Hiệu quả ứng dụng công nghệ quản lý giao thông tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ hai, 05/10/2020 10:33
(ĐCSVN) – Để nâng cao việc quản lý, điều hành giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để thường xuyên cung cấp thông tin giao thông cho người dân, đồng thời, tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm.

Hệ thống camera giám sát tại Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn.
(Nguồn: hcmcpv.org.vn) 

Những lợi ích khi ứng dụng công nghệ thông tin vào giao thông

Từ hàng chục năm nay, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ cao vào quản lý và vận hành giao thông. Đây là xu hướng nhằm xây dựng một hệ thống giao thông đô thị bền vững, có chất lượng phục vụ cao. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân như tiết kiệm thời gian, chi phí, năng lượng, giảm thiểu tai nạn và cải thiện môi trường, nâng cao hiệu quả xã hội.

Hệ thống giao thông thông minh là ứng dụng về công nghệ thông tin và máy tính tự động hóa để giúp hệ thống giao thông trở nên thông minh hơn, phục vụ nhu cầu đi lại và hàng hóa của con người. Trên thực tế thế giới, để đánh giá mức độ phát triển của các thành phố, một trong những chỉ tiêu quan trọng là chỉ số giao thông thông minh (ITS) của thành phố. ITS với nhiều ứng dụng và chức năng quản lý khác nhau, như: trung tâm quản lý giao thông thông minh; các thiết bị lắp đặt trên đường, tại bãi đỗ xe, trạm thu phí, giám sát an ninh hoặc trên phương tiện vận tải; các phương tiện cá nhân, phương tiện công cộng và phương tiện cứu hộ; chủ thể tham gia giao thông trong hệ thống giao thông. 

Với hệ thống giao thông thông minh nhờ áp dụng công nghệ thì người tham gia giao thông được lợi nhất bởi dễ dàng tìm được một lộ trình đi lại hợp lý và tiết kiệm được thời gian đi lại. Đối với nhà quản lý, ứng dụng giao thông thông minh sẽ giúp tối ưu hóa điều khiển giao thông, nâng cao được năng lực của cơ sở hạ tầng, khai thác được tối ưu cơ sở hạ tầng đó theo thời gian và không gian trên mạng lưới của chúng ta. Còn đối với các nhà cung cấp vận tải, các nhà cung cấp dịch vụ, một khi có hệ thống ITS, cái tối ưu trong việc khai thác hệ thống sẽ được đảm bảo bao gồm, hành khách sẽ luôn chọn được dịch vụ phù hợp tại thời điểm phù hợp. Nhà cung cấp thì luôn cung cấp được dịch vụ đó, đến kịp thời tại địa điểm, thời gian và mong muốn của hành khách.

Cùng với đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành lĩnh vực giao thông vận tải, giúp cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn. Mô hình Trung tâm điều hành giao thông đô thị bước đầu phát huy hiệu quả, mở ra hướng phát triển cho giao thông đô thị, hạn chế ùn tắc giao thông.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh (GTVT TP.HCM), TP đã phối hợp với đơn vị, doanh nghiệp triển khai các dự án thí điểm trong lĩnh vực giao thông thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng giao thông.

TP. Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ vào xây dựng và quản lý giao thông

Ngày 12/3/2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải). Đây được xem là Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đầu tiên trong cả nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý điều hành giao thông bằng hệ thống giao thông thông minh, giúp Trung tâm nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống giao thông trên địa bàn.

 Tuyến đường Lê Duẩn được gắn bảng thông báo giám sát và xử phạt vi phạm giao thông bằng camera. Nguồn ảnh: TTXVN

Hệ thống ITS đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị thực hiện gồm các chức năng: điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại mặt cắt ngang các tuyến đường; các thông số của dòng giao thông được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra phương án điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại các nút giao thông trọng điểm.

Song song đó, hệ thống giám sát giao thông thông qua hệ thống camera cũng được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu giám sát giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Thông qua hệ thống màn hình tường, nhân viên vận hành kịp thời ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao thông có camera kết nối. Do đó, các sự cố xảy ra được Trung tâm kịp thời thông tin cho cảnh sát giao thông, thanh tra và các đơn vị quản lý hạ tầng để phối hợp xử lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Với định hướng xây dựng một trung tâm điều hành ITS hiện đại, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị bước đầu đáp ứng được phần nào nhu cầu về kết nối, lưu trữ và chia sẻ thông tin cho người tham gia giao thông và các cơ quan đơn vị phối hợp. Cổng thông tin giao thông thành phố (http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn) và ứng dụng “TTGT TPHCM” hiện là kênh cung cấp thông tin về tình hình giao thông, các tiện ích trên đường. Đây cũng là kênh tương tác giữa người dân và cơ quan quản lý về các sự cố hạ tầng, kỹ thuật giao thông thông qua website và ứng dụng di động, giúp người dân lựa chọn lộ trình lưu thông phù hợp, tránh lưu thông qua những tuyến đường, khu vực đang xảy ra ùn tắc hoặc có mật độ phương tiện giao thông cao.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh), cổng thông tin này được tích hợp các chức năng tra cứu thông tin giấy phép thi công, phương tiện cấp phép lưu hành đặc biệt, phương tiện vi phạm lưu thông qua tốc độ cho phép, vi phạm dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định.

Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị được kết nối trực tuyến với Tổng đài Kênh VOV Giao thông Quốc gia, Cổng thông tin 1022 để thường xuyên cung cấp thông tin cũng như tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề về giao thông trên địa bàn.

TP. Hồ Chí Minh có tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng về quy mô dân số, nhưng hạ tầng giao thông đô thị lại không phát triển theo kịp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Hơn nữa, sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Nhờ đưa hệ thống ITS vào hoạt động, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã tổ chức phân tích, đánh giá lưu lượng giao thông trên các tuyến đường trục chính để xây dựng hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt cho phép tự động điều chỉnh các thông số như thời gian chu kỳ đèn, thời gian đèn xanh để thích ứng với lưu lượng giao thông thay đổi theo từng thời điểm và ưu tiên cho các phương tiện giao thông công cộng.

Cùng với đó, để giảm phương tiện vi phạm, từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ghi hình để xử phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống camera giám sát giao thông cố định trên 22 tuyến đường có nhiều trường hợp dừng, đỗ xe sai quy định. Ông Ngô Hải Đường đánh giá, xử lý vi phạm thông qua hình ảnh đã phát huy được hiệu quả, tình trạng các phương tiện dừng xe, đỗ xe trên các tuyến đường có chuyển biến tích cực. Việc triển khai phạt nguội đã mang lại hiệu quả nhất định như đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cải thiện tình hình giao thông, kéo giảm ùn tắc.

Để phát huy hiệu quả, cần nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại để tự động hóa tất cả công đoạn trong quy trình, bắt đầu từ khâu phát hiện, ghi nhận đến quy trình các bước xử lý vi phạm và chấp hành của người vi phạm. Hiện, Sở Giao thông Vận tải TP cũng phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện, dữ liệu giám sát hành trình phục vụ kiểm tra, xử phạt và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố.

Nhờ ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, quản lý, điều hành giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu đã đạt hiệu quả tích cực. Đây là hướng đi cần thiết để góp phần giải bài toán giao thông đô thị, khi nguồn lực đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông hạn chế./.

Quế Phương
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực