|
Trạm quan trắc không khí tự động tại Trung Yên 3, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
( Ảnh: HNM)
|
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, Hà Nội đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể: hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ...
Nhờ sự hỗ trợ trên, nhiều đề tài, dự án, công trình ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường ở Hà Nội đã và đang dược thực hiện. Tiêu biểu là Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải”; Dự án “Nghiên cứu xử lý vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường không khí bằng ozone ứng dụng tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội” ; đặc biệt là phát minh ra hạt polyme siêu hấp thụ nước AMS-1. "Hạt nước" này có khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cải tạo đất giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất tăng, không gây độc hại và an toàn với môi trường.
Cũng như Hà Nội, thời gian qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường ở thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả nhất định nhờ triển khai nhiều đề tài, dự án...
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ nghiên cứu chế tạo thiết bị xử lý mùi bằng công nghệ enzyme và xử lý mùi bằng công nghệ oxy hóa sâu. Trong đó, công nghệ enzyme dùng nguyên liệu chính từ 80-120 loại vi sinh vật có ích, khi thiết bị hoạt động, dung dịch enzyme sẽ được đưa lên từ bình chứa enzyme và được phát tán nhanh trong không khí thông qua hệ thống quạt, phá vỡ các phân tử mùi.
Hay Dự án ứng dụng công nghệ oxy hóa sâu trên cơ sở tích hợp từ trường, điện phân và công nghệ va đập phân tử với oxy không khí (có tăng cường ozone) để lắp đặt vào hệ thống trạm cấp nước có sẵn nhằm cải thiện chất lượng nước tại các trạm cấp nước nông thôn ở Cần Thơ.
Từ đầu năm đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã thẩm định nhiều dự án về xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Khi các dự án này được triển khai và đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải.
|
Các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hà Nội phải ứng dụng khoa học công nghệ bằng việc lắp đặt thiết bị phân li dầu-nước. ( Ảnh: Nguyễn Đán) |
Là tỉnh phát triển nhanh ở lĩnh vực công nghiệp, du lịch và dịch vụ, trong những năm qua, Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới trong bảo vệ môi trường.
Ở lĩnh vực y tế, các cơ sở y tế của Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ màng lọc AAO để xử lý nước thải y tế; hệ thống thiết bị xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý để chuyển toàn bộ thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh lây nhiễm.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương đã đưa chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý ao đầm nuôi tôm công nghiệp…
Để giám sát chất lượng môi trường, Quảng Ninh mạnh dạn đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động và hệ thống truyền dẫn dữ liệu tại 7 địa phương bị hưởng bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp là Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Đông Triều, Hoành Bồ.
Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh yêu cầu các tàu du lịch hoạt động trên vịnh phải ứng dụng khoa học công nghệ bằng việc lắp đặt thiết bị phân li dầu-nước.
Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế là phương châm hành động của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, và tỉnh Thanh Hóa không phải là ngoại lệ.Thực hiện nhiệm vụ này, những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai nhiều dự án, đề tài về ứng dụng khoa học công nghệ để bảo vệ môi trường.
Ở lĩnh vực y tế, một số cơ sở y tế đã ứng dụng công nghệ mới xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải và tăng cường chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện như: Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh, Bệnh viện đa khoa huyện Như Thanh, Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng... Các bệnh viện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với mục đích xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường do nguồn nước thải tại các bệnh viện bằng công nghệ vi sinh kết hợp lọc nhỏ giọt.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã đưa chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ, góp phần cải thiện đáng kể môi trường nông thôn, nâng cao năng suất cây trồng... Cùng với đó, việc xây dựng hầm biogas vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
V. Hương