Những thay đổi tích cực
|
Ứng dụng Chatbot giúp du khách trong nước và quốc tế có được những trải nghiệm và tra cứu mọi thông tin tiện ích khi đến Đà Nẵng. (Ảnh: Kim Ngân) |
Hà Nội đã đưa vào hoạt động các hệ thống các tài khoản trên mạng xã hội, tổng đài thông tin, tư vấn, giải đáp du lịch 1800556896 để giúp du khách thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin, hình ảnh các sản phẩm du lịch. Đây được đánh giá là bước đột phá trong công tác đảm bảo môi trường du lịch, định hướng phát triển thị trường cũng như tiếp nhận thông tin trực tiếp của du khách
Trang thông tin điện tử du lịch Hà Nội hoạt động với hai ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng cùng với các tài khoản mạng xã hội facebook, youtube, tweeter để tăng tính tương tác, là kênh thông tin quan trọng, hiệu quả truyền thông, quảng bá du lịch điểm đến Hà Nội.
Những doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, đúng theo quy định sẽ đều được niêm yết công khai. Người truy cập có thể dễ dàng tiếp cận, xác minh thông tin của các điểm du lịch; nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa; các hướng dẫn viên du lịch trên toàn quố … Đối với những doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định sẽ không được niêm yết. Như vậy, thị trường du lịch được lành mạnh hóa, những cơ sở kinh doanh gian dối dần dần bị triệt tiêu.
Hà Nội cũng đã đưa vào sử dụng hai phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng Thành Thăng Long; một số tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm bus, travel guide khác cũng đã được nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng từ lâu.
Kết quả cho thấy 100% khách du lịch quốc tế, 68,6% khách du lịch nội địa biết đến điểm đến du lịch Hà Nội qua kênh thông tin từ internet.
Cùng với Hà Nội, những năm qua TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cũng phát triển công nghệ phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao. TP. Hồ Chí Minh cũng đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh, phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city” và một số phần mềm tiện ích khác như “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map”. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông với ngành Du lịch, phát triển mô hình du lịch thông minh.
Ở Quảng Ninh, Khách sạn 5 sao Central Luxury Hotel tại Hạ Long đi vào hoạt động từ năm 2018. Bên cạnh kênh bán phòng truyền thống, khách sạn tăng cường sử dụng các OTA (Online Travel Agent) hay các đại lý du lịch trực tuyến như Agoda, Booking.com hay Airbnb… Qua các OTA, Central Luxury tiếp cận được lượng khách lớn gấp 20 lần so với con số mà họ tự tiếp cận. Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ tại Hạ Long đều đang bán phòng qua các OTA. Thậm chí một khách sạn bán phòng qua nhiều OTA ...Không dừng lại ở đó, các khách sạn cũng gắn địa chỉ của mình trên Google map công khai giá phòng, bình luận, đánh giá để tiện cho việc tìm kiếm.
Tại Thừa Thiên Huế, việc áp dụng công nghệ vào phát triển du lịch đã được đẩy mạnh được một thời gian. Đặc biệt, từ năm 2018, Huế đã triển khai đề án phát triển du lịch thông minh, gắn với đô thị thông minh dựa trên cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.Chỉ trong một thời gian ngắn mà ngành đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram… đặc biệt là Facebook, trong vòng 1 tháng (tháng 8/2020), đã tiếp cận được hơn 1 triệu người dùng. Ngoài ra, ngành du lịch Thừa Thiên Huế nhận được nhiều sự hỗ trợ của các đối tác trong quảng bá du lịch bằng công nghệ số. Lăng Tự Đức nằm trong 30 di tích, từ 13 quốc gia được Google số hóa 3D, giúp tăng hiệu quả trong quảng bá.
Từ năm 2012, Đà Nẵng đã đầu tư gần 2 triệu USD cho dự án phủ sóng wifi. Ngoài ra, rất nhiều địa phương khác trong cả nước đã và đang tích cực triển khai phủ sóng wifi miễn phí như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Quảng Bình, Đà Lạt, Cần Thơ…
Các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh du lịch như Vietravel, Saigontourist, Thiên Minh Group, Hanoitourist, Benthanhtourist… Sàn giao dịch du lịch trực tuyến (Tripi) cho phép giao dịch các tour trọn gói, khách sạn và vé máy bay. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 10 sàn giao dịch du lịch. Đây là những điểm nhấn quan trọng của các doanh nghiệp du lịch Việt về khả năng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh.
|
Các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh du lịch. ( Ảnh: Minh Thắng) |
Những vấn đề đặt ra
Sự thay đổi của ngành du lịch Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng … là kết quả sau hai mươi năm qua, rất nhiều Nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần phát triển khoa học công nghệ tiên tiến, ứng dụng trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ghi nhận: “… ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và chuyển biến tích cực, vấn đề ứng dụng khoa học, công nghệ vào du lịch còn có nhiều hạn chế, trở ngại cần khắc phục.
Theo TS Lê Quang Đăng (Viện nghiên cứu phát triển du lịch), mặc dù hiện đã có rất nhiều văn bản pháp quy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với phát triển kinh tế – xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể nào quy định hay hướng dẫn triển khai phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam. Một số địa phương có chủ trương phát triển du lịch thông minh nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập.
Trong thời gian qua, đã có nhiều địa phương triển khai các biện pháp phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, các hoạt động này diễn ra mang tính cục bộ, thiếu cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý và đặc biệt là thiếu “mô hình du lịch thông minh” đảm bảo tính hiệu quả. Điều này dẫn đến đầu tư thiếu trọng điểm, thiếu tính đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao.
Du lịch thông minh được phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ, tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam chưa cao. Ngoài năm địa phương có du lịch phát triển gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin thì rất nhiều địa phương có du lịch phát triển nhưng chỉ số xếp hạng lại rất thấp như: Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lào Cai….
So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ còn hạn chế. Vì thế, việc nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho du lịch vẫn còn nhiều hạn chế.
Sự tiếp cận của doanh nghiệp với du lịch thông minh còn yếu, do doanh nghiệp du lịch Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao; doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn 1-2 sao) chiếm số lượng lớn, đối tượng khách phục vụ chủ yếu là khách nội địa, nhu cầu khách sử dụng các dịch vụ thông minh, trực tuyến không lớn nên khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các doanh nghiệp này còn thấp.
Giải pháp cần thiết
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, theo TS. Lê Quang Đăng, cần tập trung thực hiện một số giải pháp căn bản như tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách cho phát triển du lịch thông minh; chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin – truyền thông theo hướng ứng dụng cho ngành du lịch, tạo nền tảng công nghệ cho du lịch thông minh.
Cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành du lịch: xây dựng cơ sở dữ liệu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ; đầu tư sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch thông minh; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho công tác quản lý và phát triển điểm đến; ứng dụng công nghệ cho công tác thống kê du lịch; ứng dụng công nghệ cho công tác bảo tồn, phục chế các giá trị di sản, di tích phục vụ du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực có trình độ công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, nó sẽ tạo ra một diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam và du lịch thế giới. Tuy nhiên, để phát triển du lịch thông minh cần phải có những điều kiện và tiền đề nhất định – nền tảng cốt yếu của nó là ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn phát triển du lịch thông minh, trước hết phải có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về nó, phải hiểu được bản chất và nắm được quy luật vận động, phát triển./.
P. Khiêm