Khám chữa bệnh từ xa - bước tiến mạnh mẽ của ngành y

Thứ năm, 01/10/2020 14:23
(ĐCSVN) –"Xoá nhoà khoảng cách" là điều mà Đề án Khám, chữa bệnh từ xa mang lại thông qua hệ thống kết nối Telehealth. Đó là bước tiến lớn khi công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong y học nước nhà.

Thế giới phẳng trong y tế

Ngay từ khi COVID-19 có dấu hiệu lây nhiễm xuyên lục địa, các tổ chức y tế uy tín trên thế giới đã nhanh chóng khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, an toàn hơn trong mùa dịch.

Ngày 22/6/2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" giai đoạn 2020 với 2 mục tiêu căn bản, đó là tất cả các cơ sở y tế trên cả nước được hỗ trợ chuyên môn liên tục, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo; đồng thời là bước tiến mới giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế  khẳng định hiệu quả của Khám, chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng trực tuyến. Nguồn ảnh: giadinh.net.vn

Việc triển khai mô hình khám chữa bệnh từ xa được thực hiện trên nền tảng công nghệ do tập đoàn Viettel phát triển. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc ra mắt nền tảng khám chữa bệnh từ xa không chỉ giải quyết các vấn đề của COVID-19 mà còn là giúp thay đổi cả hệ thống khám chữa bệnh của Việt Nam. 

Telehealth cho phép trao đổi thông tin về bệnh nhân qua màn hình để thảo luận phác đồ điều trị, chia sẻ các kiến thức chuyên môn hoặc huấn luyện từ xa. Nâng cao kết nối giữa các bộ phận trong bệnh viện, quản lý các dữ liệu nhạy cảm (như bệnh án) một cách bảo mật.

Thông qua nền tảng này, người dân có thể dễ dàng theo dõi sức khỏe qua ứng dụng hoặc website, kết nối với bác sĩ qua hình thức gọi điện, nhắn tin, đặt lịch khám, tương tác với người thân, người có cùng bệnh và cập nhật thông tin hướng dẫn điều trị. Cơ sở y tế có thể lập phác đồ theo dõi cho từng bệnh nhân, quản lý tình trạng sức khỏe hàng ngày, cảnh báo, nhắc nhở điều trị, tương tác trực tiếp với bệnh nhân (qua điện thoại, tin nhắn) và chỉ định điều trị, phục hồi chức năng, tư vấn dinh dưỡng, khám lại.

Hệ thống này đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành, gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Hệ thống cũng được tích hợp các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới nhưng phù hợp với điều kiện và trực trạng chung của ngành y tế vào một nền tảng chung. Điều này giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế trong cả nước.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, khám chữa bệnh từ xa không thể thay thế khám, chữa bệnh truyền thống, nhưng đây sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế, giúp xoá nhoà giới hạn giữa các tuyến. Khi đó, y tế tuyến trên không còn quá tải, tuyến dưới được nâng cao trình độ, người dân được hưởng lợi, tiết kiệm chi phí đi lại.

Những ca bệnh được cứu chữa nhờ công nghệ Telehealth

Các bệnh viện triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa. (Nguồn ảnh: Vietnam+) 

Nói về chương trình này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, sau 4 tháng triển khai, bệnh viện đã tiến hành đều đặn 1 tuần 2 buổi. Mỗi buổi, sẽ có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được tham gia hội chẩn trực tuyến.

Đáng chú ý, tất cả các trường hợp mà bệnh viện tuyến dưới đưa ra hội chẩn đều là các ca bệnh nặng, phức tạp mà các bác sĩ cơ sở gặp khó khăn trong chẩn đoán, điều trị. Nhờ được hội chẩn, đưa ra hướng xử lý kịp thời, nhiều bệnh nhân đã được điều trị hiệu quả, cứu sống ngoạn mục. 

Đó là các ca bệnh nguy kịch cần cứu chữa khẩn cấp trong khi các bênh viện tuyến huyện như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Lai Châu; Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Bắc Quang (Hà Giang), Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh)… chưa bao giờ thực hiện được thì nay đã có nhiều ca phẫu thuật thành công nhờ kết nối Telehealth để thực hiện khám chữa bệnh từ xa.

Bên cạnh việc người dân được cấp cứu, điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì mỗi buổi khám, chữa bệnh từ xa còn là các buổi trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia, các bác sĩ để tuyến dưới có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế.

Cùng với đó, tất cả các chương trình tư vấn, khám chữa bệnh từ xa đều được phát sóng trực tiếp, lưu Youtube, fanpage của bệnh viện. Đây là một kênh rất quan trọng để làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên, hướng dẫn các bác sĩ trẻ, bác sĩ mới ra trường.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cũng cho biết, trong giai đoạn 3 của đề án, đơn vị này đã chuẩn bị xe máy có hộp bảo quản mẫu xét nghiệm, vali khám chữa bệnh từ xa bao gồm máy tính bảng, laptop được cài đặt phần mềm Telehealth và kết nối các máy tính ấy với các máy tính của các chuyên gia, bác sĩ. Thậm chí, hộp kỹ thuật có tai nghe có khả năng phát wifi để người bệnh nhân có thể nghe nhịp tim và các bác sĩ tại bệnh viện cũng nghe được tiếng tim và ghi lại tiếng tim ấy. Máy nội soi tai mũi họng có camera có khả năng quan sát và truyền hình ảnh về cổng thông tin của bệnh viện. Máy điện tâm đồ có thể truyền qua Internet. Bệnh viện cũng trang bị thêm một số thiết bị đầu dò siêu âm, có thể cắm vào các thiết bị nghe, nhìn như máy tính bảng, điện thoại di động để có thể quan sát được kết quả siêu âm. Đây là công nghệ mới nhất đã được đơn vị đầu tư để phục vụ giai đoạn 3 đề án Khám chữa bệnh từ xa.

Bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số hóa ngành Y

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khánh thành kết nối 1000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các chuyên gia y tế đều cho rằng, ứng dụng Telehealth trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Đây là bước khởi đầu để cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng trong triển khai Telehealth là đường truyền tốt, đảm bảo chất lượng hình ảnh cho các trung tâm theo dõi rõ nét, đánh giá tổn thương, chẩn đoán chính xác để đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Do đó, hệ thống Telehealth không chỉ kết nối các điểm cầu xa Hà Nội mà còn kết nối tư vấn, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tại nước bạn Lào hay Trung tâm ECHO, Hoa Kỳ, một trong những nơi có nền y học hiện đại nhất thế giới.

Đến tháng 9/2020, đã có hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước tham gia hệ thống Khám, chữa bệnh từ xa. Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh gia nhập hệ thống hiện đại này mà còn có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Tại nhiều bệnh viện, số điểm cầu tham gia hệ thống tăng lên nhiều so với dự tính ban đầu.

Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện theo phương thức 1-1, tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một cơ sở tuyến dưới thì hiện nay, sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2. Tức là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.

Quan điểm chủ đạo khi thực hiện đề án là hướng đến người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng lợi ích to lớn của Telehealth mang lại, giúp người dân vơi bớt khó khăn, vất vả và yên tâm hơn khi không may đau ốm. Từ đó góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho bệnh viện công, đồng thời tạo điều kiện để người bệnh thăm khám nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong cộng đồng.

Bằng cách ứng dụng công nghệ, giải pháp khám chữa bệnh từ xa đã xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số hóa ngành Y./.

Phương Hạnh (tổng hợp)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực