vào việc xác định các đối tượng nhập cảnh trái phép; theo dõi hoạt động giãn cách ở những nơi công cộng, trong các khu cách ly; phát hiện người không đeo khẩu trang, những nơi đông người tụ tập… Hay từ dữ liệu có được qua các đợt dịch bệnh, AI có thể phân tích, đưa ra những dự đoán về quy mô tiếp theo của đợt dịch, đưa ra các kịch bản theo thời gian thực giúp cơ quan chức năng chủ động ứng phó, khoanh vùng dịch bệnh… giúp giảm gánh nặng cho đội ngũ y tế, lực lượng phòng chống dịch và dịch bệnh sớm được kiểm soát./.

H.Mai (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực