Để làm rõ hơn những kết quả này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Hoan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định.
|
Ông Trần Minh Hoan - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định |
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết một số vấn đề trọng tâm trong đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số tại tỉnh Nam Định hiện nay?
Ông Trần Minh Hoan: Báo cáo chính trị Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Ngày 22/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 122 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định cơ bản hoàn thành chuyển đổi số gắn với các dịch vụ đô thị thông minh kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc.
Để thực hiện mục tiêu trên, chúng tôi tập trung triển khai các công việc trọng tâm về đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số tại tỉnh hiện nay.
Về xây dựng chính quyền số, hình thành và phát triển đô thị thông minh, Nam Định chú trọng phát triển hạ tầng số, nền tảng số thông qua hoàn thiện trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu; các cơ quan, đơn vị, các ngành tập trung số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan bảo đảm tập trung, thông suốt; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy, ký số,... nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh; Xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số; Ứng dụng triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với cơ quan hành chính góp phần nâng cao chỉ số xếp hạng về chính quyền số của tỉnh; Xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số cho 1-2 xã; 1-2 huyện/thành phố, trước mắt đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục, doanh nghiệp,... Tính đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xây dựng và đi vào hoạt động, cung cấp gần 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trên cổng dịch vụ công là 243.383 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 24.655 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,98%. Hệ thống công nghệ thông tin được xây dựng tập trung, triển khai đến 100% cơ quan Nhà nước 3 cấp từ tỉnh đến cấp xã. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được hoàn thiện đảm bảo phục vụ trên 200 nghìn người truy cập cùng một thời điểm; đáp ứng việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước 3 cấp của tỉnh và 16 phần mềm, cơ sở dữ liệu khác.
Về phát triển kinh tế số, Nam Định ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Trong lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đổi mới công nghệ áp dụng các công cụ hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh. Đối với nông nghiệp, ưu tiên ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương, như: Lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, khoai tây, ngao, tôm, cá; một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; các sản phẩm OCOP của địa phương. Về du lịch, ứng dụng triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm như: khu di tích đặc biệt quốc gia đền Trần - chùa Tháp; Khu di tích Phủ Dầy; chùa Cổ Lễ,… Chuẩn hóa nội dung số kết hợp công nghệ 3D, 4D để giới thiệu về điểm đến, các tour tuyến du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh. Gắn mã QR-Code cho các điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh gắn với nền tảng du lịch thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận nhanh, sinh động, chính xác, đầy đủ thông tin về điểm đến.
Về phát triển xã hội số: Trong giáo dục và đào tạo, chú trọng nghiên cứu, ứng dụng đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Số hóa tài liệu, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; Đối với lĩnh vực y tế y tế, ứng dụng, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, tư vấn, chữa bệnh từ xa, từng bước xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh, hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng dựa trên nền tảng công nghệ số; Về văn hóa, ứng dụng công nghệ quảng bá các sản phẩm văn hóa, lịch sử; xây dựng hình ảnh, văn hóa của tỉnh trên không gian mạng.
|
Giám đốc Sở KH&CN Nam Định Trần Minh Hoan (giữa) tại Diễn đàn KH&CN với Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp |
PV: Ông có thể cho biết những kết quả về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương trong thời gian qua?
Ông Trần Minh Hoan: Để thực hiện nhiệm vụ ngành khoa học và công nghệ, trong năm 2021-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã tổ chức quản lý, triển khai trên 70 nhiệm vụ KHCN, trong đó có 4 nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình Nông thôn, miền núi. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo được thực hiện theo phương châm ứng dụng nhanh, rộng rãi, có hiệu quả và bền vững để phục vụ phát triển KT-XH. Chủ thể là các tổ chức KHCN, các viện, trường; doanh nghiệp là trung tâm ứng dụng chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các nhiệm vụ KHCN được triển khai phục vụ phát triển các ngành/lĩnh vực: Nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; công nghiệp và xây dựng; tài nguyên và môi trường; y tế và giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; khoa học xã hội và nhân văn,...
Lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn: Các nghiên cứu và ứng dụng đều hướng tới việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn và sản xuất theo chuỗi, cụ thể như: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại Thịnh Long, nuôi tôm hữu cơ tại Giao Thuỷ, chọn tạo và phân lập các chủng vi sinh, các loại tảo bản địa phục vụ nuôi ngao và tôm nhằm nâng cao chất lượng con giống cũng như nuôi thương phẩm, hoàn thiện và phát triển thương hiệu “Mật ong rừng Sú -Vẹt vườn quốc gia Xuân Thủy” thông qua hoạt động quản lý và ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch,...
Lĩnh vực công nghiệp: Đã hỗ trợ hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng tại công ty Quyết Tiến, sản phẩm nghiệm thu đạt chất lượng và bước đầu được đánh giá rất cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và thương mại hoá sản phẩm.
Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Các nghiên cứu và ứng dụng tập trung vào các vấn đề cấp thiết nhằm quản lý hiệu quả tài nguyên, hạn chế mức ô nhiễm môi trường như: Xác định ngưỡng giới hạn an toàn phục vụ khai thác bền vững nước dưới đất tầng chứa nước lỗ hổng Pleistoxene vùng Nam Định; Xây dựng mô hình khôi phục rừng ngập mặn bằng các loại cây có khả năng thích nghi tốt hơn tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ như: Bần chua; Bần không cánh; Đánh giá ô nhiễm làng nghề cơ khí Xuân Tiến và xây dựng mô hình thí điểm hệ thống xử lý nước thải làng nghề.
Lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh nhằm nâng cao công tác cải cách hành chính, xây dựng trường học thông minh, đô thị thông minh, một số nhiệm vụ KH&CN đã triển khai như: Hỗ trợ triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh trong giáo dục tại 04 trường tiểu học, trung học, phổ thông trung học trên địa bàn tỉnh; Xây dựng mô hình dạy học kết hợp tại trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong và một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định; Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nam Định; Phát triển công nghệ xây dựng xã thông minh tại tỉnh Nam Định.
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Các nghiên cứu hướng tới vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa, thuần phong mỹ tục, nâng cao chất lượng dạy học với một số nhiệm vụ tiêu biểu như: Sưu tầm, biên dịch và xuất bản di văn Hán Nôm tỉnh Nam Định; Nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; Nâng cao hiệu quả quản lý các cơ sở, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Nam Định,...
Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe: Chủ yếu tập trung xây dựng các mô hình nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân, với một số nhiệm vụ tiêu biểu như: Mô hình phát hiện sớm và quản lý bệnh tăng huyết áp áp và đái tháo đường; Mô hình dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại vùng ven biển.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức bằng nhiều hình thức cho các tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời trực tiếp hỗ trợ tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển cho rất nhiều đặc sản địa phương (ưu tiên các sản phẩm OCOP). Qua đó nâng cao vị thế của các sản phẩm đặc sản trên thị trường, góp phần đem lại lợi ích kinh tế, điển hình như nhãn hiệu tập thể Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định...
|
Hội nghị "Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Nam Định", diễn ra ngày 25/4/2022 |
PV: Hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nam Định trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Minh Hoan: Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tiếp theo là ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi số. Mỗi cơ quan, tổ chức cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực.
Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi chú trọng hoàn thiện và ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học, công nghệ và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong chuyển đổi số vào sản xuất và đời sống nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, khai thác có hiệu quả lợi thế của từng vùng, địa phương. Đồng thời, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; công cụ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hoá; hỗ trợ các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, phát triển kênh thương mại; hỗ trợ tham gia giải thưởng Chất lượng Quốc gia, giải thưởng Chất lượng quốc tế, các giải thưởng KHCN, các giải thưởng bình chọn về chất lượng và thương hiệu, các hội chợ triển lãm liên quan đến lĩnh vực KHCN; hỗ trợ đổi mới, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, phát triển thị trường KHCN, doanh nghiệp KHCN; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!