Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 20/10/2020 15:09
(ĐCSVN) – Ngành nông nghiệp là ngành chịu tác động mạnh mẽ, nặng nề bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Để ứng phó với những diễn biến bất lợi của yếu tố biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng tăng trong thời gian gần đây, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp.

Sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, thích ứng với điều kiện thời tiết

Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động không nhỏ đến đời sống, lao động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo cho các đơn vị chuyên môn, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để thực hiện nhiều giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH trong sản xuất. 

Ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến - SRI nhằm hạn chế tiêu cực của BĐKH trong sản xuất lúa tại Bạch Thông, Bắc Kạn. Ảnh: khuyennongvn.gov.vn

Theo đó, để ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương sản xuất nông nghiệp, phát triển theo hướng sử dụng những giống mới có năng suất, chất lượng, thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng với điều kiện thời tiết và canh tác của tỉnh. Đến nay, diện tích trồng lúa sử dụng giống lúa chất lượng chiếm trên 30% tổng số diện tích. Đối với cây ngô, 100% diện tích sử dụng giống mới chất lượng. Các tiến bộ khoa học – kỹ thuật áp dụng trong sản xuất như: Canh tác lúa cải tiến SRI trên cây lúa, quản lý dịch hại theo IPM trên cây trồng... với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình sử dụng giống lúa chất lượng, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến - SRI nhằm hạn chế tiêu cực của BĐKH trong sản xuất lúa tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Na Rì, Pác Nặm, Ba Bể và Chợ Mới. Ngoài ra, còn một số mô hình khác như: Phát triển cây khoai tây thích ứng rét; Chăn nuôi thích ứng rét; Dong riềng chống chịu hạn trên đất lúa một vụ. Về phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến trong ứng phó với BĐKH, đã nghiên cứu, lựa chọn được một số giống lúa thuần, lúa chất lượng, có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn, phù hợp với thời vụ, điều kiện địa phương, tránh được mùa mưa lũ.

Cùng chung tay với các ngành chức năng, địa phương cơ sở trong việc chủ động ứng phó, đồng thời thích ứng với BĐKH trên địa bàn, người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức đối với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, đồng thời thích ứng với BĐKH. Tại nhiều địa phương, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang phương thức nhóm hộ, hợp tác xã, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường. Các mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết "4 nhà", từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật thay đổi quy trình sản xuất 

Ứng phó những điều kiện thời tiết bất lợi, Nam Định tích cực ứng dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật để thay đổi các quy trình sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến thiên nhiên, môi trường sống. Trong lĩnh vực trồng trọt, các mô hình sản xuất rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ trong nhà màng, nhà lưới theo phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel ngày càng được mở rộng. Trong chăn nuôi, nhiều trang trại đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh); sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn; sử dụng thiết bị núm uống tự động cho lợn, gà uống theo nhu cầu. 

Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nuôi đã sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên (tảo, phù du, sinh vật nhỏ) cho đối tượng nuôi; sử dụng hệ thống máy quạt nước, máy sủi trong các ao nuôi làm tăng hàm lượng ô-xy, giúp cho đối tượng nuôi ổn định thể chất, chống chịu với thời tiết bất thuận như nắng nóng nhiệt độ cao, kéo dài, hoặc mưa nhiều kéo dài và khi giao mùa.  

Cùng với đó, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất, chất lượng có khả năng thích ứng cao với diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai được nghiên cứu, tuyển chọn, làm chủ công nghệ và đưa vào sản xuất tại địa bàn tỉnh như: giống lúa (Dự hương, M1-NĐ, TBR225, Thiên ưu 111); giống rau màu (lạc Trạm dầu 207, khoai tây Đức, bí xanh Thành Nông 1); gà (Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa); vịt (siêu trứng, Super M); các giống lợn ngoại, lợn lai; hải sản (ngao, cá bống bớp, cá song, cá vược, chim biển vây vàng)… 

Thực hiện các giải pháp kỹ thuật theo hướng tăng trưởng xanh

Diễn biến rõ nét của BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ nhất là bão, áp thấp nhiệt đới, xâm nhập mặn, sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển nông nghiệp Thái Bình. Thực trạng trên buộc ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương không ngừng nỗ lực tìm giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các giải pháp kỹ thuật theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH. 

Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ gieo cấy, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chỉ đạo nông dân sử dụng 100% các giống ngắn ngày, giống chịu mặn, úng; điều chỉnh linh hoạt lịch thời vụ phù hợp với những thay đổi về thời tiết, khí hậu so với quy luật cũ nhằm hạn chế tác động của thiên tai, sâu bệnh như: vụ xuân tập trung hầu hết vào trà xuân muộn, vụ mùa sử dụng giống lúa ngắn ngày và gieo cấy sớm để tiết kiệm được nguồn nước tưới, tránh thiên tai, giảm tác hại của sâu bệnh cuối vụ. 

Thái Bình triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: thaibinhtv.vn 

Nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính: thâm canh lúa cải tiến, áp dụng kỹ thuật 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống xác nhận, giảm phân đạm, giảm giống, giảm nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lao động và tổn thất sau thu hoạch). Đặc biệt, từ năm 2017, Thái Bình được tiếp nhận dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính” do Tổ chức phát triển Hà Lan SNV phối hợp thực hiện, nhiều phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực nghiệm và kiểm định quốc tế từ đó nhân rộng ra các địa phương, góp phần tích cực thay đổi thói quen, nhận thức của người dân trong canh tác lúa truyền thống.

Đối với chăn nuôi, xác định rõ những loại con vật nuôi chủ lực, sớm hoàn thiện quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng thực hành chăn nuôi tốt, chăn nuôi khép kín, chăn nuôi công nghệ cao; xây dựng và phát triển hạ tầng phục vụ chăn nuôi thích ứng với BĐKH; cơ cấu lại ngành chăn nuôi.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, để giảm thiểu các rủi ro do BĐKH đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu đối tượng nuôi, xây dựng một số mô hình: nuôi cá hồng Mỹ thương phẩm thích ứng với BĐKH, nuôi tôm sú xen với cá đối mục trong đầm nước lợ để cải thiện môi trường trong ao nuôi, mô hình nuôi cá rô phi theo hướng VietGAP... Nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu từ thức ăn dư thừa, bùn thải ao nuôi, vì vậy, các đơn vị trong ngành đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và quản lý hiệu quả vật tư đầu vào và chất thải đầu ra; khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học an toàn với môi trường.../.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực