Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt

Thứ tư, 30/09/2020 10:02
(ĐCSVN) - Ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực trồng trọt, tại nhiều địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình có năng suất chất lượng vượt trội, giảm sự lệ thuộc vào mùa vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, là tiền đề để người dân mở rộng sản xuất thâm canh theo xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với những thay đổi của thời tiết, dân số, diện tích đất canh tác... Việt Nam đang tích cực thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo các chuyên gia, với các ưu việt của công nghệ như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Nắm bắt xu hướng này, trong lĩnh vực trồng trọt, thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tạo ra những giống cây trồng mới thích ứng với thời tiết, cho năng suất và chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng; nhiều mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển... Các mô hình này là minh chứng cho những biến chuyển kỳ diệu mà khoa học công nghệ có thể mang lại cho sản xuất nông nghiệp, là tiền đề để người dân mở rộng sản xuất thâm canh theo xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Trồng khổ qua ghép gốc mướp cho năng suất cao

Mô hình trồng khảo nghiệm khổ qua ghép gốc mướp tại xã Khánh Hòa huyện Châu Phú (An Giang), do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang xây dựng, cho năng suất và lợi nhuận vượt trội.

Khổ qua (mướp đắng) là loại rau màu mẫn cảm với các loại bệnh, đặc biệt là bệnh có nguồn gốc từ đất như bệnh héo rũ do nấm Fusarium oxysporum gây ra. Bệnh này hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có giống kháng, chủ yếu được phòng ngừa bằng cách luân canh với cây trồng khác họ hoặc sử dụng các biện pháp hóa học để phòng trừ. Vì vậy, việc trồng khổ qua đơn thuần như hiện nay ở An Giang cho năng suất chưa cao.

“Mô hình khảo nghiệm cây khổ qua ghép gốc mướp tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang phối hợp với Trạm khuyến nông huyện Châu Phú xây dựng được thực hiện tại hộ ông Trần Trọng Hiếu trên diện tích 1.000m2, từ tháng 6/2020. Trong đó, 500 m2 trồng khổ qua ghép gốc mướp và 500m2 trồng khổ qua không ghép gốc mướp (đối chứng).

Khổ qua được chọn từ giống F1 sinh trưởng mạnh, trồng được quanh năm. Giống mướp VG-17-001 nhập từ Đài Loan, chuyên làm gốc ghép cho cây rau họ dưa, bầu bí, có đặc tính sinh trưởng khỏe.

Kết quả cho thấy, cây khổ qua ghép sinh trưởng tốt, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%, thân chính dài, lá cây nhiều hơn cây đối chứng. Chiều dài, đường kính, số lượng và khối lượng trái trên cây ghép gốc mướp cao hơn 21% so với cây đối chứng.

Mô hình trồng đối chứng (trái) và khổ qua ghép gốc mướp. Ảnh: PA 

Theo bà Trần Ngọc Phương Anh - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang, khổ qua ghép gốc mướp có chi phí đầu tư cao hơn mô hình đối chứng không ghép, do cây giống khổ qua ghép mướp giá thành cao (khoảng 3.000đ/cây). Tuy nhiên, khi trồng cây khổ qua ghép cho năng suất cao hơn giống khổ qua đối chứng, nên thu về lợi nhuận cao hơn đến 2 triệu/500m2 so với đối chứng). Ngoài ra, cây ghép cũng chịu được mưa ngập tốt hơn.

Trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN An Giang sẽ mở rộng mô hình và tập huấn kỹ thuật ghép, trồng khổ qua ghép gốc mướp cho bà con nông dân. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu trồng khổ qua trong điều kiện môi trường đất bất lợi như bị nhiễm bệnh do nấm Fusarium oxysporum và nền đất canh tác lúa thấp, thường xuyên bị ngập úng.

Giống khoai tây mới sản xuất quanh năm tại Đà Lạt

Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết vừa nghiệm thu công trình khoa học Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng phụ cận.

Sau 3 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã nghiên cứu chọn tạo, trồng thử nghiệm thành công giống khoai tây TK15.80 có khả năng đề kháng các loại bệnh mốc sương, héo rũ và tăng năng suất từ 20-25% so với các giống khoai tây thông thường, có hình dạng đẹp, chất lượng tốt.

Giống khoai tây này có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, trung bình khảo nghiệm cơ bản trong 3 vụ tại Lâm Đồng đạt 27,7 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 17,1%; trung bình khảo nghiệm sản xuất trong 2 vụ đạt 25,4 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 19,6%. Doanh thu đạt trên 254 triệu đồng, lợi nhuận đạt 146 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng 39,8%.

Khoai tây TK15.80 khá phù hợp với điều kiện sản xuất tại Lâm Đồng với tiềm năng năng suất cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và chế biến. Tuy nhiên, khoai tây vẫn chỉ được tập trung sản xuất trong mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) do bệnh hại khá lớn, nhất là bệnh mốc sương. Sản xuất khoai tây vào mùa mưa phải đầu tư lớn để kiểm soát bệnh, rủi ro cao.

Từ yêu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra, việc nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận là rất cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có thể trồng trong thời gian mùa mưa (từ tháng 6-12).

Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao giống mới này, có giá trị ứng dụng, khả năng nhân rộng lớn, được nông dân đón nhận. Hội đồng khoa học đánh giá đề tài có tính khả thi cao và phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của nông dân. Hiện giống khoai tây TK15.80 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận sản xuất thử từ tháng 12/2019.

Trồng dưa lưới, dưa vàng công nghệ cao, thu lãi lớn

Mô hình trồng dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng ở Hưng Yên đang mở ra triển vọng lớn trong sản xuất nông nghiệp với mức thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha mỗi năm. Đây cũng là điểm sáng đang thu hút nông dân nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại.

Mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên triển khai theo dự án “Ứng dụng công nghệ cao để trồng dưa vàng, dưa lưới tỉnh Hưng Yên phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2017-2020.” Địa điểm thực hiện tại các xã Tiên Tiến, Tống Trân (Phù Cừ) và Thiện Phiến (Tiên Lữ).

Mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao tại xã Tống Trân (Phù Cừ, Hưng Yên).
Ảnh: nongnghiep.vn.

Các hộ tham gia dự án được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên hỗ trợ 100% giống dưa, 30% kinh phí làm nhà màng, giá thể cùng hệ thống tưới, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên, trồng dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng áp dụng công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống tưới tự động. Yếu tố quyết định thành công của mô hình là kiểm soát chặt chẽ hạt giống từ đầu vào, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để cung cấp các nguồn chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Qua đó, giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất và hiệu quả cao. Cùng đó là việc kiểm tra nghiêm ngặt nhằm hạn chế các tác hại của sâu bệnh, giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Dưa lưới, dưa vàng thơm được trồng bằng giá thể đựng trong túi, hệ thống tưới nước có dinh dưỡng, được cài đặt tự động theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Do thực hiện đúng quy trình, dưa lưới được trồng trong nhà màng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao. Đặc biệt là hạn chế sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc hoá chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.

Theo đó, phương pháp trồng dưa trong nhà màng cho năng suất cao gấp 2 lần so với canh tác theo cách bình thường ngoài đồng ruộng, đạt bình quân 50 tấn/ha/vụ. Với giá bán dưa lưới tại vườn dao động từ 40.000-60.000 đồng/kg, mỗi vụ đạt khoảng 50 tấn/ha, thu lãi trung bình hơn 500 triệu đồng/ha/vụ. Mỗi năm có thể trồng 3 vụ nên mức lãi từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Sản phẩm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, mua tại vườn với giá ổn định.

Nông dân các xã trồng dưa dự án cho biết từ hệ thống nhà lưới với tổng diện tích 8.000m2 ban đầu, dự án đã có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút nông dân. Thâm canh dưa lưới và dưa vàng thơm trong nhà màng đã từng bước làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con về sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ mới./.

An An (th)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực