Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2021: Phát huy hiệu quả nội lực trong nghiên cứu khoa học

Thứ ba, 18/05/2021 13:53
(ĐCSVN) - Giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao vào dịp 18/5 hằng năm, nhân kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Khoa học Công nghệ, nhằm tôn vinh các nhà khoa học có kết quả xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, qua đó góp phần thúc đẩy khoa học và công nghệ nước nhà hội nhập và phát triển.

Giải thưởng mang tên cố Giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực khoa học cơ bản ở Việt Nam đồng thời cũng là người có nhiều tâm huyết trong bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của đất nước. Giải thưởng được chính thức tổ chức xét tặng lần đầu vào năm 2013, thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng khoa học Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, các hồ sơ tham dự giải thưởng được đánh giá thông qua các Hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Hội đồng giải thưởng. Đến nay, các công trình và nhà khoa học đoạt giải đều đáp ứng mục tiêu của giải thưởng hướng tới chất lượng, hội nhập trong nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng tạo nên uy tín của giải thưởng. Đồng thời các công trình đoạt giải đều có ý nghĩa khoa học, tác động đến vấn đề, chuyên ngành nghiên cứu và được xếp thứ hạng cao trong Danh mục tạp chí của Web of Science và Scimago (top 10%). Đặc biệt, yếu tố nội lực trong nghiên cứu cũng là nét đặc biệt của các công trình đoạt giải. Thực tế trong các năm qua, các công trình bao gồm toàn bộ các tác giả trong nước chiếm trên 50% số lượng các công trình đoạt giải, thể hiện tính tự lực trong việc thực hiện và công bố công trình khoa học xuất sắc của các nhà khoa học Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, năm 2021, từ 41 hồ sơ tham dự giải thưởng, qua đánh giá lựa chọn, hội đồng khoa học các chuyên ngành nhất trí đề cử 4 giải thưởng thuộc 2 ngành: Khoa học trái đất và môi trường; Sinh học nông nghiệp.

 Thầm lặng với công trình nghiên cứu về Khí tượng - Khí hậu

Có thể thấy, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2021 khá ấn tượng khi có tới 2/4 đề cử thuộc về ngành Khí tượng - Khí hậu - ngành vốn rất kén người học, người nghiên cứu, thì nay đã nhận được sự quan tâm, ghi nhận của xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

PGS.TS Ngô Đức Thành  (phải) và TS. Bùi Minh Tuân

Đó là công trình “Đánh giá khả năng của mô hình RegCM4 trong việc mô phỏng các chỉ số cực đoan mưa và nhiệt độ trên khu vực CORDEX-Đông Nam Á” được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thành (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng 10 đồng tác giả khác đến từ 6 quốc gia trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á thực hiện. Đây có thể xem là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của cộng đồng khoa học ở các quốc gia đang phát triển trong nghiên cứu về biến đổi khí hậu; đồng thời, ghi dấu năng lực tham gia, dẫn dắt nghiên cứu và hội nhập quốc tế để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu toàn cầu; là tiền đề cho các giải pháp dự báo, phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu cho Việt Nam cũng như các quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á.

Các kết quả của công trình nghiên cứu này có ý nghĩa khoa học đặc biệt quan trọng trong mô phỏng và dự tính biến đổi khí hậu cho tương lai ở Đông Nam Á. Đặc biệt, với việc đưa ra các tham số mô hình tốt nhất cho các thí nghiệm mô phỏng dài hạn ở khu vực Đông Nam, công trình nghiên cứu đã giúp tiết kiệm được đáng kể nguồn lực và thời gian tính toán cho toàn khu vực.

Một trong 2 giải thưởng trẻ được đề cử cho Tiến sĩ Bùi Minh Tuân (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội với công trình Dự báo dài hạn mưa tại Việt Nam. Đề tài này có tính ứng dụng rất cao tại Việt Nam, có giá trị về mặt thực tiễn và khoa học khi đối tượng nghiên cứu và hạn nghiên cứu đều là những vấn đề thách thức của ngành khí tượng thời điểm hiện tại.

Nghiên cứu và dự báo mưa luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của các nhà khí tượng trên thế giới bởi mưa là yếu tố cực kì quan trọng đối với sự phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi, lượng mưa quá lớn dẫn đến lũ lụt, có thể gây lên thiệt hại nghiêm trọng; còn lượng mưa quá ít có thể gây ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và phá hủy mùa màng. Do đó, thông tin dự báo hạn vừa (từ 2 tuần tới 3 tháng) và hạn dài (từ 3 tháng trở lên) rất quan trọng trong kế hoạch hoạt động sản xuất, dự báo bệnh dịch và phòng tránh thiên tai.

Công trình nghiên cứu của tác giả Bùi Minh Tuân đã tìm hiểu các quá trình vật lí trong khí quyển để cải thiện khả năng dự báo. Đặc biệt, nghiên cứu nhấn mạnh địa hình có vai trò quan trọng, dẫn tới sự khác biệt của biến động mưa giữa các khu vực. Phương pháp nghiên cứu cũng chỉ ra 4 hình thế quy mô lớn liên quan đến sự biến động của mưa chu kì 10-90 ngày ở Việt Nam.

Đây là hướng nghiên cứu khó khăn và gặp nhiều thách thức đối với giới khoa học, nhưng những đam mê, hoài bão đã thôi thúc Bùi Minh Tuân tìm hiểu, khám phá về đề tài này để mang lại những giá trị thực tiễn cho xã hội.

Nghiên cứu sinh học để ứng dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao

TS. Đỗ Hữu Hoàng (bên phải). Nguồn ảnh: tiasang.com.vn

Với công trình khoa học “Bổ sung beta-glucan trong khẩu phần cải thiện năng suất tăng trưởng, số lượng vi khuẩn Vibrio, các thông số huyết học và khả năng chống stress của cá chim vây ngắn Trachinotus ovatus Linnaeus, 1758” của Tiến sỹ Đỗ Hữu Hoàng, Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cộng sự là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam và thế giới về việc tính toán hàm lượng chất beta-glucan tối ưu đem lại hiệu quả sinh trưởng tốt nhất trên cá chim vây ngắn, một loại hải sản nuôi có tiềm năng kinh tế lớn. Đây cũng là công trình được đánh giá cao về tính thực tiễn, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản nước ta hiện nay bởi lợi ích của beta-glucan đã được phát hiện trên nhiều đối tượng thủy hải sản nhưng riêng đối với loài cá chim vây ngắn - đối tượng nuôi mới, có giá trị kinh tế cao, thì chưa có công trình nghiên cứu nào.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho thấy, cá ăn bổ sung hàm lượng beta-glucan có thể giúp cá nuôi tăng sức chống chịu với căng thẳng môi trường, làm giảm tỷ lệ chết, đem lại hiệu quả sản xuất cao cho người nuôi. Đồng thời, bổ sung hàm lượng cần thiết giúp cân đối giá thành thức ăn, tránh sử dụng hàm lượng cao hơn nhu cầu cá nuôi, vừa kiềm hãm sinh trưởng vật nuôi và làm tăng giá thành thức ăn.

TS. Hoàng Thanh Tùng trong phòng thí nghiệm. Nguồn ảnh: Báo Lâm Đồng 

Với công trình “Hệ thống sản xuất hoa cúc quy mô lớn sử dụng vi khí canh với việc bổ sung các hạt nano bạc dưới các đi-ốt phát sáng”, TS. Hoàng Thanh Tùng (Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có nhiều đóng góp cho ngành sinh học nông nghiệp, đặc biệt là đóng góp vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, nhà khoa học trẻ Hoàng Thanh Tùng được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Trước đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020, anh được đề cử với công trình khoa học “Sản xuất cây hoa cúc quy mô lớn bằng phương pháp vi thủy canh có bổ sung nano bạc dưới điều kiện chiếu sáng LED” - là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới mở ra một kỹ thuật mới trong nhân giống thực vật.

Hiểu về hoa cúc, và hơn hết, là hiểu về Đà Lạt, nhà khoa học trẻ Hoàng Thanh Tùng đã kết hợp những kỹ thuật khác nhau trong nhân giống cây trồng và lựa chọn hướng phát triển mà anh biết rằng sẽ đáp ứng được cả hai điều kiện, đó là phương pháp đơn giản phù hợp với Đà Lạt nhưng rất hiệu quả trong sản xuất cây giống với quy mô lớn. Điều này đã được thể hiện rõ rệt nhất thông qua công trình Nhân giống hoa cúc bằng phương pháp vi thủy canh của anh.

Dễ ứng dụng vào thực tiễn, đó là điều mà TS. Hoàng Thanh Tùng vô cùng quan tâm, “nghiên cứu đã đề xuất mô hình vi thủy canh phù hợp, tạo được nguồn cây giống đồng nhất với số lượng lớn, dễ dàng áp dụng cho người nông dân mà không cần trình độ khoa học kỹ thuật quá cao, chỉ cần đào tạo cơ bản là có thể thực hiện được”, anh nhấn mạnh./.

Hà Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực