Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số

Thứ sáu, 30/09/2022 17:03
(ĐCSVN) - Phát huy tốt vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương sẽ giúp đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng gia đình, từng người dân nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp công nghệ tham gia đào tạo cho Tổ công nghệ số cộng đồng

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 31/8/2022, cả nước đã thành lập được 45.895 tổ công nghệ số cộng đồng tại 51/63 tỉnh, thành phố với 211.737 thành viên.

Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội. Việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến chuyển đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT), chương trình đào tạo, tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ có sự đồng hành của một số doanh nghiệp công nghệ như VNPT, Vietnam Post, Bkav... Qua đó, góp phần phần gắn kết doanh nghiệp với các địa phương, mở rộng thị trường sản phẩm, dịch vụ cho người dân của các doanh nghiệp.

Đoàn viên, thanh niên là lực lượng nòng cốt trong tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn tiểu thương sử dụng mã QR code. (Ảnh: Đồng Thúy) 

Chương trình tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số nói chung và hướng dẫn hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng nói riêng. Mục tiêu đến hết tháng 11/2022, 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến thông qua Nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

Được tổ chức trực tiếp tại các địa phương, kết hợp trực tuyến qua các điểm cầu hội nghị trực tuyến đến 100% cấp xã, các khóa bồi dưỡng sẽ cung cấp thông tin cho các thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng về các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển  đổi số; hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.

Tổ chức và duy trì hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng được Bộ TT&TT xác định là một trong những giải pháp đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai chuyển đổi số năm 2022.

Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập ở từng thôn, bản, với nòng cốt là thanh niên, để đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số.

Phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng

Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh, hỗ trợ cộng đồng dân cư triển khai ứng dụng công nghệ, từ tháng 4/2022, Bắc Giang triển khai thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, hơn 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã được thành lập giúp đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, từ đó tạo ra giá trị thiết thực thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.

Tổ công nghệ số cộng đồng xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, được thành lập từ tháng 6 năm 2022. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống. Các thành viên trong tổ hoạt động, trao đổi thông tin thông qua nhóm chung bằng ứng dụng Zalo. Không chỉ thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, đến nay, tất cả 17 thôn trên địa bàn xã Hương Lạc đều đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, mỗi tổ từ 7-10 thành viên.

Đến nay, địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập 209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 3.870 thành viên, đạt 100%; ở cấp thôn thành lập được 921 tổ với 3.100 thành viên, trong đó một số huyện thành lập 100% đến cấp thôn như Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn.

Ở cấp xã, các tổ công nghệ số cộng đồng Bắc Giang có từ 10 - 18 người, cấp thôn có từ 5 đến 7 người, với nòng cốt là đoàn thanh niên. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: Định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, tài khoản mobile money, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, quốc gia, để tương tác với chính quyền và tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam gồm tất cả các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Tính đến tháng 9/2022, tại Lào Cai đã có 1153 tổ công nghệ số được thành lập với 4.940 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang phát huy hiệu quả, tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số đến người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số toàn diện, Tổ công nghệ số cộng đồng được tỉnh Lào Cai triển khai thành lập từ tháng 5/2022 với mục tiêu mỗi thôn/tổ dân phố thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng, nòng cốt là trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và cán bộ đoàn cơ sở.

Tổ công nghệ số cộng đồng do UBND cấp xã quyết định thành lập, là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến với nhân dân; trực tiếp truyền thông, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn, tổ dân phố. Các tổ công nghệ số đã và đang tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và phổ cập kỹ năng số đến người dân.

Sử dụng những tiện ích của công nghệ thông tin để phục vụ cho công việc hay đời sống xã hội đang trở thành xu hướng tích ở huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Với sự tuyên truyền, hướng dẫn từ các tổ công nghệ số cộng đồng, người dân đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Những khó khăn về nhận thức hay khoảng cách địa lý đã giảm bớt nhờ sự hỗ trợ tích cực của tổ công nghệ số cộng đồng.

Huyện Ngọc Lặc hiện đã thành lập được 213 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả thôn, bản, khu phố. Nguồn ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn 

Đến từng hộ dân, hướng dẫn từng người sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tra cứu bảo hiểm y tế;  hay như hỗ trợ bà con tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền nước, học phí... Đây là những công việc thường xuyên của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Mặc dù mới hoạt động gần 5 tháng, nhưng các tổ công nghệ số cộng đồng đã giúp bà con nhân dân thay đổi từ nhận thức đến thói quen về sử dụng công nghệ.

Huyện Ngọc Lặc hiện đã thành lập được 213 tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả thôn, bản, khu phố. Mỗi tổ công nghệ số cộng đồng có 3 thành viên, là những người có kỹ năng, kiến thức, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo các tổ công nghệ số cộng đồn  thực hiện phương châm "sát dân, gần dân", "dân vận chuyển đổi số".

Hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong, chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội. Chính vì vậy, các tổ công nghệ số cộng đồng là "cánh tay nối dài" của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, phố.

Hiện nay, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp thôn, xóm, hướng đến 100% thôn xóm trên địa bàn tỉnh đều có tổ công nghệ số cộng đồng, Bắc Giang triển khai lộ trình hoạt động của các tổ này. Theo đó, thời gian đầu, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng tập trung đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, đường lối liên quan đến chuyển đổi số. Đồng thời hướng dẫn người dân truy cập cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã, ngành, đơn vị để tra cứu thông tin; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tài khoản và truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart... để mua bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, do mới thành lập, hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức của người dân về chuyển đổi số chưa cao. Một số thành viên trong tổ chưa nắm rõ và thành thạo về việc sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số, công nghệ số; cơ sở vật chất để thực hiện chuyển đổi số chưa đồng bộ, các công cụ liên quan như điện thoại thông minh, máy tính, đường truyền, mạng chưa phổ cập đến 100% người dân; kinh phí để các tổ công nghệ số hoạt động không có.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, Bắc Giang đã ban hành đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh niên” nhằm phát huy vai trò nòng cốt của thanh niên trong các tổ công nghệ số cộng đồng và tổ chức một số lớp tập huấn về chuyển đối số cho đoàn viên, thanh niên, cán bộ chủ chốt cấp xã.

Thời gian tới, để tổ công nghệ số cộng đồng đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Bắc Giang sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Sở tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông (https://onetouch.mic.gov.vn/pho-cap-ky-nang-so/) đến các thành viên trong tổ, người dân để sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng; in các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các áp phích hoặc tờ rơi để các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, xã phát sóng các tài liệu hướng dẫn cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số để tuyên truyền phổ biến hướng dẫn gián tiếp đến người dân cài đặt và sử dụng.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngân hàng, nhà mạng nâng cao các ứng dụng liên quan như QR code, mobile money; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, phấn đấu năm 2023 xây dựng mạng internet cáp quang đến 100% hộ gia đình. Bắc Giang đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng (App) trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin, trong đó Bắc Giang đang tiến hành xây dựng App giải quyết thủ tục hành chính dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023./.

Để triển khai có hiệu quả việc chuyển đổi số từ cơ sở và phát huy hiệu quả của tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai (http://chuyendoiso.laocai.gov.vn/) được xây dựng và vận hành từ tháng 6/2022 nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, nâng nhận thức, tạo đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp; góp phần làm cầu nối giữa các cấp chính quyền của tỉnh với người dân, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy, phát triển hoạt động chuyển đổi số.

 Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai với mục tiêu phổ cập kỹ năng số cộng đồng

Tại Lào Cai, Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết hợp tác với một số địa phương trong tỉnh như huyện Bảo Yên, huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, giai đoạn 2022-2025. Trọng tâm là triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trước hết là triển khai chương trình Chuyển đổi số cho các đơn vị cấp xã; triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; đưa hàng hóa, sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn thương mại điện tử; các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, biên lai điện tử;…

Các hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số cũng được tích cực triển khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm phổ cập kỹ năng số cộng đồng. Trong đó tuyên truyền, hướng dẫn triển khai sử dụng kênh truyền thông Chuyển đổi số quốc gia trên Zalo. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho các xã/phường/thị trấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng. Trọng tâm là phổ biến khóa học "Phổ cập kỹ năng số cộng đồng" trên Nền tảng học trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông đến các thành viên trong tổ, người dân để sử dụng. Tập trung vào 06 nội dung quan trọng để hướng dẫn người dân, bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Thanh toán không dùng tiền mặt; Mua, bán trên các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart,…; Cài đặt và sử dụng nền tảng số, các ứng dụng cần thiết cho doanh nghiệp, công dân triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản; Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số trên hệ thống thông tin cơ sở, tuyên truyền cổ động trực quan. Tính đến tháng 9/2022, tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử đạt 91%. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản mùa vụ phấn đấu hết năm 2022 đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Lào Cai quan tâm chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn ưu tiên, đặc biệt là quan tâm chuyển đổi số từ cơ sở. Việc triển khai và phát huy hiệu quả của Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại cơ sở, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội./.

 

Thu An (t/h)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực