Khoa học và công nghệ - động lực phát triển kinh tế -xã hội

Bài 3: Phát triển doanh nghiệp KH-CN: Cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp
Thứ năm, 24/12/2020 14:07
(ĐCSVN) - Hiện cả nước có trên 500 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp (DN) KH&CN trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình DNKHCN. Tổng doanh thu của các DNKHCN chiếm tỉ lệ ngày càng cao trong GDP cả nước. Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ các DN KH&CN phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy mối liên kết 3 nhà.

Phát triển về số lượng và chất lượng

Theo TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 11/2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận DNKHCN trên tổng số 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình DNKHCN.

Trên cơ sở báo cáo của 235 doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2019, cho thấy DNKHCN tạo việc làm cho gần 31.270 người lao động với thu nhập bình quân tháng 15 triệu đồng/người. Tổng doanh thu của 235 doanh nghiệp năm 2019 đạt trên 147.170 tỷ đồng. Trong đó, có 217 doanh nghiệp có doanh thu từ sản phẩm KH&CN với tổng trên 24.123 tỷ đồng (chiếm 16,3% tổng doanh thu). Năm 2019, tổng doanh thu của 235 DNKHCN đạt 2,39% GDP cả nước

Sản phẩm tảo xoắn Spirulina trong công đoạn sấy tách ẩm của Công ty Hidumi Pharma. 

TS. Phạm Hồng Quất cho biết thêm, có 198 doanh nghiệp có lãi với tổng lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 5.268 tỷ đồng. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của sản phẩm KH&CN đạt gần 1.344 tỷ đồng/183 doanh nghiệp.

DNKH&CN là nơi nhận chuyển giao các kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học và của các nhà khoa học đưa vào sản xuất kinh doanh. Đó là nơi các kết quả được chuyển giao, nơi tạo công ăn việc làm cho xã hội, là nơi các nhà khoa học có thể đưa trí tuệ, những ý tưởng của mình để tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội. Tín hiệu đáng mừng đó là, hiện các doanh nghiệp nói chung và các DNKHCN nói riêng đã chú trọng nhiều hơn tới việc đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 7% doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận từ kết quả KH&CN từ nguồn ngân sách nhà nước; hơn 90% doanh nghiệp còn lại tự đầu tư nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao kết quả KH&CN bằng toàn bộ nguồn vốn của chính doanh nghiệp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp và DNKHCN đã hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển KH&CN nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động KH&CN, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp như Viettel, Phenikaa, Vingroup,…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, đây là hướng đi đúng và giống thông lệ của các nước. Chúng ta đã và đang từng bước đưa KHCN và đổi mới sáng tạo vào doanh nghiệp và tập trung cho nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển một cách bền vững và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

DNKHCN đã chú trọng tới việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN và sản phẩm được tạo ra. Có 138 doanh nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 9 doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ và đang chờ kết quả. Ví dụ: Công ty CP Robot Tosy đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới. Công ty TNHH Thiết bị Y tế Bắc Việt sở hữu hơn 15 bằng độc quyền sáng chế và bằng kiểu dáng công nghiệp; Công ty CP Công nghiệp và thiết bị chiếu sáng Duhal sở hữu 15 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;...

Số lượng DNKH&CN không nhiều nhưng các doanh nghiệp đó tồn tại, phát triển một cách bền vững. Đặc biệt, qua những giai đoạn khó khăn, chúng ta đều nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của DNKH&CN. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều DNKHCN đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tập trung phát triển sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác hợp tác mới và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh từ trực tiếp truyền thống sang kinh doanh online, giao hàng và thanh toán tận nhà, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong đó nghiên cứu và sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, nội địa hóa nguồn cung nguyên vật liệu. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Công ty CP Sao Thái Dương đã hợp tác với các nhà khoa học để chế tạo thành công hai bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2; Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải nghiên cứu chế tạo thử nghiệm một số hợp chất nano từ thiên nhiên có khả năng ức chế Sars-CoV-2, ngăn bão hòa Cytokine và giảm khả năng đông máu, hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19; Công ty TNHH Châu Đà sản xuất sản phẩm Máy sản xuất khẩu trang tự động đáp ứng nhu cầu sản xuất khẩu trang y tế trong mùa dịch bệnh,...

Giải pháp nào để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ?

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN nói chung trong đó có DNKHCN và được cụ thể hoá thông qua các Nghị định, thông tư, nhiệm vụ KH&CN, chương trình KHCN, dự án cụ thể như: Nghị định 80 năm 2007 của Chính phủ về DNKHCN, Chương trình Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592), Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST),... Qua đó, rất nhiều kết quả nghiên cứu đã được các cơ quan quản lý, viện/trường và doanh nghiệp phối hợp triển khai, đưa vào sản xuất. Nhiều doanh nghiệp KH&CN đã được hình thành qua các Chương trình, Dự án KH&CN, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma (Hidumi Pharma) cho biết “trước đây Công ty hoạt động ở quy mô nhỏ, nhưng khi được Bộ KH&CN đầu tư thông qua việc triển khai Dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ tảo” thuộc Dự án FIRST, chúng tôi đã làm chủ được quy trình, công nghệ nuôi phù hợp, tận dụng nguồn nước ven biển, chủ động về con giống và kiểm soát được quá trình nuôi. Với 3 sản phẩm tảo xoắn Spirulina, đông trùng hạ thảo, đậu tương lên men Natto Kinaza, Công ty đã đạt doanh thu ban đầu 3-4 tỷ đồng/năm và đang ngày càng mở rộng thị trường”.

Cũng là doanh nghiệp được Bộ KH&CN hỗ trợ thông qua Dự án FIRST, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu, thương mại hóa thành công nhiều sản phẩm. Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc chia sẻ, sự hỗ trợ của Nhà nước có vai trò “bà đỡ” cho việc hình thành mô hình liên minh KH&CN, chuỗi liên kết từ nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, chuyển giao công nghệ; gắn kết giữa các nhà khoa học đứng đầu các chuyên ngành của Việt Nam về vật lý, vật liệu, sinh học và khai thác thủy sản để giải quyết những vấn đề liên ngành;… Ngoài việc làm chủ trong thiết kế, sản xuất và nội địa hóa, kiểm tra đánh giá IQC, PQC, OQC 8 loại sản phẩm LED chuyên dụng phục vụ 5 lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả cơ bản và lâu dài của Dự án là đã góp phần xây dựng một chuỗi liên minh liên kết trong phát triển sản phẩm LED của Việt Nam.

Các loại LED của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông được bố trí trên cánh đồng trồng thanh long. 

Theo quy định hiện nay, DNKHCN đang được hưởng nhiều hỗ trợ của Nhà nước như hỗ trợ về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp; được giới thiệu quảng bá sản phẩm thông qua các hội thảo, triển lãm; kết nối cung - cầu, chợ công nghệ và thiết bị... Nhờ được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, vay vốn tín dụng đầu tư, thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước, doanh nghiệp tập trung được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho KH&CN, đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng và sức cạnh tranh. Nhiều DNKHCN chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Mối liên kết giữa 3 nhà đã phát triển mạnh trong thời gian qua và đã tạo ra nhiều sản phẩm KHCN có giá trị cao, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo TS.Phạm Hồng Quất, sự liên kết này chưa phổ biến, quy mô còn nhỏ. Do đó, chưa tận dụng được tiềm năng của kho kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ tại các viện, trường hiện nay nhằm hình thành và phát triển DNKHCN. Hiện chưa có nhiều chính sách hỗ trợ sản phẩm trong giai đoạn thương mại hóa tiềm ẩn nhiều rủi ro không kém giai đoạn nghiên cứu và phát triển; Cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN của các DNKHCN còn thiếu, do thiếu vốn đầu tư hoặc không thuê được đất để xây dựng mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh; do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, DNKHCN cũng gặp phải rất nhiều khó khăn như các doanh nghiệp nói chung như thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ bị hạn chế, thiếu hụt lao động, doanh thu sụt giảm, nguồn tiền chi trả các chi phí vận hành doanh nghiệp hạn hẹp,…; Hơn thế, các sản phẩm của nước ngoài đặc biệt là các nước tiên tiến xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường trong nước khiến cho sản phẩm của doanh nghiệp bị cạnh tranh gay gắt.

TS.Phạm Hồng Quất, để tiếp tục phát triển DNKHCN trong giai đoạn tới, cần tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về DNKHCN đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. Cụ thể, đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo gồm: Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành để bảo đảm thực thi được các chính sách hỗ trợ phát triển DNKHCN; cơ chế giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu… Thiết kế hệ thống chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi áp dụng đối với sản phẩm mới thay vì áp dụng theo chủ thể đầu tư như hiện nay, nhằm đảm bảo sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và thúc đẩy doanh nghiệp liên tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Đề xuất xây dựng chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm KH&CN của DNKHCN.

Thứ hai, thúc đẩy liên kết viện, trường và doanh nghiệp nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển DNKHCN. Theo đó, xây dựng và ban hành cơ chế phù hợp tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận kết quả KH&CN mới để hình thành các DNKHCN; Thúc đẩy hỗ trợ phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) từ các trường đại học, viện nghiên cứu nhằm thúc đẩy việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được tạo ra từ viện, trường. Thúc đẩy hoạt động của các cơ sở ươm tạo tại trường, viện và thu hút sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, DNKHCN dẫn dắt các lĩnh vực.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về sản phẩm KH&CN, DNKHCN để nâng cao giá trị thương hiệu, tạo uy tín đối với người tiêu dùng, giúp thương hiệu “doanh nghiệp khoa học và công nghệ” trở thành thương hiệu mạnh, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho DNKHCN. Các hoạt động truyền thông về sản phẩm KH&CN, DNKHCN được đẩy mạnh cả về tần suất thực hiện, hình thức đa dạng, lựa chọn những doanh nghiệp điển hình, tiêu biểu với các sản phẩm chất lượng.

Thứ tư, chuyển đổi, cơ cấu lại các chương trình có nội dung hỗ trợ phát triển DNKHCN theo hướng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thương mại hóa, phát triển thị trường cho những sản phẩm KH&CN chất lượng nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cuối cùng, tăng cường hỗ trợ hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là Hiệp hội doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam. Thực hiện hỗ trợ các DNKHCN thông qua Hiệp hội để tạo tác động lan tỏa và thúc đẩy sự liên kết giữa các DNKHCN./.

Bài, ảnh: Linh Chi
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực