Khoa học công nghệ thúc đẩy ngành thủy sản phát triển

Thứ sáu, 09/10/2020 11:15
(ĐCSVN) - Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, ngành thủy sản nước ta không ngừng phát triển về giá trị sản xuất và xuất khẩu. Có được thành công đó phải kể đến nỗ lực nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu và nhà khoa học.

Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

Ngành thủy sản có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, được xác định là một trong năm ngành kinh tế biển then chốt trong Chiến lược biển Việt Nam. Giá trị xuất khẩu ngành thủy sản đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước. Số lượng ngư dân và lao động nghề cá được ước tính với khoảng gần 3 triệu lao động hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong nghề cá biển, khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gần bờ và xa bờ.

Nuôi tôm thẻ siêu thâm canh công nghệ cao tại Cà Mau .

(Ảnh: Sacotec)


Năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9% trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,6 tỷ USD. Riêng nuôi tôm, cả năm 2019, diện tích nuôi tôm đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn bằng 98,3% so với năm 2018, trong đó tôm sú ước đạt 270.000 tấn, tôm chân trắng là đạt 480.000 tấn.

Việc nâng cao giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đã được đặt ra và cần phải giải quyết. Trong đó, một vấn đề lớn là thức ăn cho vùng nuôi thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nước ta có khoảng 130 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với sản lượng 3,77 triệu tấn, đáp ứng 85,6% nhu cầu trong nước. Trong đó, có 96 cơ sở sản xuất thức ăn cá tra, 68 cơ sở thức ăn tôm sú và 38 cơ sở thức ăn tôm chân trắng. Tỉ lệ thức ăn thủy sản phải nhập khẩu của nước ta ngày càng giảm dần, nhưng nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn (như ngô, khô dầu đậu nành, đậu tương, bột cá, dầu cá hồi, nhóm các acid amin…) vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu với hơn 50%. Hiện nay, thị phần thức ăn thủy sản gần như nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, thị trường thức ăn cho tôm gần như là 100% của các doanh nghiệp Uni-President (Đài Loan, 30% - 35% thị phần), CP (Thái Lan), Tomboy (Pháp)…, các doanh nghiệp trong nước hầu như không chen chân vào được.

Vì vậy, nhu cầu sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giàu dinh dưỡng từ vi tảo, có giá trị, kinh tế và hiệu quả đối với ngành nuôi trồng thủy sản  trong nước là vô cùng cần thiết để tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao dự án “Phát triển sản phẩm sinh khối tảo dị dưỡng làm thức ăn bổ sung cho tôm/cá” thuộc Dự án Phát triển sản phẩm thương mại cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam do Ban Ứng dụng và Triển khai Công nghệ quản lý, GS.TS. Đặng Diễm Hồng, Viện Công nghệ sinh học làm chủ nhiệm năm 2018-2020. Dự án đã được tiến hành với mục tiêu hoàn thiện sản phẩm Algae Feed-TOMCANT làm thức ăn bổ sung cho tôm/cá được thị trường trong nước chấp nhận nhằm khẳng định chất lượng các sản phẩm nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam.

Schizochytrium mangrovei PQ6 là chủng vi tảo biển dị dưỡng thuộc chi chizochytrium được phân lập ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang năm 2006-2008, thuộc Bộ sưu tập chủng giống của Phòng Công nghệ Tảo, Viện Công nghệ sinh học. Đây là chủng vi tảo giàu lipit và các axit béo không bão hòa đa nối đôi đặc biệt là axit docosahexaenoic (DHA - C22: 6n-3). Các sản phẩm được làm từ sinh khối khô Schizochytrium để làm giàu luân trùng và Artemia phục vụ cho NTTS đã có mặt trên thị trường thế giới như AlgaMac-2000TM và AlgaMac-3050TM do Aquafauna Bio-Marine Inc (Mỹ) hoặc “Docosa Gold” của Công ty Sanders Brine TOMCA (Mỹ) sản xuất. Ở Việt Nam, hiện chưa có sản phẩm nội địa nào được sản xuất từ loại vi tảo này.

Theo  GS.TS. Đặng Diễm Hồng, sau 2 năm thực hiện dự án, lần đầu tiên ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện và sản xuất được sản phẩm Algae Feed-TOMCANT từ loài vi tảo biển dị dưỡng Schizochytrium mangrovei bản địa giàu dinh dưỡng đặc biệt là các axit béo không bão hòa đa nối đôi dạng bột khô để bổ sung làm thức ăn cho tôm ở giai đoạn giống đến thương phẩm. Algae Feed-TOMCANT bổ sung DHA, EPA, các khoáng đa và vi khoáng cần thiết cho tôm; giúp tôm tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, tiết kiệm chi phí thức ăn từ 1,4-10% tổng lượng thức ăn cần cung cấp cho tôm số so với không dùng sản phẩm Algae Feed-TOMCANT. Đây là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên từ vi tảo S. mangrovei PQ6, không chứa chất bảo quản, chất cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được một quy trình nuôi trồng tảo theo kiểu lên men theo mẻ có bổ sung cơ chất với công suất 50-100 kg sinh khối tảo/tháng, lượng sinh khối tươi và khô trung bình đạt 405,23 g/L và 115,79 g/L (tương ứng), hàm lượng lipit đạt 44-48% sinh khối khô.

Đã xây dựng được một quy trình thu hoạch sinh khối đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm năng lượng nhưng có hiệu quả cao (xấp xỉ 95 %), sinh khối tảo có hàm lượng lipits đạt gần 47% sinh khối khô, hàm lượng axit béo không bão hòa đã nối đôi (polyunsaturated fatty acids-PUFAs) đạt 60% so với axit béo tổng số; một quy trình sấy sinh khối tảo đạt 40 kg/tháng, rẻ tiền, phù hợp với điều kiện của Phòng thí nghiệm, đảm bảo chất lượng sinh khối (hàm lượng lipit đạt 46,7% sinh khối khô, hàm lượng PUFAs đạt 60,1% so với axit béo tổng số); một bộ tiêu chuẩn cơ sở số 01:2020/VCNSH cho sản phẩm Algae Feed-TOMCANT được Hội đồng khoa học Viện Công nghệ sinh học xác nhận theo Quyết định số 290/QĐ-CNSH do Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học ký ngày 28/4/2020.

Nhóm nghiên cứu cũng đã sản xuất được 479,5 kg sản phẩm Algae Feed-TOMCANT đảm bảo tiêu chuẩn cơ sở đã đề ra trong đó, đã bước đầu thương mại hóa được 370 kg và 109,5 kg cung cấp miễn phí cho các trại nuôi trồng thử nghiệm trên tôm. Đồng thời, nhóm đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm Algae Feed-TOMCANT và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận số 335401 theo Quyết định số 97217/QĐ-SHTT ký ngày 01/11/2019.

Nuôi cá tra công nghệ cao tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

( Ảnh: Lê Vũ)

Điều đáng phấn khởi là kết quả thử nghiệm sản phẩm Algae Feed-TOMCANT trên tôm ở cả 3 trại của miền Bắc, Trung và Nam đã cho thấy mặc dù điều kiện môi trường nuôi và cách thức nuôi tôm có khác nhau nhưng khi sử dụng sản phẩm, tôm có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ sống và năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp rõ rệt (P<0,05) so với đối chứng không sử dụng sản phẩm. Qua đó, cho thấy hiệu quả kinh tế cũng cao hơn (tiết kiệm được khoảng 1,4%-10% tổng lượng thức ăn cần cung cấp cho tôm thử nghiệm trong thời gian 60 và 90 ngày thử nghiệm, tương ứng ở trại tôm ở Quảng Ninh, Quảng Bình và Bạc Liêu).

Với kết quả rất tích cực từ dự án, người nuôi trồng thủy sản có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường với chi phí đầu vào hợp lý.

T.Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực