Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai

Thứ sáu, 21/10/2022 14:06
(ĐCSVN) - Tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra ngày càng có xu hướng cực đoan, bất thường cả về cường độ, tần suất và không tuân theo quy luật. Bởi vậy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong những hướng đi đang được các địa phương quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại rủi ro do thiên tai.

Thanh Hóa: Phát huy hiệu quả hệ thống trạm đo mưa tự động

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước trang bị các thiết bị công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.

Được sự hỗ trợ của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Ngân hàng Thế giới, Quỹ cộng đồng phòng tránh thiên tai miền Trung..., Thanh Hóa đã lắp đặt 94 trạm đo mưa tự động, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Các trạm đo mưa này được ứng dụng công nghệ cao, tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của Tổng cục Khí tượng thủy văn. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện miền núi (Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa); thành lập trung tâm thu nhận, xử lý, tính toán và ra bản tin cảnh báo mưa lớn có khả năng gây lũ quét... Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm đo mưa tự động đã cung cấp số liệu kịp thời, phản ánh chính xác diễn biến, cường độ mưa của từng khu vực trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó thiên tai. Hỗ trợ các địa phương chủ động hơn trong việc sơ tán dân và triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hộ đê, hồ đập...

Trong lĩnh vực thủy lợi, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng bản đồ số hóa hệ thống công trình đê điều, hồ đập, bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ, bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá khu vực miền núi; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về phòng, chống thiên tai, phục vụ việc chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh khi có thiên tai xảy ra, bao gồm: kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, số liệu tổng hợp về sơ tán dân cư khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai xảy ra; tổng hợp nhân sự, vật tư, phương tiện nhu yếu phẩm phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai... Đặc biệt, việc kết nối phòng họp trực tuyến của Ban Chỉ huy Phòng, chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia để tổ chức các cuộc họp trực tuyến khẩn khi có thiên tai, bão lụt xảy ra... đã góp phần thông tin nhanh chóng kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo.

Có thể thấy, với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các ngành, đơn vị địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người.

Hậu Giang: Ứng dụng công nghệ 4.0 dự báo hạn mặn

Những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thường xuyên diễn ra gay gắt vào mùa khô. Do đó, nhằm có thông tin dự báo nhanh, chính xác để người dân ứng phó kịp thời và giảm áp lực cho cán bộ đi đo mặn, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư 10 trạm đo mặn tự động và phân bổ chủ yếu ở hai địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn vào mùa khô hằng năm là thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Các thiết bị đo mặn tự động sẽ được kết nối với điện thoại thông minh để gửi kết quả đo mặn hàng ngày vào khung giờ cố định được cài đặt từ trước. 

Việc ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong những hướng đi đang được các địa phương quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại rủi ro do thiên tai. (Ảnh minh họa)

Cùng với các công trình và phi công trình ngăn mặn, các trạm đo mặn tự động trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã giúp cho cơ quan chuyên môn của tỉnh và địa phương cập nhật được nhanh và thường xuyên về nồng độ mặn ở các thời điểm; từ đó giúp các ngành chức năng và người dân chủ động, cũng như ứng phó kịp thời trước diễn biến gay gắt, khó lường của tình hình xâm nhập mặn. Điển hình như trong mùa khô năm 2021, dù độ mặn đạt đỉnh điểm đến 11,8‰ nhưng không gây thiệt hại lớn.

 Đặc biệt, từ nguồn vốn viện trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với huyện Châu Thành thực hiện mô hình thủy lợi, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho vườn cây ăn trái. Theo đó, dự án đã tập trung đầu tư xây dựng cống, đập kết hợp với nạo vét kênh mương trữ ngọt, thực hiện vận hành đóng, mở cống bằng hệ thống tự động hóa. Cụ thể, tại miệng cống có gắn hệ thống cảm biến đo mặn tự động, khi độ mặn xuất hiện ở mức 1,5‰ thì nắp cống sẽ tự đóng lại để ngăn nước mặn tràn vào bên trong nội đồng, đồng thời trữ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất cho nhà vườn. Ngoài ra, đi kèm với dự án là việc vận động người dân áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước kết hợp với công nghệ 4.0 (thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt Dripnet PC với mỗi hàng cây được lắp 2 hàng dây nhỏ giọt hai bên) trên diện tích đang thực hiện thí điểm rất hiệu quả.


Mô hình ứng dụng công nghệ 4.0 trong phòng, chống thiên tai như trên đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho địa phương và người dân trong tỉnh Hậu Giang, từ đó góp phần làm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc phát huy hơn nữa tính hiệu quả của mô hình, đồng thời xây dựng một số trạm đo và đưa ra sự cảnh báo về ngập úng, sét đánh bằng hình thức tự động hóa theo công nghệ số…

Đà Nẵng: Xây dựng Trung tâm Tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh

Chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo, triển khai ứng phó mưa lũ, sạt lở đất…là hoạt động đang được Đà Nẵng hết sức chú trọng.

Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đã phối hợp Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ lắp đặt các trạm đo mực nước sông Túy Loan (tại cầu Túy Loan, Hội Yên); sông Cu Đê (tại cầu Tà Lang - Giàn Bí, cầu Trường Định) để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ, nhất là cảnh báo lũ quét. Văn phòng cũng đã phối hợp Công ty CP Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) triển khai lắp đặt 21 hệ thống quan trắc lượng mưa và tự động cập nhật lượng mưa lên hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng toàn quốc Vrain (www.vrain.vn) để phục vụ công tác cảnh báo mưa lớn, ngập úng, lũ lụt, sạt lở đất... Đáng chú ý, từ năm 2019, WATEC phối hợp Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng lắp đặt thí điểm 2 hệ thống cảnh báo lũ tại thôn Bắc An, xã Hòa Tiến và tại khu vực tràn hồ Đồng Nghệ, hạ du tràn ở thôn An Châu, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Qua các đợt lũ năm 2019, 2020 và các đợt mưa lớn trong năm 2021, các trạm cảnh báo lũ tự động đã hoạt động hiệu quả, cảnh báo sớm cho nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó.

Theo đó, vị trí thường xuyên xảy ra ngập lũ, lụt được lắp đặt cảm biến thông minh. Khi lũ, lụt dâng lên tới các vị trí thước đo cảm biến thì loa và đèn báo hiệu sẽ tự động phát đi các cảnh báo bằng âm thanh và ánh sáng đèn cho người dân biết, không đi qua đoạn đường bị ngập để tránh bị tai nạn đáng tiếc. Hệ thống cảnh báo lũ thông minh này dựa trên ứng dụng IoT với công nghệ kết nối không dây LoRa (Long Range radio). Các cảm biến đo mưa, đo mực nước và thiết bị cảnh báo được kết nối không dây và phát cảnh báo theo các mức đã được cài đặt sẵn tại khu vực bị lũ lụt mà không bị phụ thuộc vào mạng viễn thông. Ngoài ra, thiết bị điều khiển được kết nối với nền tảng quản lý qua giao tiếp 3G, 4G, từ đó cho phép truy xuất dữ liệu về tình trạng vận hành hệ thống và lũ lụt qua internet. 

Đặc biệt, vào đầu tháng 3/2022, UBND thành phố Đà Nẵng và Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam đã khởi động dự án Xây dựng Trung tâm Tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh Đà Nẵng (Trung tâm Ensure Đà Nẵng) với tổng kinh phí 259,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc viện trợ hơn 246,8 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố gần 12,5 tỷ đồng.

Trung tâm này là mô hình điểm đầu tiên về quản lý thiên tai thông minh tại Việt Nam, giúp nâng cao năng lực phát hiện, cảnh báo sớm, dự báo xu hướng về thiên tai và giúp lãnh đạo thành phố chỉ đạo, điều hành kịp thời trong tình huống khẩn cấp; đồng thời cung cấp thông tin, thông báo nhanh chóng, chính xác cho người dân biết và chủ động phòng tránh./.

L.Lan (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực