Khoa học và công nghệ - động lực phát triển kinh tế -xã hội

Bài 2: Tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo
Thứ năm, 24/12/2020 11:20
(ĐCSVN) - Đại hội XII của Đảng đã xác định khoa học và công nghệ (KH&CN) thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức. Trong 5 năm qua, khi đời sống kinh tế xã hội trong nước có nhiều biến động trước làn sóng của công nghiệp 4.0, KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) càng chứng minh vai trò là nền tảng phát triển sản xuất.
TS. Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ 

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về những định hướng ưu tiên phát triển trong giai đoạn mới.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, để tiếp tục phát triển KH&CN trong thời kỳ mới, trên cơ sở những bài học được đúc rút từ nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đặt ra những vấn đề nào cần ưu tiên trong thời kỳ tới?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Có thể nói trong giai đoạn vừa qua, KHCN&ĐMST đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong chặng đường sắp tới, cần tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thực sự thuận lợi, giải phóng tiềm năng sáng tạo, huy động nguồn lực để phát triển mạnh mẽ, đưa KHCN&ĐMST thực sự trở thành đột phá chiến lược góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển năng động, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành KH&CN cần chú trọng thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, cần tập trung xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021 – 2030, và những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2025. Cùng với đó, tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương về phát triển KH&CN và các chương trình hành động của Chính phủ.

Thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN (DNKH&CN) và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển KH&CN tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất. Thực hiện tái cơ cấu và tổ chức triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn mới, chú trọng việc giải quyết các yêu cầu đặt hàng từ phía doanh nghiệp, sau đó nhanh chóng chuyển giao kết quả nghiên cứu đến các doanh nghiệp sử dụng. 

Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, để việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN phải thật đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, phù hợp với thông lệ quốc tế và cải cách thủ tục hành chính để các nhà khoa học yên tâm, tập trung vào công tác chuyên môn, không mất nhiều thời gian vào các thủ tục hành chính trong thanh quyết toán khi thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN; triển khai hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng nhân lực KH&CN chất lượng cao, huy động được nguồn lực về nhân lực KH&CN trong nước và ngoài nước nhất là nhân lực có trình độ cao.

Cuối cùng chúng ta phải phát huy và thực hiện tốt việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

PV: Hiện nay có một số hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội DNKH&CN của Việt Nam đã được thành lập, Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của các hiệp hội này cũng như vai trò của các DNKH&CN hiện nay?

Thư trưởng Trần Văn Tùng: Thực tế cho thấy, DNKH&CN là nơi nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học và của các nhà khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh. Đó là nơi các kết quả được chuyển giao, nơi tạo công ăn việc làm cho xã hội, là nơi các nhà khoa học có thể đưa trí tuệ, những ý tưởng của mình tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội.

 Việc thành lập hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội DNKH&CN trong thời gian qua cho thấy sự phát triển của việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho khu vực doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng hơn 500 DNKH&CN được công nhận chính thức nhưng tiềm năng của Việt Nam, tổng kết nhanh có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình DNKH&CN.  

Có thể nói, DNKH&CN đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Theo báo cáo tổng hợp năm 2019, tổng doanh thu của các doanh nghiệp KH&CN đạt trên 2,3% GDP cả nước. Số lượng DNKH&CN không nhiều nhưng các doanh nghiệp đó tồn tại, phát triển một cách bền vững. Đặc biệt, qua những giai đoạn khó khăn, chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của DNKH&CN. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp KH&CN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhiều doanh nghiệp đã hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển để chủ động đầu tư cho KH&CN. 

Chúng ta cũng cần tăng cường hỗ trợ hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội DNKH&CN. Thực hiện hỗ trợ các DNKH&CN thông qua Hiệp hội để tạo tác động lan tỏa và thúc đẩy sự liên kết giữa các DNKH&CN.

PV: Thứ trưởng vừa nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong thời gian tới. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

TS. Trần Văn Tùng: Việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm là nói 2 chiều. Một chiều là các viện nghiên cứu, trường đại học chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Chiều ngược lại là doanh nghiệp đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy chính doanh nghiệp hiện nay cũng đang hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển KH&CN nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động KH&CN, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp như Viettel, Phenikaa, Vingroup,…

Đây là hướng đi hết sức đúng đắn và giống như thông lệ của các nước, trong các tập đoàn, tổng công ty lớn bao giờ cũng có bộ phận nghiên cứu, giúp đưa ra được những sản phẩm mới, có khả năng cạnh tranh, có chất lượng cao hơn, giúp doanh nghiệp phát triển.

Nói như vậy để thấy rằng, trong chính sách phát triển doanh nghiệp hiện nay, chúng ta đã và đang từng bước đưa KHCN&ĐMST vào doanh nghiệp và tập trung cho nghiên cứu KHCN&ĐMST tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Đây cũng là một trong các yếu tố đem đến sự xoay chuyển tỉ lệ đầu tư cho KH&CN trong thời gian qua, tức là trước đây đầu tư cho KH&CN từ Ngân sách Nhà nước là 70% và từ huy động nguồn xã hội hóa là 30%, thì nay thay đổi là 52% và 48%.

Về cơ chế, chính sách, do việc triển khai quy định về trích lập Quỹ phát triển KH&CN còn một số vướng mắc nên Bộ KH&CN và Bộ Tài chính đang tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ sửa đổi để sử dụng, quản lý quỹ thuận lợi, không bị chặt chẽ quá theo các cơ chế của các dòng tiền Ngân sách nhà nước, cởi trói và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng hết các cơ hội đó để phát triển và đầu tư cho KH&CN nhưng đồng thời vẫn đảm bảo đúng các quy định của nhà nước.

PV:  Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hạnh Nguyên thực hiện
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực