Khoa học và công nghệ - động lực phát triển kinh tế -xã hội

Bài 1: Thực hiện nhất quán khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu
Thứ năm, 24/12/2020 11:08
(ĐCSVN) - Trong văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) lên tầm mức mới với khẳng định “Khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu”, “Khoa học và công nghệ là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại”. Những quan điểm này tiếp tục được tái khẳng định trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020. 

Khẳng định vai trò, vị trí của KH&CN

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Tại Việt Nam, vai trò của KH&CN trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW), Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư năm 2019 và nhiều văn kiện, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã tái khẳng định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển nguồn nhân lực, KHCN&ĐMST là một trong các đột phá chiến lược được nhấn mạnh tại các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng khóa XIII.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 năm 2020, chuẩn bị tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" đã nhấn mạnh quan điểm: "Thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế".

Văn kiện Đại hội XII đặt ra nhiệm vụ “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là thực tiễn nóng hổi rất sinh động, phong phú để chúng ta tiếp tục khẳng định, bổ sung và làm sâu sắc thêm những bài học kinh nghiệm đã được đúc rút từ những nhiệm kỳ trước. Dự thảo Văn kiện trình Ðại hội XIII của Ðảng chứa đựng nhiều điểm mới rất phong phú, toàn diện và sâu sắc, trong đó, các quan điểm phát triển KH&CN tiếp tục được nhấn mạnh, cụ thể “Tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Có chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Thực tiễn cho thấy, KH&CN đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiềm lực KH&CN của đất nước được tăng cường. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam. Hiệu quả hoạt động KH&CN được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo...

Nhiều thành tựu đột phá

Có thể khẳng định, KH&CN đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam gần đây đang giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Bằng chứng là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm và tăng lên 5,8% giai đoạn 2016-2018. KH&CN đã đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Với lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. 3 khu công nghệ cao là Hòa Lạc, TP.HCM và Đà Nẵng đã thu hút tổng số vốn đăng ký hàng chục tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động.

Đầu tư cho KH&CN những năm qua đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp KH&CN.  

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa ra mục tiêu: “Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 30 - 35%”. Thực tế, chỉ số TFP tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020; Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn nhiều mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam (GII) liên tục tăng vượt bậc, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, năm 2020, xếp thứ 42/131 quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Nguồn vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST tăng nhanh. Hiện có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam (Thống kê ước tính từ Topica Founder Institute 2012-2019). 2 năm gần đây, số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng cao, đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 Đông Nam Á về khởi nghiệp sáng tạo (Theo báo cáo của ESP Capital năm 2019).

Số lượng bài báo ISI (Thống kê trên ISIKNOWLEDGE) của Việt Nam tăng đều hàng năm. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Tốc độ tăng trưởng bình quân công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 là 25,68%/năm. Tại Đông Nam Á, giai đoạn này, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng thứ 5 với tổng số 48.366 công bố, xếp sau Thái Lan với 87.971 công bố. Trong năm 2020 công bố quốc tế của Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, khi số lượng công bố của 10 tháng đầu năm đã vượt 16% so với năm 2019.

Trong Văn kiện Đại hội XII, lần đầu tiên Đảng ta khẳng định: “Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của đất nước, chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta”. Trong bối cảnh môi trường quốc tế cạnh tranh ngày càng gay gắt, công nghệ được xem là công cụ chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách lớn thể hiện qua Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”; Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (CGCN), Các Chương trình quốc gia phát triển KH&CN,…

Sau khi Luật CGCN có hiệu lực thi hành (01/7/2018) với quy định các hợp đồng CGCN từ nước ngoài vào Việt Nam phải thực hiện đăng ký CGCN, số lượng các hợp đồng CGCN được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tăng mạnh so với giai đoạn trước (105 hợp đồng với tổng giá trị khoảng 19.000 tỷ đồng, trung bình khoảng 181 tỷ đồng/hợp đồng). Các hợp đồng CGCN chủ yếu là chuyển giao từ nước ngoài vào cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong các lĩnh vực về ô tô, xe máy, điện tử, hóa chất, thiết bị y tế, sản xuất thuốc, chế biến thực phẩm.

Đầu tư cho KH&CN những năm qua đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong đóng góp của xã hội, nhất là từ khu vực doanh nghiệp. Nếu như khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (NSNN) (khoảng 70% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ NSNN và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%.

KH&CN đã góp phần giải quyết những thách thức, vấn đề cuộc sống đặt ra. Bằng chứng là rất nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao và phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống xã hội. Đầu năm 2020, Bộ KH&CN đã huy động lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp triển khai theo quy trình đặc biệt thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể: Nghiên cứu chế tạo thành công bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của vi rút corona 2019 (SARS-CoV-2); Nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2; Thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về SARS-CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng chống dịch; Nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot gồm: VIBOT-1a hỗ trợ y tế và chế tạo, thử nghiệm thành công robot NaRoVid11a.

Về ghép tạng, chỉ có 6 tạng: thận, gan, tim, tụy, phổi và ruột. Chúng ta đi sau thế giới khoảng 40-50 năm nhưng tính đến nay, Việt Nam đã ghép thành công cả 6 tạng gồm thận, gan, tim, ghép khối tụy – thận, phổi và tháng 10 năm 2020 đã thực hiện thành công ca ghép ruột đầu tiên. Những thành tựu này là bước tiến của nền y học Việt Nam, đồng thời khẳng định hiệu quả đầu tư cho KH&CN thời gian qua.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã coi phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào KHCN&ĐMST và chuyển đổi số là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất trong giai đoạn tới, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong đó, cần “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

Với việc xác định “vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn” và việc nắm bắt, tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng KH&CN hiện đại đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, cùng với khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, có thể tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ đi tắt, đón đầu, phát triển KHCN&ĐMST để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước, thực hiện được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam:

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, để KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo:

(1) Quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH&CN mà Nghị quyết Trung ương đề ra;

(2) Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, tài chính và doanh nghiệp, bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật về KH&CN, tạo động lực thúc đẩy ứng dụng KH&CN;

(3) Tiếp tục tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia; ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới để phát triển các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của quốc gia;

(4) Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng KH&CN hiện đại;

(5) Thúc đẩy phát triển mạnh thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo;

(6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển KTXH.

(Nguồn: Phim tài liệu: “Hướng tới Đại hội Đảng XIII”-Tập 5, VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam).

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực