Đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, sản phẩm

Thứ hai, 11/07/2022 19:56
(ĐCSVN) –Thời gian qua, khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng lên. Điều này khẳng định các doanh nghiệp Việt nhất thiết phải đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh để nâng cao nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, sản phẩm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nâng niu, coi trọng sáng kiến, kinh nghiệm của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là sáng kiến, kinh nghiệm từ những người lao động. - Ảnh: Nhật Bắc 

Đổi mới sáng tạo giúp tăng trưởng kinh tế bền vững

Theo ông Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã trở nên không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và "thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững".

Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), các nền kinh tế thành viên thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có đi tắt đón đầu thông minh thông qua đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới.

APO cũng thúc đẩy các nghiên cứu của các nền kinh tế thành viên để tư vấn xây dựng môi trường pháp lý giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo. APO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tổng thể phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch tổng thể về năng suất quốc gia là sáng kiến của APO nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên xây dựng các mục tiêu, chiến lược và hành động giúp nâng cao năng suất. Kế hoạch tổng thể về năng suất cũng góp phần đưa năng suất vào các chương trình phát triển quốc gia, tăng cường vai trò của năng suất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên APO. Kế hoạch tổng thể sẽ đề xuất các hành động cần phải được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng năng lực hấp thụ vốn con người, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông và hạ tầng logistic, bố trí và phân bổ các nguồn lực.

Tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng chất lượng chính là một trong các yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua công tác tiêu chuẩn hóa trong các lĩnh vực mới như IoT, blockchain, thương mại số, thương mại điện tử, in 3D, sản xuất thông minh sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động này. Cụ thể, hoạt động hợp tác song phương với đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này như Úc, Mỹ trong hai năm vừa qua về tiêu chuẩn hóa cho các công nghệ mới nổi, in 3D, hợp tác đa phương trong ASEAN để xây dựng lộ trình và biện pháp triển khai sản xuất thông minh là minh chứng cho hoạt động hợp tác đó.

Công nghệ là là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước trên thế giới. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi nền sản xuất công nghiệp Việt Nam hiện vẫn dựa vào gia công, thâm dụng lao động với mô hình kinh doanh cũ, vì vậy để cạnh tranh được trong xu thế đổi mới này, các doanh nghiệp Việt phải đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số trong bối cảnh toàn cầu hóa đưa đến những cách tiếp cận mới dựa trên đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Việc tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên, lao động trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị thu hẹp đã không còn phù hợp. Do đó, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và "thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững".

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam, những năm vừa qua, năng suất lao động Việt Nam đã có sự gia tăng so với giai đoạn trước. Khoa học và công nghệ thể hiện rõ vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước khi năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng lên 45,7% giai đoạn 2016 - 2020. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020. Điều này khẳng định các doanh nghiệp Việt nhất thiết phải đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đây là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, sử dụng "đòn bẩy" công nghệ mới tạo những cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

Để bước vào cuộc "đua" trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sự hài lòng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đạt được lợi thế cạnh tranh mới, tạo ra thị trường mới, nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, đón đầu công nghệ, thúc đẩy nâng cao năng suất rất cần thiết và có vai trò quan trọng, vì vậy, thời gian qua, Viện Năng suất đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất như: Tổ chức các hoạt động tư vấn, đào tạo, hướng dẫn nâng cao năng suất và phát triển doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống và giải pháp quả lý, đổi mới sáng tạo, công cụ cải tiến, tối ưu hóa hoạt động theo mô hình: Cải tiến năng suất tổng thể (TPI), "LSS", "TPM", "KPI"...; Tư vấn về ISO 9000, ISO 27000, ISO 14000, ISO 15189... Bên cạnh đó, Viện triển khai các chương trình hợp tác với Tổ chức Năng suất châu Á (APO), tăng cường chuỗi cung ứng thực phẩm; xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn mới để góp phần nâng cao năng suất. Ngoài ra, Viện cũng nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất của ngành kinh tế cho giai đoạn tiếp theo; tính toán các yếu tố tác động của khoa học và công nghệ đến năng suất qua đó có giải pháp để nâng cao...

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia nhận định, tại Việt Nam, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn rất nhiều tiềm năng phát triển như: FinTech, HealthTech, LogTech… và một số ngành công nghệ mới nổi như: Trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), in 3D, VR/AR… Đây là cơ hội và cơ sở giúp Việt Nam phát triển thời gian tới. Song để thành công, cần rất nhiều yếu tố như: Thời cơ, ý tưởng, môi trường, mô hình kinh doanh, vốn, đội ngũ, sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan… để thiết kế ra những sản phẩm phù hợp.

Hiện, Việt Nam có rất nhiều dư địa để tăng hiệu suất trong các ngành kinh tế, năng lượng, công nghiệp, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống giao thông và logistics kết nối hiệu quả. Việc vươn lên trong nấc thang chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng để cải thiện năng suất, đặc biệt quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long là minh chứng rõ nét về nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Cùng với đó là sự liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng rất quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng suất, vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

 

 

 

 

 

 

Hà Ngân (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực