Hướng tới phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững

Thứ hai, 21/12/2020 10:41
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, với vai trò chủ trì của Bộ KH&CN và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã cơ bản được hình thành. Các chủ thể trong hệ sinh thái đã tham gia một cách đầy đủ, toàn diện với hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp, 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 108 quỹ đầu tư mạo hiểm.

Để hiểu rõ hơn một số vấn đề liên quan, phóng viên có cuộc trao đổi với TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

leftcenterrightdel

TS. Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN,

Bộ KH&CN 

Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh năm 2020 với những ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19?

TS. Phạm Hồng Quất: Có thể nói đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn đến Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Rất nhiều các bạn trẻ có mô hình kinh doanh đang phát triển nhưng sau đó cũng bị đứt gãy và không phát triển được. Tác động, ảnh hưởng bởi môi trường, nhà đầu tư, nguồn cung, các đối tác,… đó là điều rất rõ nét. Vì bối cảnh mới như vậy, các bạn trẻ buộc phải tìm cho mình những giải pháp mới, những mô hình đột phá để duy trì và phát triển.

Thị trường vốn kém hơn thì buộc phải thay đổi chiến lược đầu tư, tìm giải pháp ngắn hạn để nuôi dài hạn. Các nhà đầu tư cũng nhìn vào những giải pháp nào có thể ứng phó, ứng dụng được ngay khắc phục đại dịch sẽ rất thiết thực. Vì thế, hầu như các dự án năm nay đều xoay quanh vấn đề giải quyết thách thức đặt ra từ đại dịch, từ giáo dục đào tạo, y tế, nông nghiệp, cung ứng, logictic,… đều xoay quanh giải quyết các bài toán đó.

Thực ra, dịch COVID-19 xét về phương diện nào đó lại là cơ hội tốt để các bạn trẻ cạnh tranh trong phạm vi quốc tế. Nhiều startup Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư đánh giá cao. Vì vậy, Techfest năm nay vẫn thu hút được khá nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Rất nhiều đại diện của các quỹ vẫn có mặt tại Việt Nam trong suốt mùa COVID, nên họ rất hiểu các startup của Việt Nam. Nhiều diễn giả quốc tế, chuyên gia đã đánh giá cao tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam, vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch và vẫn vươn mình đứng dậy. Rất nhiều bạn thất bại và rất nhiều bạn lại tiếp tục đứng dậy và thành công.

Có thể nói, trong bối cảnh năm 2020, việc tổ chức Techfest là một nỗ lực, thành công rất lớn của cả Hệ sinh thái. Nhiều quốc gia năm nay không tổ chức được sự kiện như vậy. Vì vậy, đây cũng là điểm khá đặc thù mang dấu ấn rất tốt với hệ sinh thái chung trong khu vực cũng như quốc tế.

PV: Vấn đề phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bền vững đã và đang được triển khai nhiều năm qua. Đến nay, các mục tiêu đã được triển khai thế nào, thưa đồng chí?

TS. Phạm Hồng Quất: Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST chúng ta đặt ra là thúc đẩy thật mạnh các mối liên kết giữa các chủ thể. Đồng thời nâng cao năng lực của các chủ thể. Có 3 nhóm chủ thể chính: Một là các sáng lập viên, các startup. Hai là những người hỗ trợ, cố vấn, huấn luyện viên. Ba là các nhà đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư khởi nghiệp.

Khi 3 nhóm chủ thể này cùng chung một tầm nhìn, một tâm huyết để xây dựng được những mô hình kinh doanh đột phá, sẽ tạo ra hiệu quả chung của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, hệ thống thể chế chính sách cũng rất quan trọng để mở đường cho những mô hình kinh doanh mới. Với cả 3 trụ cột và cả tác động về thể chính sách trong thời gian qua chúng ta đều đạt được những tiến bộ rất đáng ghi nhận, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Do đó, thứ bậc của Việt Nam cũng tăng nhiều bậc và hi vọng được tiếp tục cải thiện trong thời gian tới.

PV: Theo  đồng chí, cần có những chính sách gì để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong thời điểm bình thường mới hoặc giai đoạn mới?

TS. Phạm Hồng Quất: Là cơ quan được giao tập hợp các phản ánh/phản hồi từ các chủ thể, tham mưu, xây dựng chính sách về vấn đề này, chúng tôi cho rằng, trong giai đoạn tới cần cải thiện một số thể chế liên quan đến những cơ chế đặc thù dành cho ứng dụng những mô hình kinh tế mới, những công nghệ mới trong các lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực tiềm năng nhưng đầy thách thức như công nghệ về tài chính, thương mại điện tử, chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Thứ hai, cần có những chính sách để khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư cá nhân và đầu tư xã hội, đầu tư cộng đồng cho các bạn khởi nghiệp, để các bạn có thêm nguồn lực.

Thứ ba, rất quan trọng là cần có chính sách để hỗ trợ các cơ sở giáo dục đào tạo, tạo nguồn trí tuệ trẻ, có tư duy mới và có kỹ năng để cung cấp cho hệ sinh thái những nguồn lực có lợi thế của Việt Nam về khởi nghiệp ĐMST trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, để có thể phát triển hệ sinh thái này một cách bền vững, chúng tôi vẫn rất mong muốn hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam hội nhập sâu với khu vực và quốc tế hơn nữa. Chúng ta đã có những nỗ lực, có những tiến bộ và đã ghi tên được trên bản đồ hệ sinh thái của quốc tế. Tuy nhiên, năng lực nội tại của các Dự án, các sáng lập viên cần tích cực hơn nữa. Chúng ta cần mạnh dạn bước ra sân chơi toàn cầu nhiều hơn nữa để phát triển thị trường, gọi vốn, kết nối được mạng lưới khởi nghiệp quốc gia, mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, đặc biệt các bạn trẻ Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài sẽ là cầu nối rất quan trọng để chúng ta nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Với 40 hoạt động trải dài trong suốt 03 ngày diễn ra (27 – 29/11), TECHFEST 2020 đã thu hút trên 6.500 lượt người tham dự; đặc biệt các sự kiện đều được phát trực tuyến với tổng hơn 35.000 lượt xem; gần 300 doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã tham gia triển lãm, trưng bày, trong đó có nhiều sản phẩm, ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp trong Hệ thống Giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, hoạt động kết nối đầu tư, một trong những nội dung quan trọng đã diễn ra liên tục trong suốt sự kiện, thu hút sự quan tâm tham gia của rất nhiều các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp với số phiên kết nối là trên 120 cuộc với tổng số tiền quan tâm đầu tư khoảng 14 triệu USD.

 

Linh Chi ghi
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực