Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất công nghiệp
|
Nhà máy số 3 của Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất. (Ảnh: HNM) |
Việt Nam đã chính thức thử nghiệm lâm sàng trên người vắc xin Nano Covax phòng, chống COVID -19 do doanh nghiệp Nanogen nghiên cứu và phát triển, đã hoàn thiện thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật với độ an toàn và khả năng sinh miễn dịch cao. Đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ đối với phòng ,chống dịch COVID -19 mang tính toàn cầu mà còn là dấu hiệu, kết quả tích cực của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 theo Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến thời điểm hiện tại, một số công nghệ nổi bật đã và đang được các doanh nghiệp tham gia Chương trình nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp là: Công nghệ nano trong nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc; Công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein; Công nghệ điện toán đám mây trong nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy nhập Wifi; Công nghệ sinh học ứng dụng sản xuất thuốc Peginterferon lamda 1, Pegfilgrastim đạt tiêu chuẩn châu Âu; Công nghệ chế tạo rô- bốt 5 bậc tự do phục vụ đào tạo; Công nghệ thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế; Dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện; Công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông lâm thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp đã được quan tâm và đẩy mạnh. Nhiều thành tựu mới nhất của khoa học và công nghệ thế giới đã được chuyển giao và ứng dụng thành công vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi.
Trong ngành điện, công nghệ cao được ứng dụng trong việc phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển – điều độ - thông tin – viễn thông điện lực. Trong lĩnh vực cơ điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sinh học, các chương trình, kế hoạch do Bộ Công Thương chủ trì đã hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thành công nhiều dự án công nghệ cao .
Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông của Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân, sử dụng công nghệ điện phân ứng dụng dòng điện 500 kA do Tập đoàn Rio Alean (Pháp) cung cấp, là công nghệ sản xuất nhôm tiên tiến nhất hiện nay. Nhà máy đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và cấp giấy chứng nhận “Hoạt động ứng dụng công nghệ cao”.
Ngoài ra, còn có các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất collagen, gelatin từ da cá tra; ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất chíp sinh học phục vụ chuẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch; xây dựng nhà máy VN Oil xử lý triệt để dầu nhờn thải để bảo vệ môi trường và sản xuất dầu gốc API nhóm II phục vụ cho pha chế dầu nhờn trong nước với công nghệ được chuyển giao độc quyền từ Công ty Chemical Engineering Partners (CEP), Mỹ…Điển hình là làm chủ công nghệ chế tạo rô- bốt tay máy 5 bậc tự do phục vụ đào tạo về cả phần cứng và phần mềm, chế tạo thành công các rô- bốt, các moduls và nhiều bài giảng phục vụ đào tạo về kỹ thuật chế tạo robot trong các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật.
Tại Hà Nội, việc áp dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0, đã và đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực công nghiệp. Một số lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp của Hà Nội như điện tử, cơ khí chế tạo, cơ điện tử, linh phụ kiện điện tử và ngành công nghiệp ô-tô, xe máy… có sự phát triển đột phá, tạo ra giá trị lớn như ngành điện tử. Sự phát triển này là kết quả của việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tiên tiến. Ngành cơ khí chế tạo đã ứng dụng công nghệ gia công CNC, thiết kế và chế tạo với sự trợ giúp của máy tính CAD/CAM, tự động hóa các chức năng với bộ điều khiển chương trình logic PLC.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, nhất là các doanh nghiệp FDI, đã có sản lượng hàng chục triệu sản phẩm, doanh thu hàng trăm triệu USD/năm, nhờ áp dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô-bốt, các phầm mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng. Một số doanh nghiệp trong nước như Kim khí Thăng Long, Nhựa Hà Nội, Xích líp Đông Anh… bước đầu ứng dụng hiệu quả công nghệ mới về hàn, đột dập tấm lớn và các chi tiết nhỏ có độ chính xác cao, sử dụng các phần mềm thiết kế và điều khiển chuyên dụng, chế tạo khuôn mẫu, đúc áp lực và nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ plát-ma, la-de, rô-bốt…
Do đó, các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của Hà Nội đã tăng trưởng nhanh về giá trị xuất khẩu. Có thể kể đến nhiều dòng sản phẩm xuất khẩu chủ lực như máy biến thế, dây và cáp điện, máy x-quang, ống thép, nhà thép tiền chế, khuôn mẫu, bao bì kim loại và linh kiện cơ khí cho các sản phẩm điện tử, cơ điện tử, ô-tô, xe máy... Theo nhận định của các chuyên gia, có thể xem Hà Nội đã trở thành trung tâm chế tạo mới của khu vực và thế giới, nhất là trong ngành cơ điện tử.
Trong ngành cơ khí, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp như VEAM, Trường Hải… có kế hoạch đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, và nâng cao năng lực sản xuất, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới xuất khẩu.Tổng công ty Cơ khí xây dựng – COMA, chú trọng áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn, chú trọng vào các công nghệ hàn mới như: TIG, MIG, MAG, điện xi…và mua các thiết bị mới hiện đại như máy cắt CNC, các trung tâm gia công phục vụ chế tạo bi cầu giàn không gian, các máy hàn mới hiện đại… để phục vụ sản xuất, triển phai chế tạo các sản phẩm mới, chính xác và chất lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngoài việc tự nâng cao về mặt thiết bị, công nghệ trong sản xuất thì với thực lực của ngành cơ khí như hiện nay, việc tiếp thu những công nghệ mới thông qua liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí là rất cần thiết. Cùng với đó, là đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp nội địa để cũng tham gia chế tạo, nội địa hóa sản phẩm được tốt hơn.
|
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất linh kiện điện tử ở Yên Phong (Bắc Ninh).
(Ảnh: Thanh Lâm)
|
Doanh nghiệp tiếp tục là trung tâm trong việc ứng dụng khoa học công nghệ
Trong giai đoạn 2010-2020, nhiều doanh nghiệp, đã và đang làm chủ được quy trình công nghệ hiện đại, giúp giảm giá thành sản phẩm, nhân rộng các quy trình công nghệ chuyển giao cho người sản xuất ở tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp. Điển hình như làm chủ công nghệ chế tạo rô-bốt tay máy 5 bậc tự do phục vụ đào tạo về cả phần cứng và phần mềm, chế tạo thành công các rô-bốt, các moduls và nhiều bài giảng phục vụ đào tạo về kỹ thuật chế tạo robot trong các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật.
Sản phẩm rô-bốt từ dự án có chất lượng tương đương với các sản phẩm nước ngoài đang có trên thị trường và giảm được khoảng 60% giá thành sản phẩm. Nghiên cứu làm chủ được công nghệ thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế cho cả lĩnh vực công nghiệp và dân dụng. Ngay trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã ký kết được một số hợp đồng chuyển giao dây chuyền sản xuất với một số đối tác nước ngoài (Úc, Bờ Biển Ngà…) lên tới hơn 1 triệu USD.
Do đó, trong Dự thảo Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, mục tiêu định tiếp tục tập trung chính vào đối tượng doanh nghiệp, song hành với đó là các viện nghiên cứu, trường đại học (nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp); khuyến khích mô hình doanh nghiệp chủ trì thực hiện nhiệm vụ, viện nghiên cứu, trường đại học và Nhà nước phối hợp, hỗ trợ chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các công đoạn nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ công nghệ, hỗ trợ sản xuất thử nghiệm và sản xuất công nghiệp với quy mô lớn.
Chương trình còn đặt ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; đến năm 2030, con số này sẽ là 500 doanh nghiệp; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm...
Có thể nói sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước bằng chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, theo kịp bước tiến của thế giới, tận dụng được thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề cần quan tâm đặc biệt hiện nay.
N. Phan